Đò ngang đến trường của trẻ xóm Liên Sơn

17/05/2018 06:26
Thủy Phan
(GDVN) - Nhiều năm qua, học sinh thuộc xóm Liên Sơn và bản Thượng Sơn phải đi đò qua sông đi học. Có những thời điểm, các em tự chèo đò đến trường.

Gần 11 giờ trưa, đến giờ tan trường, nhiều học sinh ở xóm Liên Sơn (thuộc thôn Liên Xuân) và bản Thượng Sơn (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đứng bên bờ sông thuộc xóm Xuân Sơn (thôn Liên Xuân), chờ đò qua để về nhà. 

Mùa nước cạn, nhiều em học sinh tan trường được các em nhỏ cùng xóm chèo đò chở qua sông. (Ảnh: Thủy Phan)
Mùa nước cạn, nhiều em học sinh tan trường được các em nhỏ cùng xóm chèo đò chở qua sông. (Ảnh: Thủy Phan)

Bên kia bờ, một nhóm trẻ em được nghỉ học đang vui đùa, thấy các anh chị cùng xóm đi học về đang đứng đợi thì nhanh chóng chèo đò qua đưa các anh chị qua sông.

Ngồi đò qua được sông, các em lại đi bộ về nhà giữa trời hè nắng nóng.

Các em tự chèo đưa nhau qua sông. (Ảnh: Thủy Phan)
Các em tự chèo đưa nhau qua sông. (Ảnh: Thủy Phan)

Em Hồ Thị Thùy (học sinh lớp 7, ở xóm Liên Sơn) cho biết, buổi sáng, em bắt đầu đi học từ 5 giờ.

“Em cùng nhiều bạn nữa đi bộ ra đây mất khoảng 10 phút, sau đó đi đò qua sông rồi đạp xe tới trường.

Xe đạp em gửi bên kia sông ở nhà người quen, lúc đi học về lại gửi rồi đi đò qua và đi bộ về nhà”, Thùy chia sẻ.

Em Hồ Thị Thùy cho biết, đã quen với cảnh sông nước, nên em không thấy sợ mỗi khi ngồi trên đò. (Ảnh: Thủy Phan)
Em Hồ Thị Thùy cho biết, đã quen với cảnh sông nước, nên em không thấy sợ mỗi khi ngồi trên đò. (Ảnh: Thủy Phan)

Theo người dân nơi đây, không ai biết sông này chính xác tên là gì, nhưng đây là nhánh sông kéo dài chảy về sông Long Đại. Bên kia sông có người dân thuộc xóm Liên Sơn và bản Thượng Sơn sinh sống.

Bị chia cách bởi dòng sông, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những em học sinh phải qua sông đến trường.

Theo ghi nhận, hiện tại đang là mùa khô, nước cạn, nhiều trẻ em ra đây chơi và tự chèo đò qua sông. Nhiều em học sinh từ lớp 5 đến lớp 9 đến trường cũng có thể tự chèo qua sông khi không có người lớn.

“Mùa này nước cạn nên trẻ con có thể tự chèo, chứ đến mùa mưa, nước sông dâng rất cao, học sinh đi học bằng thuyền máy và có người lớn đưa đi chứ không rất nguy hiểm”, một người dân ở xóm Liên Sơn cho biết.

Có những lúc không có người, em Nguyễn Thị Thảo Vy (ở xóm Liên Sơn) tự chèo đò đến trường. (Ảnh: Thủy Phan)
Có những lúc không có người, em Nguyễn Thị Thảo Vy (ở xóm Liên Sơn) tự chèo đò đến trường. (Ảnh: Thủy Phan)

Theo ông Hồ Thuần, Trưởng bản Thượng Sơn, cả bản có khoảng 35 em học sinh từ cấp 1 đến cấp 2. Từ lớp 1 đến lớp 4 đã có điểm trường nên học sinh được học gần nhà. Còn các em từ lớp 5 trở lên phải đi qua bên kia sông.

“Trước đây, bản có hợp đồng với người dân có đò chở học sinh qua sông đến trường, chi phí mỗi em 100 nghìn đồng/tháng.

Đò này hoạt động được 3-4 tháng trước Tết Âm lịch, tuy nhiên, nhiều phụ huynh không có tiền đóng phí đò cho con nên giờ không còn hoạt động.

Cuộc sống người dân ở đây còn khó khăn, nhà nào một đứa còn đỡ, chứ có nhà đến 2-3 đứa con qua sông đi học, mỗi tháng họ phải mất 300 nghìn tiền đò nên nhiều gia đình không đủ điều kiện để đóng phí đò.

Hiện, người dân tự đưa con đi. Những ngày nắng nước cạn, họ tự chèo thuyền. Nhưng ngày nào mưa to, nước sông lên, nhiều gia đình phải thuê thuyền máy cho con đi học với chi phí 10 nghìn đồng/lượt”, ông Thuần nói.

Đò ngang đến trường của trẻ xóm Liên Sơn ảnh 5Chùm ảnh: Học sinh miền núi học trong ánh sáng tù mù

Cũng theo ông Thuần, đến mùa lụt nước dâng cao rất nguy hiểm.

Có thời điểm, nhiều phụ huynh phải cõng con trên vai, thuê thuyền máy đưa con đến trường.

Còn theo lãnh đạo thôn Liên Xuân, trước đây có hợp đồng với người dân có đò đưa học sinh đến trường, nhưng nhiều trường hợp phụ huynh không có tiền nên giờ đò này ngừng hoạt động.

Hơn nữa, giờ cũng đang mùa nước cạn nên người dân thay phiên nhau chèo đò đưa con đi, hoặc nhà nào không có điều kiện học sinh tự đi, gặp đò nào thì xin đi nhờ qua sông.

Ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã Trường Sơn cho biết, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình đã lên khảo sát và có dự án xây cầu bắc qua sông, qua hai bản Thượng Sơn và xóm Liên Sơn. Nếu nhanh thì đầu năm 2019, dự án này sẽ được triển khai.

Thủy Phan