Bộ máy quản lý giáo dục phình to lại đòi thêm phụ cấp, ngân sách nào kham nổi?

23/10/2017 07:34
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Mỗi tỉnh có hàng trăm người ngồi ghế lãnh đạo, chuyên viên của sở và phòng giáo dục mà đều muốn hưởng phụ cấp đứng lớp thì ngân sách nào kham nổi?

LTS: Trao đổi về vấn đề đãi ngộ đối với cán bộ quản lý giáo dục, thầy giáo Nguyễn Nguyên cho rằng bộ máy quản lý ngành giáo dục đang quá cồng kềnh mà thiếu những người giỏi làm việc.

Theo đó, nhiều cấp quản lý chồng chéo nhưng vẫn không đem lại hiệu quả. Nếu họ cũng được hưởng phụ cấp đứng lớp thì đó là gánh nặng lớn cho ngân sách Nhà nước.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đọc bài viết "Đãi ngộ cán bộ quản lý giáo dục như thế, Bộ sao tuyển được người giỏi?" của tác giả Sông Trà đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 21/10/2017, dù có nhiều điểm đồng cảm với tác giả nhưng tôi lại nghĩ khác tác giả Sông Trà rất nhiều điều.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội hôm 9/6 về một số vấn đề giáo duc. Ảnh chụp màn hình.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội hôm 9/6 về một số vấn đề giáo duc. Ảnh chụp màn hình.

Ngành giáo dục không tuyển được người giỏi về làm việc tại sở, phòng là vì các cơ quan chức năng không tổ chức thi tuyển, không muốn đưa những người có năng lực lên thôi.

Bởi lâu nay nhiều nơi không tuyển “người tài” mà vẫn quen “chọn người nhà”, chọn người thân quen của mình để bổ nhiệm, cất nhắc.

Những lãnh đạo sở hay phòng vẫn chủ yếu là “bốc” hiệu trưởng các trường lên, trong khi theo tôi thấy phần lớn những người này là những người “ngoại giao tốt” và “chỉ đạo hay” nên họ rất được lòng cấp trên.

Những cán bộ, chuyên viên ở sở hay phòng giáo dục và đào tạo không được phụ cấp đứng lớp cũng là điều hoàn toàn hợp lí.

Không đứng lớp thì không có phụ cấp âu cũng là một lẽ rất đỗi thường tình.

Trong thực tế, không phải là giáo viên, lãnh đạo các trường không muốn về các cơ quan cao hơn. Ngược lại, nhiều người vẫn tìm cách để chạy về đó chứ.

Bởi bớt vài chục phần trăm phụ cấp nhưng bù lại họ có quyền chức cao hơn thì bổng lộc đi kèm cũng không hề ít.

Chỉ có một số hiệu trưởng đang “làm vua một cõi” mà điều động về làm chuyên viên mới không muốn bỏ những quyền lợi mà mình đang được hưởng, chứ nếu điều động hiệu trưởng về đảm nhận một chức vụ lãnh đạo cụ thể cao hơn thì mấy ai chối từ?

Bộ máy quản lý giáo dục phình to lại đòi thêm phụ cấp, ngân sách nào kham nổi? ảnh 2

Vì sao giáo viên giỏi “sợ” lên làm sếp?

Trước khi viết bài này, chúng tôi đã vào website của một số sở giáo dục và đào tạo trong cả nước để tham khảo.

Người viết nhận thấy, ngoài các thành viên ban giám đốc sở thì còn có rất nhiều các phòng, ban khác như:  

Văn phòng; phòng tổ chức cán bộ; phòng thanh tra; phòng kế hoạch - tài chính; phòng chính trị, tư tưởng;

Phòng giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên; phòng giáo dục tiểu học; phòng giáo dục mầm non; phòng giáo dục chuyên nghiệp và khảo thí - kiểm định chất lượng giáo dục;

Phòng công nghệ thông tin; phòng quản lý thư viện - thiết bị; ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc sở giáo dục và đào tạo; Công đoàn giáo dục…

Mỗi phòng, ban của sở có số lượng ít nhất cũng phải 5 người, có phòng lên đến trên chục người.

Ở các phòng giáo dục huyện (thành phố trực thuộc tỉnh) cũng được cơ cấu các bộ phận tương tự, chỉ ít hơn về số lượng.

Ngoài ra, các thành viên kiêm nhiệm hội đồng bộ môn các cấp cũng được rải đều ở các địa phương.

Phải nói rằng giáo viên đứng lớp hiện nay có quá nhiều lãnh đạo trực tiếp và gián tiếp.

Vì thế, mỗi tỉnh có hàng trăm, thậm chí những tỉnh lớn lên đến hàng ngàn người ngồi ghế lãnh đạo, chuyên viên của sở và phòng giáo dục mà đều muốn hưởng phụ cấp đứng lớp thì ngân sách nào kham nổi?

Với tình hình kinh tế nước ta hiện nay thì “bầu sữa ngân sách” đâu phải là nồi cơm Thạch Sanh trong truyện cổ tích để chi cho những người không đứng lớp mà lại được hưởng phụ cấp đứng lớp?

Với việc cơ cấu một đội quân quản lý khổng lồ như vậy nên mỗi lần thanh, kiểm tra các đơn vị cơ sở là có cả một đoàn lãnh đạo chuyên trách, kiêm nhiệm đầy đủ các ban bệ đi theo.

Bộ máy quản lý giáo dục phình to lại đòi thêm phụ cấp, ngân sách nào kham nổi? ảnh 3

Bàn về "gánh nặng và sự sẻ chia" với người thầy

Họ về đơn vị nào là đơn vị ấy… khiếp sợ.

Nếu thanh, kiểm tra chuyên đề về hành chính thì chỉ liên quan đến một số người còn thanh, kiểm tra về chuyên môn thì tất tần tật các hoạt động dạy học của nhà trường như hồ sơ chuyên môn, hồ sơ lưu trữ, dự giờ giáo viên trong trường là họ làm rất kĩ lưỡng.

Và, dĩ nhiên góp ý thì trên trời dưới bể và phán xét giáo viên đến rất nhiệt tình.

Dù đơn vị cơ sở làm tốt đến đâu cũng không bao giờ vừa ý vì mỗi một “thầy” có một cách đánh giá, nhận xét khác nhau.

Ngành cứ hô hào đổi mới giáo dục mãi mà mỗi khi về thanh, kiểm tra giáo viên vẫn là tư tưởng “cầm tay chỉ việc” lật giở từng trang giáo án, từng tờ hồ sơ và phán chuyện “đúng, sai” thì làm sao có đổi mới giáo dục được?

Có tinh giản bớt các lãnh đạo phòng, sở được không?

Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) vừa qua, đánh giá khái quát việc đổi mới tổ chức bộ máy hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ:

Số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý;

Cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập;

Số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ.

Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều.

Thực tế này cho thấy, việc tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả lãnh đạo là nhu cầu bức thiết cho mục tiêu kiến tạo phát triển”.

Bộ máy quản lý giáo dục phình to lại đòi thêm phụ cấp, ngân sách nào kham nổi? ảnh 4

Một số vấn đề nổi cộm trong quản lý giáo dục

Những lời đánh giá của Tổng Bí thư cho thấy thực tế những năm qua, chúng ta đã có nhiều quyết sách để tinh giản bộ máy các cơ quan công lập, nhưng rõ ràng việc thực hiện vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Hiện nay, ở các đơn vị sự nghiệp không chỉ thừa giáo viên mà lãnh đạo gián tiếp ở các sở, phòng cũng được biên chế bộ máy rất cồng kềnh và hoạt động không hiệu quả, gây nhiều lãng phí về ngân sách và phiền nhiễu cho cán bộ và giáo viên dưới cơ sở.

Đã sinh ra nhiều phòng, ban thì tổ chức nào cũng muốn thể hiện vai trò, vị thế của mình với cấp dưới.

Việc chỉ đạo, phát động rất nhiều việc vô bổ và kém hiệu quả, dẫn đến giáo viên phải gồng mình để chạy theo những chỉ đạo, những phát động, những cuộc thi mà không phải cái nào cũng thiết thực với yêu cầu đổi mới giáo dục nước nhà.

Thời gian qua, chúng ta đã thấy nổi lên tình trạng lạm thu ở các trường học.

Vậy tổ chức thanh tra giáo dục đang ở đâu?

Cấp sở quản lí trực tiếp các trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên- dạy nghề; cấp phòng quản lí trực tiếp các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non.

Đó là chưa kể các tổ chức thanh tra của các uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện, xã, trường học.

Nghĩa là mỗi đơn vị trường học có rất nhiều cơ quan thanh tra giám sát.

Vậy mà, lạm thu vẫn hoành hành, các phòng, ban thanh tra gần như "bất lực" trước vấn nạn lạm thu, dạy thêm trái phép...Họ không phát huy được vai trò, vị trí của mình.

Mặc dù, nhiều tỉnh chỉ có trên dưới 10 huyện, thị. Nhiều huyện (thị) cũng chỉ khoảng từ 10-15 xã (phường).

Việc kiểm tra về tình trạng lạm thu hiện nay nếu các cơ quan chức năng muốn làm có lẽ không phải là quá khó.

Bộ máy quản lý giáo dục phình to lại đòi thêm phụ cấp, ngân sách nào kham nổi? ảnh 5

Đánh chuông báo động về năng lực, đạo đức của cán bộ quản lý giáo dục

Chỉ trừ các huyện miền núi địa bàn rộng nhưng các địa phương miền núi lại ít khi xảy ra lạm thu.

Các trường học ở đồng bằng có khoảng cách từ các cơ quan hành chính đến các đơn vị không phải là quá xa.

Vì thế, đầu năm, các cán bộ thanh tra ngành giáo dục cùng kết hợp với thanh tra ủy ban đi kiểm tra một vòng cũng chỉ hết vài ngày đến một tuần là xong.

Nếu thanh tra sâu sát, đúng với luật thì việc phát hiện ra sai phạm không phải là khó khăn.

Nhưng phần lớn việc đi thanh, kiểm tra đầu năm của các địa phương chỉ dừng lại trên vài kế hoạch hay báo cáo của lãnh đạo nhà trường.

Vì thế, rất hiếm khi phát hiện ra sai phạm. Vì tất cả các loại giấy tờ đều đã hợp thức hóa hết cả rồi.

Chưa kể, mối quan hệ chằng chịt lợi ích giữa lãnh đạo nhà trường với cán bộ thanh, kiểm tra làm cho hoạt động này rất “khó” phát hiện sai phạm.

Trong khi chỉ cần mượn vài quyển sổ chủ nhiệm của giáo viên là biết các khoản thu của nhà trường và tìm ra nhiều vấn đề.

Vậy có phải các tổ chức thanh tra đang hoạt động chồng chéo nhau mà kém hiệu quả không? Lạm thu và dạy thêm trái phép vẫn lan tràn mà thanh tra giáo dục không phát hiện được, thì có còn cần thiết phải nuôi bộ máy thanh tra giáo dục các cấp như hiện nay?

Có phải người giỏi không muốn lên sở, về phòng?

Mấy ngày nay, câu chuyện vị Chủ tịch huyện Yên Dũng (Bắc Giang) bổ nhiệm cán bộ trẻ, năng lực giỏi nhưng không phải con ông cháu cha nên bị Chủ tịch tỉnh yêu cầu kiểm điểm đang xôn xao dư luận.

Bởi người được bổ nhiệm vị trí Phó phòng Giáo dục là thầy giáo Lương Đình Giáp không nằm trong "qui hoạch" nhưng đã vượt qua 20 trường hợp được quy hoạch vào vị trí Phó phòng.

Điều khác biệt là “người thứ 21” nhưng thầy giáo Lương Đình Giáp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cho chức vụ này.

Bộ máy quản lý giáo dục phình to lại đòi thêm phụ cấp, ngân sách nào kham nổi? ảnh 6

Đãi ngộ cán bộ quản lý giáo dục như thế, Bộ sao tuyển được người giỏi?

Đó là, trình độ Đại học chính quy; chuyên ngành khoa học tự nhiên; tốt nghiệp Đại học Sư phạm 1 Hà Nội; đã có kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi.

Thậm chí thầy Giáp còn “thừa tiêu chuẩn” là đã tốt nghiệp Thạc sỹ toán học, đã từng bồi dưỡng cho một học sinh đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội với số điểm cao nhất trong số học sinh tỉnh Bắc Giang thi vào các trường Đại học năm 2015.

Vì thế, có thật là những giáo viên giỏi không muốn về Phòng, Sở hay cơ chế của chúng ta chưa cho phép?

Nên mới dẫn đến tính trạng mà dư luận trong ngành vẫn rỉ tai nhau: “Người giỏi ở dưới trường. Người thường thường lên Sở. Người dở dở làm việc trên Bộ”.

Và, câu chuyện 20 người được qui hoạch vào một chức vụ Phó phòng Giáo dục thì không hẳn là câu chuyện cán bộ không muốn lên Sở lên Phòng.

Vấn đề còn lại là cơ chế tuyển dụng, sử dụng nhân tài như thế nào mà thôi!

Tác giả Sông Trà nêu vấn đề:

Nhiều cán bộ, chuyên viên ở Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo phản ánh rất đúng:

Họ thường phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn lại các chuyên đề chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán ở các đơn vị trường học (cũng soạn bài, lên lớp, giảng dạy như cán bộ, giáo viên ở dưới trường)”.

Điều này có thể đúng, nhưng chưa đủ.

Thử hỏi, mỗi năm các vị chuyên viên tập huấn cho cơ sở được mấy ngày?

Và các hướng dẫn hiện hành ai cũng biết là với ngạch chuyên viên thì mỗi ngày tập huấn - họ được hưởng chế độ bồi dưỡng cũng không hề ít.

Cứ nhìn vào các cuộc tập huấn VNEN, bàn tay nặn bột, trải nghiệm sáng tạo...và hiệu quả triển khai các dự án, chương trình này thời gian vừa qua là đủ thấy chất lượng hoạt động tập huấn của các chuyên viên như thế nào.

Thỉnh thoảng ra đề thi như học kì hay tuyển sinh thì họ đều có chế độ rất cao nhưng nhiều đề thi họ “cắt, dán” từ các đề cơ sở gửi lên mà cũng thường xuyên sai sót.

Chuyện sai sót này ta đã chứng kiến rất nhiều lần qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, các hội thi, các cuộc thi của giáo viên, học sinh đều cơ cấu các lãnh đạo phòng, ban vào các hội đồng tổ chức, vào ban giám khảo và dĩ nhiên họ có nhiều quyền lợi.

Khi họ đi cơ sở được thêm chế độ công tác phí, phụ cấp trong ngày, qua đêm có tiền thuê phòng.

Chúng tôi được biết nhiều khi cán bộ, chuyên viên dù không đến cơ sở nhưng họ vẫn gửi và nhờ các ban giám hiệu chứng nhận, đóng dấu “giấy đi đường” để thanh toán chế độ công tác phí!

Vì thế, quyền lợi, chế độ của họ khi đương chức không hẳn là bị giảm đi so với công tác dưới cơ sở.

Lời kết

Hiện nay, ngành giáo dục có khoảng 1,24 triệu người, đây là ngành có số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhiều nhất.

Trong đó, riêng đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên cũng chiếm một số lượng khá lớn.

Nên chăng, Nhà nước thúc đẩy tinh giản biên chế ngành giáo dục thì hãy bắt đầu từ chính bộ máy quản lý cồng kềnh của ngành, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo xuống các các sở và phòng giáo dục.

Người xưa dạy không sai: "lắm thày nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng"; "một người lo bằng kho người làm"...Bộ máy quản lý cồng kềnh không chỉ gây tốn kém và lãng phí ngân sách, quan trọng hơn nó chính là lực cản của mọi công cuộc đổi mới giáo dục và là nơi phát sinh nhiều tiêu cực.

Nhiều cấp lãnh đạo cả trực tiếp và gián tiếp chỉ làm cho việc chỉ đạo chuyên môn thêm rối và làm khổ thêm cho giáo viên mà thôi.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/Dai-ngo-can-bo-quan-ly-giao-duc-nhu-the-Bo-sao-tuyen-duoc-nguoi-gioi-post180574.gd

Nguyễn Nguyên