Để trẻ học hè đúng cách

07/07/2014 13:49
Ngọc Dương
(GDVN) - Trẻ em không chỉ cần kiến thức sách vở, mà cần cả những kĩ năng sống quan trọng để trưởng thành và khẳng định bản lĩnh trong xã hội sau này.

Học hè hay không luôn là câu hỏi khiến các bậc phụ huynh băn khoăn nhất mỗi khi con mình kết thúc năm học. Người nói tốt, kẻ lại bảo không. Để giúp các bậc phụ huynh và các em học sinh có thêm góc nhìn đa chiều, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Giám đốc điều hành Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ về vấn đề này. 

1. Thưa anh, có nhiều lí do khiến cha mẹ luôn muốn cho con mình tận dụng 3 tháng hè để học thêm đủ thứ. Học hè mới giỏi được, học hè để con không nghiện game, học hè vì cha mẹ bận rộn… Trong khi đó trẻ em vốn chịu nhiều áp lực suốt năm học nên chỉ muốn vui chơi. Vậy theo anh, có nên cho trẻ học hè không? 

Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Trước hết phải hiểu đúng về chuyện học hè. 

Hiện nay có nhiều trường mở các lớp cho học sinh từ tiểu học đến trung học của chính trường mình, do chính giáo viên của lớp giảng dạy cho cả học sinh yếu kém lẫn giỏi. Mục đích các chương trình này là ôn tập kiến thức trọng tâm của năm trước và học trước một phần kiến thức của năm sau. Theo tôi, không nên cho con em mình tham gia các lớp như thế. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Tuy nhiên, nếu cho trẻ tham gia các lớp học nhằm nâng cao kĩ năng sống thì rất nên làm. Trường học ở Việt Nam đa phần dạy về kiến thức, thiếu kĩ năng và vốn sống xã hội. Trong khi đó, trẻ em không chỉ cần kiến thức sách vở, mà cần cả những kĩ năng sống quan trọng để trưởng thành và khẳng định bản lĩnh trong xã hội sau này. 

2. Anh đã cho con mình học gì trong mùa hè này? 

Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Tôi có một con trai vừa hoàn thành xong lớp 4. Kì nghỉ hè này, tôi đưa con đi tham quan các bảo tàng như bảo tàng lịch sử, bảo tàng tự nhiên thiên nhiên, bảo tàng địa chất, … để em có thêm kiến thức thực tế và trải nghiệm cá nhân. Thêm vào đó, con tôi còn tham gian chuyến thăm nông trại ở Ba Vì, để được biết thêm cách người ta tổ chức chăn nuôi như thế nào. Đơn giản và thiết thực nhất, tôi đưa con về gia đình hai bên nội ngoại chơi, để con học cách rửa bát, dọn dẹp nhà cửa. 

Theo tôi biết, đó là chuyện nhiều học sinh thành phố hiện nay, dù học trên lớp rất giỏi nhưng chưa biết làm. Sắp tới, tôi sẽ cho con tôi tham gia thêm các lớp học về âm nhạc, hội họa… tùy vào sở thích của cháu. 

3. Thưa anh, có một thực tế là hiện nay, các chương trình giúp trẻ rèn luyện kĩ năng sống và bổ sung kiến thức xã hội không nhiều. Các bậc phụ huynh nên chọn lựa các chương trình này như thế nào?

Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Ở Việt Nam hiện nay, nhất là các thành phố lớn, đúng là chưa có nhiều chương trình thiết thực và hấp dẫn trẻ. Tuy nhiên, cũng có vài chương trình cha mẹ nên tìm hiểu và cho con tham gia.

Nên cho trẻ tham gia những khóa học về kỹ năng sống trong dịp hè.
Nên cho trẻ tham gia những khóa học về kỹ năng sống trong dịp hè.

Chẳng hạn như chương trình Học kì quân đội kéo dài 1-2 tuần. Đây là lớp học giúp trẻ học được tính kỉ luật, tự lập và sống xa gia đình. Kĩ năng sống học được qua một tuần, dù ngắn nhưng cũng không ít.

Một số lớp ngoại khóa như học âm nhạc, hội họa, học bơi, học võ… cũng giúp ích rất nhiều cho trẻ phát triển kĩ năng sống. 

Tốt hơn nữa có thể cho trẻ tham gia các khóa học dã ngoại như về miền quê, thăm các trang trại chăn nuôi, đến các làng nghề… Các khóa như thế này ở Việt Nam không nhiều, ở nước ngoài thì vô số. Các nước có nền giáo dục phát triển, họ chú ý đến chuyện giúp trẻ tăng trải nghiệm thực tế và kích thích tinh thần khám phá cái mới. Vì vậy nên các chuyến thăm đến nhà máy sản xuất như làm gốm, socola, dệt vải… rất nhiều. Ở đó, học sinh còn có cơ hội thực hành như những công nhân thực thụ. Chúng ta cần có thêm những chương trình như vậy. 

Các nghiên cứu về giáo dục trên thế giới đã chỉ ra rằng, trải nghiệm thực tế giúp trẻ thích thú và ham tìm hiểu hơn chỉ đọc sách và ngồi trên lớp.

4. Nếu cho trẻ học thêm tiếng Anh có hợp lí không, hay không nên nhồi nhét thêm kiến thức cho trẻ? 

Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Cho trẻ học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, phụ huynh nên cho trẻ thời gian giảm bớt áp lực học trên lớp trước khi học thêm tiếng Anh. 
Học tiếng Anh sớm có rất nhiều cái lợi. Học càng sớm giúp khả năng phát triển ngôn ngữ thứ hai như tiếng mẹ đẻ càng cao. Nhất là khi trẻ chưa ghi nhớ quá nhiều thứ trong đầu như người lớn. Bên cạnh đó, việc học ngoại ngữ sớm còn giúp trẻ thông minh, phát triển hơn trong tất cả mọi lĩnh vực khác. 

5. Ở thành phố, phụ huynh có điều kiện kinh tế hay tìm những trung tâm có học phí cao với nhiều giáo viên nước ngoài. Theo anh, việc này có cần thiết? 

Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Các trung tâm tiếng Anh dành cho trẻ em hiện nay không thiếu, thậm chí có nơi còn giới thiệu có 100% giáo viên nước ngoài. Theo tôi cho con em theo học ở những nơi như thế là không cần thiết và tốn kém. Tôi phản đối cách dạy học theo kiểu chơi bời, amatơ và hời hợt.  

Thay vì đưa con em đến những nơi như vậy, mọi người nên quan tâm đến chuyện con học được bao nhiêu kiến thức sau mỗi khóa học. Khi cho con tham gia các khóa vừa học vừa chơi, nếu không kiểm soát tốt hiệu quả dễ khiến trẻ ham chơi mà không học được gì. Đã học là phải có kiến thức và kỹ năng, có nghĩa là phải dùng được thật.  

Ngoài ra, tôi luôn ưu tiên các trung tâm có phương pháp dạy sáng tạo khi tìm lớp cho con mình. Ví dụ như hệ thống Anh ngữ Việt Mỹ (VATC) là một nơi phát triển phương pháp dạy tương tác khá tốt. Ngoài ra, phương pháp dạy tiếng Anh qua bài giảng số tại đây cũng chứng minh được hiệu quả, giúp trẻ tiếp thu bài chủ động và nhanh hơn cách học truyền thống. Đây là chương trình giúp các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… xóa mù tiếng Anh cho hàng chục triệu người dân xứ họ. 

Các phụ huynh cũng có thể chú ý đến Hội đồng Anh – Bristish Council. Đây là một tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và giáo dục của Chính phủ Vương quốc Anh với Việt Nam từ năm 1994. Các lớp tiếng Anh thiếu nhi tại đây hướng dẫn học viên các kỹ năng tự học, giúp họ có thể tự học song song với việc học tại trung tâm. 

Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) cũng là cái tên có uy tín trên thị trường Anh ngữ. VUS giúp học viên phát triển toàn diện 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Bên cạnh đó, học viên có thể được rèn thêm một số kĩ năng như tư duy, phân tích, lập luận… 

Tuy nhiên, cũng không nên bắt trẻ học suốt 3 tháng hè. Trẻ em có nhu cầu vui chơi rất cao. Vì vậy, ngoài giờ học tiếng Anh, nên đưa trẻ về nhà ông bà để giúp trẻ vừa gần gữi gia đình, vừa học được những kiến thức thực tế quý giá từ cuộc sống, từ những người lớn tuổi. Học ở những môi trường này giúp trẻ phát triển nhân cách sớm và đúng hướng. 

Cảm ơn Tiến sĩ Đàm Quang Minh về cuộc trao đổi này!

Tiến sĩ Đàm Quang Minh hiện đang là thành viên Hội đồng Quản trị Tổ chức Giáo dục Hoa Kì (IAE). Ông từng là Trợ lý Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT và giữ nhiều vị trí quản lý cao cấp tại Trường Đại học FPT. Trước đây, ông Minh cũng là giảng viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Văn phòng đại diện công ty Moskito-GIS, CHLB Đức.

Ngọc Dương