Đã từ lâu rồi, việc giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm đã trở thành công việc thường niên và các nhà trường rất chú trọng phong trào này. Bởi, có sáng kiến kinh nghiệm thì nhà trường, tổ chuyên môn mới được xét thi đua, giáo viên mới được xét danh hiệu từ chiến sĩ thi đua trở lên. Khi có danh hiệu thi đua thì tập thế, cá nhân mới có quyền lợi.
Vì thế, cứ đầu năm học là các nhà trường phát động giáo viên trong trường đăng ký đề tài và thực hiện viết. Nhà trường tổ chức chấm chọn những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A và gửi lên cấp trên.
Nhưng, cách chấm chọn sáng kiến kinh nghiệm của các nhà trường hiện nay đang rất khác nhau và việc đạt giải hay không đạt giải chưa hẳn nằm ở chất lượng sáng kiến kinh nghiệm mà thường là nó phụ thuộc rất nhiều vào người chấm.
Việc viết và chấm sáng kiến kinh nghiệm ở các nhà trường đang có nhiều hạn chế (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Sáng kiến kinh nghiệm vẫn luôn được đề cao trong xét thi đua và đánh giá, xếp loại giáo viên
Câu chuyện viết và chấm sáng kiến kinh nghiệm đã trở thành đề tài quen thuộc trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nhiều năm qua. Bắt đầu từ khi Nghị định 56 và Nghị định 88 của Chính phủ thì những sáng kiến kinh nghiệm đã trở thành thước đo cho các tiêu chí thi đua của giáo viên ở các nhà trường.
Năm học này, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2020/NĐ-CP không đề cập đến sáng kiến kinh nghiệm trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức cuối năm nhưng trong các hướng dẫn xét thi đua cuối năm của các Sở Giáo dục gửi về nhà trường thì vẫn quy định có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải mới được xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.
Có những địa phương yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm phải là đạt giải cấp tỉnh mới được xét. Yêu cầu này còn cao hơn trước đây, vì giáo viên các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trước đây chỉ là cấp huyện; giáo viên trung học phổ thông chỉ yêu cầu cấp trường.
Năm nay, muốn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua phải là sáng kiến cấp tỉnh mới được xét và đề nghị công nhận.
Như vậy, bây giờ và các năm trước đây thì sáng kiến kinh nghiệm vẫn là thước đo về năng lực của mỗi thầy cô giáo trong các nhà trường khi mà xét loại viên chức, chuẩn giáo viên, đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm và xét thi đua cuối năm.
Giáo viên cho dù có cố gắng như thế nào đi chăng nữa, có đạt được nhiều phong trào trong thi đua, giảng dạy nhưng nếu không có sáng kiến kinh nghiệm thì mọi thành tích khác cũng không được quy đổi để xét thi đua.
Nhưng, sáng kiến kinh nghiệm bây giờ không dễ gì đậu!
Quy trình chấm sáng kiến kinh nghiệm hiện nay ở các nhà trường đang thực hiện rất khác nhau. Có trường mà ít giáo viên thì Ban giám hiệu sẽ là những người chấm sáng kiến kinh nghiệm cho cả nhà trường. Trường nhiều giáo viên thì các tổ trưởng chuyên môn sẽ kết hợp với Ban giám hiệu để chấm.
Với cơ cấu như vậy, xem chừng cũng ổn thỏa vì họ là những cán bộ, quản lý trong nhà trường nhưng thực tế lại phát sinh rất nhiều điều bất cập.
Bởi, có những thành viên Ban giám hiệu hoặc tổ trưởng chuyên môn chưa bao giờ viết sáng kiến kinh nghiệm thì rõ ràng họ chưa nắm được cấu trúc, văn phong của một đề tài khoa học.
Vậy, làm sao những thành viên này chấm chính xác và lấy gì làm thước đo, lấy gì làm định lượng cho tiêu chí chấm chọn sáng kiến kinh nghiệm? Vì thế, khi chấm thì thường rất cảm tính, không tuân thủ theo một tiêu chí nào cả.
Cũng vì thế mà có nhiều người xin xỏ, sao chép thì đạt giải, người viết bằng tâm huyết, kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm công tác thì rớt.
Có những thầy cô lên mạng internet tải một đề tài sáng kiến kinh nghiệm xuống rồi thay tên, thay đơn vị công tác và chỉnh sửa sơ bộ vài chỗ cho phù hợp đem nộp cũng đạt giải A. Có người bỏ tiền ra mua của một giáo viên công khai bán qua mạng xã hội rồi về đem in nộp cho trường cũng được giải A.
Khi đạt giải A cấp trường thì họ được gửi lên Phòng, lên Sở để chấm và cơ hội để những đề tài này đạt giải là rất cao.
Trong khi đó, những thầy cô trung thực ngồi tỉ mẩn hàng tuần để viết một sáng kiến kinh nghiệm thông qua thực tế giảng dạy và đạt được những thành quả tại đơn vị thì lại bị chấm rớt từ cấp trường và đương nhiên là cơ hội để xét thi đua của họ đã bị dừng lại.
Sự bất công cứ tồn tại từ năm này qua năm khác và một số thầy cô gian dối lại được giải cao, được xét thi đua và có vô số những quyền lợi đi kèm như được công nhận chiến sĩ thi đua, được xét bằng khen cấp cấp, được tăng lương trước thời hạn…
Thay đổi cách thực hiện, cách chấm bằng cách nào?
Dù không phải là tất cả nhưng phần lớn những lãnh đạo các phòng, lãnh đạo nhà trường, các thầy cô có “chức sắc” trong nhà trường viết sáng kiến kinh nghiệm dễ dàng đạt giải cao hơn giáo viên dạy lớp rất nhiều.
Bởi, đăng ký và thực hiện viết sáng kiến kinh nghiệm là một chuyện mà đậu được hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác vì nó phụ thuộc vào cách chấm của các thành viên Ban giám khảo.
Hàng năm, mỗi tỉnh có hàng ngàn sáng kiến kinh nghiệm đạt giải nhưng sau khi công bố giải, xét thi đua xong thì tính thực tiễn của những đề tài này gần như không có vì nó chủ yếu chỉ là những…lý thuyết suông.
Vì thế, muốn phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm ở các nhà trường hiệu quả thì có lẽ việc đầu tiên là phải thay đổi cách thức thực hiện và cách chấm hiện nay.
Thứ nhất: nhà trường phải hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện một đề tài khoa học về cả văn phong, cách trình bày, kiểm định tính hiệu quả của mỗi đề tài khi đạt giải.
Mỗi đề tài phải hướng tới tính ứng dụng trong thực tiễn, gắn liền với nhiệm vụ cụ thể mà người viết đang đảm trách để xếp loại.
Thứ hai: mỗi trường học phải có một hội đồng khoa học, những người nằm trong hội đồng phải là những người có kinh nghiệm, họ đã từng thực hiện viết sáng kiến kinh nghiệm và và tất nhiên là phải có chuyên môn vững vàng, bao quát được kiến thức môn học, lĩnh vực công tác.
Thứ ba: khi cơ cấu vào Ban giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm không nhất thiết cứ phải là lãnh đạo nhà trường hay tổ trưởng chuyên môn mà phải là những người am hiểu về khoa học và đã từng viết sáng kiến kinh nghiệm.
Người được cơ cấu làm giám khảo phải là người chấm khách quan, công tâm và biết được đề tài nào giáo viên, nhân viên nhà trường viết, đề tài nào lấy từ trên mạng internet về chỉnh sửa (điều này dễ vô cùng, người chấm chỉ cần coppy vài đoạn rồi dán lên google.com là ra hết).
Đồng thời, khuyến khích giáo viên trong trường phát hiện những đề tài được mua bán trên mạng xã hội. Khi phát hiện ra tiêu cực trong việc sao chép, mua bán, xin xỏ sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên thì nhà trường, phòng, sở giáo dục phải kỷ luật nghiêm minh.
Tránh tình trạng nhìn mặt, nhìn tên, nhìn vị trí công tác để xếp giải như một số đơn vị đang thực hiện.
Thứ tư: đối với các hướng dẫn của ngành về xét thi đua không nhất thiết quá đề cao sáng kiến kinh nghiệm mà nên đề cao vào thực tế giảng dạy, công tác của cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường.
Nếu vẫn đề cao sáng kiến kinh nghiệm thì sẽ dẫn đến số lượng ngày càng nhiều vì có sáng kiến kinh nghiệm mới có thành tích để xét thi đua. Từ đó, dẫn đến những tiêu cực trong ngành như hiện tượng mua bán, xin xỏ, sao chép như hiện nay.
Từ đó, sẽ dẫn đến sự chán nản cho nhiều giáo viên vì có người làm thật thì rớt, nhiều người gian dối thì đạt giải cao.
Suy cho cùng, phần lớn sáng kiến kinh nghiệm mà giáo viên đang thực hiện hiện nay không có tác dụng trong thực tiễn nhưng nó lại tốn kém, lãng phí và có nhiều bất công nhất.