Đôi điều phản biện trao đổi về bài viết của tác giả Nguyễn Nguyên

29/10/2017 15:17
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Các thầy cô mong muốn các chuyên viên, cán bộ quản lý giáo dục đều liêm chính, tận tâm trách nhiệm nhưng lại ít đấu tranh cho quyền lợi chính đáng cho họ.

LTS: Sau khi bài viết “Bộ máy quản lý giáo dục phình to lại đòi thêm phụ cấp, ngân sách nào kham nổi?" của tác giả Nguyễn Nguyên được đăng tải, Báo Điện tử Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả.

Trong đó, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc có một vài điều trao đổi và phản biện về nội dung bài viết trên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 23/10/17 có đăng tải bài viết “Bộ máy quản lý giáo dục phình to lại đòi thêm phụ cấp, ngân sách nào kham nổi?" của tác giả Nguyễn Nguyên.

Bài viết đề cập nhiều vấn đề liên quan đến cán bộ quản lý giáo các cấp: phụ cấp đứng lớp; bộ máy còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả;

Có hiện tượng chạy chức chạy quyền; gây khó khăn cho thầy cô giáo mỗi khi về thanh tra tại trường…

Bài viết được số đông bạn đọc quan tâm, đồng tình, ủng hộ.

Theo thầy Đỗ Tấn Ngọc, cần đảm bảo phụ cấp đứng lớp cho cán bộ quản lý giáo dục. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)
Theo thầy Đỗ Tấn Ngọc, cần đảm bảo phụ cấp đứng lớp cho cán bộ quản lý giáo dục. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Qua bài viết trên, nhiều độc giả có thể biết đây là góc nhìn của một giáo viên bình thường.

Bên cạnh, một số nội dung phản ánh đúng thực trạng thì vẫn còn những nội dung nhìn nhận, đánh giá một cách cực đoan, phiến diện, mang tính chất quy chụp, dễ gây ngộ nhận, hiểu lầm ở các độc giả ngoài cuộc.

Chính vì vậy, với hiểu biết, quan điểm của một cán bộ quản lý đang công tác tại trường trung học phổ thông, tôi muốn phản biện, trao đổi thêm đôi điều với tác giả Nguyễn Nguyên cũng như tất cả bạn đọc, nhất là quý thầy cô giáo về mấy nội dung phản ánh nêu trên.

Thứ nhất về chế độ ưu đãi phụ cấp đứng lớp, thầy Nguyễn Nguyên cho rằng chỉ nên tiếp tục dành cho nhà giáo trực tiếp đứng lớp theo Quyết định 224/QĐ-2005 của Thủ tướng Chính phủ (đang thực hiện từ 13 năm nay).

Còn cán bộ quản lý ở cấp Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo thì không.

Vì đây là bộ phận làm việc gián tiếp.

Vì họ còn có nhiều khoản thu nhập, bổng lộc khác từ việc tham gia các cuộc thi, hội thi, ra đề, chấm thi, tập huấn, bồi dưỡng; đi kiểm tra, thanh tra các hoạt động giáo dục ở những cơ sở giáo dục trực thuộc.

Đôi điều phản biện trao đổi về bài viết của tác giả Nguyễn Nguyên ảnh 2

Bộ máy quản lý giáo dục phình to lại đòi thêm phụ cấp, ngân sách nào kham nổi?

Việc tham gia các cuộc thi, hội thi, ra đề, chấm thi thì đâu chỉ có cán bộ quản lý ở Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo được hưởng chế độ, bồi dưỡng mà ngay cả nhiều thầy cô giáo ở trường học cũng được hưởng theo quy chế chi tiêu nội bộ của từng trường hoặc quy định của Nhà nước khi có quyết định điều động của cấp trên.  

Những hoạt động như vậy thì lâu lâu mới diễn ra, chứ đâu phải ngày nào, tuần nào, tháng nào cũng có.

Làm sao ổn định, thường xuyên và nhiều tiền bằng tiền phụ cấp đứng lớp và thâm niên của nhà giáo?

Chuyên viên, cán bộ quản lý cấp phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo thường được nhận nhiều bổng lộc, quà cáp, phong bì của cấp cơ sở giáo dục ư?

Xin thưa với thầy Nguyễn Nguyên rằng, thực tế, chẳng có mấy người được cái “hậu” lớn ấy đâu, toàn suy diễn, đồn thổi, nói năng thiếu cơ sở cả.

Làm cán bộ quản lý, tôi biết, kinh phí hằng năm của Nhà nước rót về cho từng cơ sở giáo dục để chi lương, chi các hoạt động khác rất hạn hẹp, ít ỏi.

Không đủ chi các hoạt động nhà trường thì lấy đâu tiền để hậu hĩnh chuyên viên, cán bộ quản lý cấp trên của mình.

Về thăm trường, thanh kiểm tra gì đó, nhà trường, giáo viên giỏi lắm mời được ly cà phê, bữa cơm hoặc cái phong bì vài trăm ngàn đủ ăn sáng, cà phê được mấy bữa là hết.

Không nhận thì cấp dưới cố nài nhận cho bằng được. Đi ăn bữa cơm, nhận chút phong bì gọi là thế mà vừa đi khỏi liền bị một số nhà trường, giáo viên thay nhau thêu dệt, nói xấu đủ đường.

Thói đời bây giờ nó vậy. Nhiều lúc thấy tội nghiệp cho những chuyên viên, cán bộ quản lý chân chính ở cấp Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo quá!

Thầy Nguyễn Nguyên và tất cả thầy cô giáo cả nước đều trông mong các chuyên viên, cán bộ quản lý ở Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo thật sự liêm chính, trách nhiệm, làm việc hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục từng địa phương.

Thế mà lại ít suy nghĩ, đấu tranh cho quyền lợi vật chất chính đáng của họ để họ thực hiện được những trông mong đó của giáo viên, nhà trường; để họ có thêm động lực tiếp tục làm việc, cống hiến.

Nghĩa vụ luôn đi đôi với quyền lợi.

Chỉ biết đến mình mà không đến người khác, xem ra không được khách quan lắm thầy Nguyễn Nguyên ơi!

Đôi điều phản biện trao đổi về bài viết của tác giả Nguyễn Nguyên ảnh 3

Hàng vạn cán bộ quản lý giáo dục sẽ bị thu hồi phụ cấp nếu thanh tra hết

Thứ hai, hiện tượng chạy chức chạy quyền ở lĩnh vực, địa phương nào bây giờ mà chẳng có.

Song tôi và cùng thầy tin tưởng một điều rằng, ở ngành giáo dục của chúng ta, hiện tượng này chỉ là hiện tượng rất nhỏ, chỉ là "những con sâu làm rầu nồi canh” thôi.

Phần lớn, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục từ cấp cơ sở trở lên đều là những nhà giáo, cán bộ có phẩm chất đạo đức, lòng tự trọng cao đối với nghề, với đồng nghiệp và năng lực quản lý, lãnh đạo tốt.

Nếu tồn tại nhiều cán bộ quản lý giáo dục hư hỏng, tha hóa, tiêu cực… thì bức tranh ngành giáo dục của chúng ta (nhìn tổng thể)  làm gì tươi sáng được như ngày hôm nay?

Thứ ba, bộ máy cán bộ quản lý ở ngành giáo dục còn cồng kềnh, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, hoạt động kém hiệu quả, tôi hoàn toàn thống nhất với tác giả Nguyễn Nguyên về nhận định này.

Song, đấy thuộc về lỗi của cả hệ thống chính trị, hạn chế ở cơ chế, chính sách thuộc tầm quản lý vĩ mô, lĩnh vực nào trong hành chính công ở nước ta đều vướng phải, không riêng gì ngành giáo dục.

Số lượng cán bộ, công chức, chuyên viên, nhân viên và số lượng phòng, ban ở các Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo còn cồng kềnh, tương đối nhiều.

Hiện nay, các địa phương, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại các chức danh, phòng ban, đầu mối theo quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Nội vụ.

Bước đầu, một số tỉnh đã, đang tiến hành tinh giản biên chế ở các Phòng Giáo dục từ 16-18 người xuống còn 6-7 người, chủ yếu quản lý Nhà nước.

Còn về hoạt động chuyên môn, nhà giáo giao cho các tổ nghiệp vụ, cộng tác viên ở các đơn vị trường học.

Đây được xem là dấu hiệu tích cực về công tác tinh giản biên chế ở ngành giáo dục.

ĐỖ TẤN NGỌC