ĐH Thăng Long, đào tạo vì lợi ích người học

13/12/2011 06:00
Thu Hòe
(GDVN) - Đào tạo không vì lợi nhuận là một trong những mục tiêu trường ĐH Thăng Long trung thành trong suốt quá trình 23 năm hình thành và phát triển.

ĐH Thăng Long là một trong những trường ĐH NCL được thành lập đầu tiên ở Việt Nam. Không chỉ có một cơ ngơi đáng nể, đội ngũ giảng viên đa năng, trường ĐH Thăng Long còn đào tạo chuyên sâu đa lĩnh vực, đa ngành nghề, chất lượng đào tạo cũng đang ngày được khẳng định.

Đào tạo không vì lợi nhuận là một trong những mục tiêu sống còn của ĐH Thăng Long
Đào tạo không vì lợi nhuận là một trong những mục tiêu sống còn của ĐH Thăng Long

ĐH Thăng Long là trường ĐH NCL đào tạo bậc ĐH đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập năm 1988 theo Quyết định số 1687/KH-TV ngày 15 tháng 12 năm 1988 của Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, với tên gọi lúc đầu là Trung tâm Đại học Dân lập Thăng Long.

Theo Quyết định số 441/Tg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09 tháng 08 năm 1994, Trung tâm ĐH Dân lập Thăng Long trở thành Trường ĐH Dân lập Thăng Long.

ĐH Thăng Long
ĐH Thăng Long

Theo Quyết định số 1888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/12/2007, Trường ĐH Dân lập Thăng Long chuyển sang loại hình trường đại học tư thục và mang tên là Trường ĐH Thăng Long.

Văn bằng của Trường nằm trong Hệ thống văn bằng Quốc gia.

Đặt quyền lợi của người học lên hàng đầu

“Đào tạo giáo dục ĐH có chất lượng; sử dụng phương pháp dạy học phù hợp cho từng cá nhân; theo dõi và quản lý học tập có hiệu quả; ban lãnh đạo nhà trường luôn lắng nghe nguyện vọng và nhu cầu của sinh viên, đặt lợi ích người học lên hàng đầu… Tất cả nhằm xây dựng một nền học vấn có sự hội nhập quốc tế, làm nẩy nở tài năng mỗi con người và phục vụ thị trường lao động”.

Quyền lợi và lợi ích của người học được đặt lên hàng đầu
Quyền lợi và lợi ích của người học được đặt lên hàng đầu

Phương châm đào tạo này đã theo ĐH Thăng Long trong suốt quá trình 23 năm xây dựng và trưởng thành. Lợi ích của người học được đặt lên hàng đầu, dân chủ trong đào tạo đã khiến trường ĐH Thăng Long là một trong những địa chỉ đào tạo được các bạn trẻ tin tưởng hướng đến.

Vươn tầm Quốc tế bằng chất lượng đào tạo

Dưới sự dìu dắt của Nhà giáo Nhân dân, GS. TS Hoàng Xuân Sính (Chủ tịch HĐQT trường), chất lượng đào tạo của trường ĐH Thăng Long ngày càng được khẳng định.

ĐH Thăng Long là một trong số rất ít trường ĐH NCL tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Điểm đầu vào của trường cũng ngày được nâng cao hơn, dao động từ 14 -18 điểm. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm chiếm tỷ lệ cao.

Điều kiện học tập của SV ĐH Thăng Long luôn khiến SV các trường khác phải ghen tỵ và thèm khát
Điều kiện học tập của SV ĐH Thăng Long luôn khiến SV các trường khác phải ghen tỵ và thèm khát

Không ngừng đổi mới chương trình đào tạo để sinh viên có cơ hội học tập, nghiên cứu tốt nhất. Trường ĐH Thăng Long là một trong những trường ĐH đầu tiên của Việt Nam áp dụng chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ.

Với chương trình học này, sinh viên chủ động sắp xếp kế hoạch học tập phù hợp với khả năng và điều kiện cá nhân trong khuôn khổ chương trình đào tạo. Sinh viên có nhiều thuận lợi khi chuyển ngành học hoặc học nhiều ngành của Trường. Sinh viên giỏi có thể ra trường với thời gian ngắn nhất.

Chương trình học mềm dẻo, nhiều môn học có tính cập nhật, tỷ lệ học tự lựa chọn cao (20-25% số tín chỉ ).

Trường nghiên cứu áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy tiên tiến gắn liền với thực tế nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo; sinh viên được học rất nhiều môn học hỗ trợ kỹ năng mềm như: Kỹ năng lãnh đạo, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh, đồ họa truyền thông, PR...

Trong quá trình học tập, sinh viên còn có cơ hội đối thoại trực tiếp với giảng viên và các cán bộ trong trường để nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình thông qua các buổi tọa đàm được tổ chức hàng tháng.

Trường lớp ngày càng khang trang hiện đại
Trường lớp ngày càng khang trang hiện đại

Chương trình đào tạo hiện đại nhờ áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến và được cập nhật thường xuyên phù hợp với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và nhu cầu xã hội. Việc học tập và tổ chức các kỳ thi được tiến hành nghiêm túc, theo đúng tinh thần “Học thật, thi thật ”.

Đại học Thăng Long hiện đang hợp tác với các trường đại học: Toulouse 1, Nice Sophia Antipolis (Pháp); Nanzan (Nhật bản) và với các tổ chức: CCFD (Pháp), JICA (Nhật bản).

Đội ngũ giảng viên đa năng, đào tạo chuyên sâu đa lĩnh vực ngành nghề

Hiện trường ĐH Thăng Long có 155 giảng viên cơ hữu, trong đó có 12 GS, 5 PGS, 8 TS, 88 Ths. Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, trường ĐH Thăng Long còn có 119 giảng viên thỉnh giảng, trong đó có 67 GS, PGS, TS.

Các ngành đào tạo của ĐH Thăng Long:

Khoa Toán , Tin học và Công nghệ

- Toán - Tin ứng dụng

- Khoa học máy tính (Công nghệ thông tin)

- Mạng máy tính và viễn thông

- Tin Quản lý (Hệ thống thông tin quản lý)

Khoa Quản lý

- Kế toán

- Tài chính-Ngân hàng

- Quản trị kinh doanh (Quản trị doanh nghiệp, Quản trị Marketing)

- Quản lý bệnh viện

Khoa Ngoại ngữ

- Tiếng Anh 

- Tiếng Pháp

- Tiếng Nhật

- Tiếng Trung Quốc

Khoa Điều dưỡng

- Điều dưỡng

Khoa Khoa học về sức khoẻ

- Y tế công cộng

Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn

- Công tác xã hội

- Việt Nam học

Thu Hòe