Đề nghị Bộ sửa ngay các quyết định ban hành CT bồi dưỡng giáo viên tích hợp

10/12/2021 06:44
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cách tốt nhất là xây dựng các mô đun bồi dưỡng 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý như các mô đun bồi dưỡng thường xuyên hiện nay.

Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học cơ sở được thực hiện từ lớp 6 năm học 2021-2022 và ở các lớp 7, 8, 9 ở các năm tiếp theo xuất hiện các môn học mới gọi là môn tích hợp như: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Giáo dục địa phương; Trải nghiệm và Hướng nghiệp;… nhưng do không có giáo viên phụ trách nên phân công nhiều giáo viên dạy cùng dạy 1 môn xuất hiện nhiều vấn đề bất cập, bất hợp lý trong quá trình thực hiện.

Trong phạm vi bài viết xin nêu lại một số bất cập và xin được kiến nghị giải pháp để chấm dứt việc rắc rối, phức tạp,… khi phân công 2, 3 thầy một môn khi thực hiện môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý như hiện nay.

Rắc rối, phức tạp phát sinh khi phân công 2, 3 thầy dạy một môn

Trong vấn đề thực hiện chương trình mới ở lớp 6 năm học này có 3 kiểu phân công giáo viên dạy môn tích hợp như:

Một giáo viên phụ trách một môn gồm nhiều phân môn, việc phân công này thuận tiện cho các trường nhưng dễ khiến giáo viên dạy sai kiến thức do không đúng chuyên môn được đào tạo,…

Giáo viên "phân môn" nào dạy "phân môn" đó, dạy theo tuần tự logic mạch kiến thức, kiểu phân công này khó do thay đổi thời khóa biểu nhiều lần, nảy sinh nhiều vướng mắc do 2 - 3 giáo viên dạy chung 1 môn như ai vào điểm, ai ra đề kiểm tra, ai tổng hợp, ai vào phần mềm, khi kiểm tra có 1 hoặc 2 phân môn không đạt thì kiểm tra lại như thế nào…

Giáo viên "phân môn" nào dạy "phân môn" đó nhưng phân công thời khóa biểu song song, đồng thời, cách phân công này được sử dụng nhiều nhất hiện nay vì dễ xếp thời khóa biểu, nhưng vẫn vướng mắc về kiểm tra, tổng hợp, đánh giá, nhận xét, giáo viên chịu trách nhiệm,…

Việc phân công 2, 3 giáo viên cùng dạy một môn tích hợp được triển khai nhiều nhất ở các trường trung học cơ sở đã gần đến giai đoạn kiểm tra học kỳ I nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giáo viên nào sẽ tổng hợp đề kiểm tra, chấm bài, tổng hợp điểm, vào điểm phần mềm, sổ gọi tên ghi điểm, nhận xét, vào học bạ, và ai chịu trách nhiệm về bộ môn,…

Hiện nay cũng chưa có bất kỳ hướng dẫn nào về việc ghi sổ điểm cho các môn trên, một môn học nhưng 2, 3 giáo viên dạy chỉ có 1 cột điểm giữa kỳ, cuối kỳ, tổng hợp nên không biết do giáo viên nào ghi và ghi như thế nào trong sổ điểm cá nhân giáo viên, sổ gọi tên ghi điểm, sổ học bạ,…

Bộ cần thu hồi/sửa đổi các Quyết định 2454, 2455 về bồi dưỡng giáo viên môn tích hợp

Hiện nay vì không có giáo viên dạy được cả 2, 3 phân môn trong các môn tích hợp nên mới dẫn đến khó khăn trong việc phân công, bố trí giáo viên vào điểm, tổng hợp, nhận xét,…

Theo người viết, một phần lớn do hiện nay chưa có giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng để dạy được 2, 3 phân môn của các môn tích hợp là do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, các quyết định về bồi dưỡng giáo viên môn tích hợp triển khai có phần chậm trễ

Năm 2018 chương trình giáo dục phổ thông mới với các môn học tích hợp mới được thông qua, năm học 2021- 2022 bắt đầu triển khai chương trình mới nhưng mãi đến ngày 21 tháng 07 năm 2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có các Quyết định số 2454, 2455/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, do ban hành các quyết định có phần chậm trễ nên hiện nay vẫn chưa có giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng để dạy được cả 2, 3 phân môn.

Bên cạnh đó, giai đoạn hiện nay dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khá phức tạp nên các cơ sở đào tạo cũng chưa thể mở lớp, tập trung giáo viên bồi dưỡng.

Thứ hai, quy định về học phí có thể do giáo viên đóng góp

Về nguồn kinh phí bồi dưỡng chương trình bồi dưỡng giáo viên tích hợp ban hành kèm theo các Quyết định 2453, 2454, 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021 quy định từ:

“Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương;

Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng;

Do người học tự đóng góp.”

Đây cũng là bất cập phản ánh trong nhiều bài viết, giáo viên có trình độ đại học hoặc cao hơn các môn Vật lý, Hóa học, Lịch sử,… đã đạt chuẩn theo Luật Giáo dục mới nhưng phải có thể đóng tiền để học bồi dưỡng 20- 36 tín chỉ trong thời gian 3 tháng và tốn kinh phí là điều chưa hợp lý, chưa phù hợp các quy định về bồi dưỡng cho giáo viên.

Ảnh minh hoạ: Vtv.vn

Ảnh minh hoạ: Vtv.vn

Thứ ba, hình thức đào tạo và đánh giá kết quả học tập

Tại các Quyết định 2454, 2455 về đánh giá kết quả học tập có quy định:

“- Học viên phải tham gia tối thiểu 80% thời gian học tập trực tiếp của chương trình bồi dưỡng quy định cho mỗi học phần thì được tham gia kiểm tra kết thúc học phần đó. Ngoài ra, với các học phần có kết hợp đào tạo trực tuyến thì học viên phải đáp ứng được các yêu cầu về đào tạo trực tuyến của cơ sở đào tạo.

- Kết thúc mỗi học phần của chương trình bồi dưỡng, học viên phải thực hiện một bài kiểm tra viết trong thời gian tối thiểu 60 phút. Bài kiểm tra được chấm theo thang điểm 10… Học viên nào không đạt 5 điểm trở lên thì phải kiểm tra lại hoặc làm lại bài tiểu luận theo yêu cầu của từng học phần…”

Giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp,… nhưng vẫn quy định “Học viên phải tham gia tối thiểu 80% thời gian học tập trực tiếp của chương trình bồi dưỡng quy định cho mỗi học phần thì được tham gia kiểm tra kết thúc học phần” đó là không còn phù hợp khiến cho các lớp bồi dưỡng vẫn chưa triển khai được.

Bên cạnh đó quy định bài kiểm tra bắt buộc phải là kiểm tra viết trong thời gian tối thiểu 60 phút chưa cho thấy sự tiến bộ, ngay cả học sinh, sinh viên còn quy định mở kiểm tra trực tiếp, trực tuyến thì đối với giáo viên chỉ quy định cứng kiểm tra viết (trực tiếp) là quy định có phần chưa tiến bộ, phù hợp sự tiến bộ của công nghệ.

Đôi điều kiến nghị để nhanh chóng có giáo viên dạy môn tích hợp

Để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông không chỉ năm học này mà cả các năm về sau thì phần nhân sự trong đó giáo viên dạy các môn Lịch sử và Đại lý; Khoa học tự nhiên phải đảm bảo không thể kiểu dạy 2, 3 thầy dạy 1 môn như hiện nay.

Muốn vậy phải nhanh chóng mở lớp đào tạo giáo viên các môn tích hợp, nếu vẫn giữ các Quyết định 2454, 2455 thì tình hình hiện nay sẽ rất khó để đào tạo giáo viên dạy được cả 2, 3 phân môn trong thời gian tới do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và giáo viên cũng khó sắp xếp thời gian để học trực tiếp khi vừa công tác vừa phải tập trung bồi dưỡng.

Nên người viết kiến nghị thu hồi hoặc sửa đổi bốn nội dung của các quyết định 2454, 2455 như sau:

Thứ nhất, xây dựng chương trình bồi dưỡng gồm các mô đun bồi dưỡng trên phần mềm

Cách tốt nhất là xây dựng các mô đun bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý như các mô đun bồi dưỡng thường xuyên hiện nay, xây dựng mỗi mô đun là 1 học phần giáo viên học tập thời gian linh hoạt trên phần mềm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ hai, việc kiểm tra được thực hiện trực tuyến

Việc kiểm tra được thực hiện trên máy (trực tuyến) có thể gồm trắc nghiệm và tự luận kết hợp nếu đạt thì sẽ được qua học phần tiếp theo và cuối tất cả các học phần có kiểm tra đánh giá tổng thể, nếu đạt thì được cấp chứng chỉ hoàn thành bồi dưỡng và được giảng dạy các môn tích hợp.

Thứ ba, về thời gian bồi dưỡng

Thời gian bồi dưỡng không nhất thiết là 3 tháng như trong các quyết định 2454, 2455 do giáo viên vừa dạy vừa bồi dưỡng nên thời gian được thiết kế linh hoạt.

Có thể 2 tháng hoặc kéo dài 4, 5 tháng là do việc sắp xếp thời gian, tùy theo độ tuổi và việc hoàn tất bài kiểm tra trên máy của giáo viên.

Thứ tư, kinh phí bồi dưỡng là miễn phí.

Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến đương nhiên được miễn phí, không gây áp lực kinh phí, bức xúc lên giáo viên và phù hợp các quy định hiện hành.

Giáo viên hiện nay dù công việc rất nhiều, việc dạy online cũng còn nhiều vất vả nhưng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng hợp tình hợp lý và phù hợp thì vì học sinh thân yêu giáo viên cũng sẽ linh động sắp xếp thời gian để hoàn thành chương trình bồi dưỡng, khi có đủ giáo viên dạy các môn thì việc vận hành chương trình mới sẽ không còn vướng mắc phức tạp như hiện nay.

BÙI NAM