Đề nghị Bộ Giáo dục chỉ đạo công khai hết sáng kiến kinh nghiệm đạt giải

13/02/2021 06:15
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không phải hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn nào cũng giỏi, không phải trưởng phó phòng hay chuyên viên đều có kinh nghiệm giảng dạy thực tế để thẩm định sáng kiến.

Từ nhiều năm nay, câu chuyện về sáng kiến kinh nghiệm luôn là đề tài bức xúc trong giáo giới. Bởi lẽ những quy định của ngành giáo dục đã “biến” giáo viên thành “siêu nhân” khi chỉ trong một năm có người phải có đến 2 cái sáng kiến (sáng kiến chuyên môn và sáng kiến về chủ nhiệm).

Ảnh minh họa: thpt-phanthuctruc-nghean.edu.vnẢnh minh họa: thpt-phanthuctruc-nghean.edu.vn

Tiếng kêu của nhà giáo cũng đã được ghi nhận khi một số quy định về việc viết sáng kiến đã được bãi bỏ.

Ví như trong các hội thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, đánh giá chất lượng viên chức hàng năm đã không còn yêu cầu buộc nhà giáo phải có sáng kiến kinh nghiệm.

Tuy nhiên, giáo viên muốn xét danh hiệu thi đua như chiến sĩ thi đua các cấp vẫn buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm. Chúng tôi cho rằng, quy định này là hoàn toàn đúng và tuyệt đối không nên bỏ vì các lý do sau:

Thứ nhất, người đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua phải là người có năng lực thật sự trong giảng dạy và trong công tác giáo dục học sinh.

Vì thế, thầy cô phải chứng minh được mình xứng đáng đạt được danh hiệu này bằng chính tài năng của mình.

Minh chứng hùng hồn nhất chính là chất lượng lớp giảng dạy được thể hiện trong đề tài nghiên cứu khoa học mà nhà trường đã nghiệm thu và đang được áp dụng hiệu quả tại chính lớp học của mình đạt kết quả cao.

Thứ hai, danh hiệu chiến sĩ thi đua sẽ mang lại nhiều quyền lợi cho giáo viên như việc được xét tăng lương trước thời hạn, được thưởng tiền bằng 1% mức lương cơ bản, được nhận giấy khen và ghi vào hồ sơ công chức…với một số giáo viên còn được cơ cấu vào dự nguồn để lên làm lãnh đạo sau này.

Bởi thế, việc quy định giáo viên muốn đạt được danh hiệu thi đua để hưởng những quyền lợi ấy phải có được sáng kiến kinh nghiệm thực chất là điều hợp lý.

Vấn đề là ai sẽ chấm sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên? Ai đủ năng lực và trình độ để thẩm định nó một cách thực chất nhất?

Ở cấp trường, chấm sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên chính là hiệu phó chuyên môn và các tổ trưởng chuyên môn của nhà trường.

Ở phòng, sở giáo dục chấm sáng kiến kinh nghiệm là trưởng, phó và chuyên viên phụ trách cấp học ấy.

Thực tế thì không phải hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn nào cũng giỏi, không phải trưởng phó phòng hay chuyên viên phụ trách cấp học ấy đều có kinh nghiệm giảng dạy để thẩm định sáng kiến cho chính xác.

Có hiệu trưởng, hiệu phó nhiều năm không giảng dạy, có tổ trưởng chuyên môn lên bằng sự cất nhắc của hiệu trưởng, có những chuyên viên chưa một ngày đứng lớp giảng dạy, có những lãnh đạo phòng cũng không có chuyên môn về giáo dục…

Nhiều người trong số này có khi chưa bao giờ viết cho mình được một cái sáng kiến đúng nghĩa, ra hồn. Thế mà nay lại được “cầm cân nảy mực” thì họ sẽ chấm sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên sao đây?

Đã có những sáng kiến được viết ra bằng thực tế giảng dạy lại bị đánh trượt, đã có những sáng kiến viết theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia (copy mỗi nơi mỗi đoạn đưa vào) lại đậu.

Vì thế việc chấm sáng kiến kinh nghiệm đã gây bức xúc trong đội ngũ nhà giáo hằng năm và vì thế mới có chuyện hàng ngàn cái sáng kiến kinh nghiệm mỗi năm được ra lò nhưng chẳng có cái sáng kiến nào được công bố và áp dụng rộng rãi ở các lớp.

Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cần công khai rộng rãi

Nếu lấy tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm đạt giải phải được công bố rộng rãi và áp dụng vào giảng dạy thực tế sẽ có mấy cái đậu?

Đã thi đua là phải thực chất, đã đạt danh hiệu thi đua để hưởng bao quyền lợi sau đó phải thật sự xứng đáng. Vì thế, chúng tôi cho rằng cần xiết chặt tiêu chí chấm sáng kiến kinh nghiệm.

Việc chọn giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm cũng vô cùng quan trọng.

Đó phải là những giáo viên thật sự giỏi, nhiều năm có sáng kiến đạt giải hay những lãnh đạo có năng lực chuyên môn, có thực tế giảng dạy, có uy tín với ngành.

Những sáng kiến đạt giải phải là những sáng kiến được công bố rộng rãi toàn ngành cho giáo viên học tập và áp dụng vào giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục.

Cần coi trọng chất lượng sáng kiến hơn là số lượng. Nếu lấy những tiêu chí như chúng tôi đề xuất thì cả một địa phương một năm may ra cũng chỉ có vài ba cái sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là nhiều.

Làm được thế cũng sẽ hạn chế số lượng người ồ ạt đăng ký thi đua hàng năm. Ai thật sự có năng lực, thật sự bỏ công sức để nghiên cứu đề tài và đưa vào thực nghiệm giảng dạy tại lớp thì họ mới đủ can đảm đăng ký thi đua để viết sáng kiến.

Và như thế sẽ chấm dứt tình trạng hàng ngàn sáng kiến kinh nghiệm được ra lò nhưng chẳng ai dùng đến gây lãng phí công sức, tiền của và hạ thấp danh hiệu thi đua mà người xứng đáng nhận được.

Phan Tuyết