Đôi điều về bài giảng “Vợ nhặt” trên Đài truyền hình Hà Nội (1)

18/03/2020 06:17
Bài, ảnh: Ánh Dương
(GDVN) - Nhìn chung, bài giảng “Vợ nhặt” (Kim Lân) của cô Nguyễn Hương Thủy có nhiều nội dung mới mẻ, sâu sắc giúp học sinh nắm vững bài học trong kì nghỉ phòng dịch.

Bài giảng “Vợ nhặt” (Kim Lân) do cô giáo Nguyễn Hương Thủy, Trường trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội) dạy trên Đài truyền hình Hà Nội nhận được nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều của giáo viên và học sinh. 

Nhiều ý kiến khen cô giảng hay, kĩ, sâu sắc nhưng cũng không ít bình luận tỏ ra không đồng tình với một số nội dung trong bài giảng.

Nhằm giúp thầy cô và các em học sinh có thêm một kênh tài liệu tham khảo cho việc ôn thi trung học phổ thông quốc gia, chúng tôi xin tóm tắt bài giảng của cô Thủy và thảo luận về ưu điểm cùng với những vấn đề còn gây tranh cãi. 

Bài “Vợ nhặt” được cô Thủy dạy trong 3 tiết. Cụ thể, tiết 1 là tác giả, tác phẩm và tình huống truyện; tiết 2, tìm hiểu nhân vật Tràng và nhân vật thị; tiết 3, nhân vật bà cụ Tứ và kết luận chung.

Sau mỗi tiết dạy, cô Thủy đều cho những dạng bài tập khác nhau xoay quanh tác phẩm nhằm giúp học sinh ghi nhớ kiến thức bài học.

Cấu trúc bài giảng “Vợ nhặt” như sau:

1. Ý nghĩa nhan đề và tình huống truyện

Tình huống truyện là tình thế nảy sinh câu chuyện, là sự kiện quan trọng bộc lộ chủ đề và để cho nhà văn khắc sâu về tính cách của nhân vật.

Tình huống truyện giúp cho nhà văn dồn nén qua lát cắt ấy bản chất hiện thực cuộc đời. Tình huống truyện “Vợ nhặt” là câu chuyện nhặt được vợ của anh Tràng trong nạn đói thê thảm, khủng khiếp.

Tình huống truyện có tác dụng khắc họa nhân vật, thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm và tư tưởng, phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Bài tập vận dụng:

* Bài tập 1. Vì sao Kim Lân lựa chọn nhan đề của tác phẩm là “Vợ nhặt” mà không phải là “Xóm ngụ cư” hay “Nhặt vợ”?

- Gợi ý: Nhà văn không đặt tên truyện là “Xóm ngụ cư”, bởi nhan đề này phù hợp với một tiểu thuyết, còn “Vợ nhặt” hợp với truyện ngắn.

Tác phẩm cũng không phải là “Nhặt vợ” vì tên gọi này nhấn mạnh vào những hành động, sự rẻ rúng thân phận của con người. Còn “Vợ nhặt” nhấn mạnh sự trân trọng của tác giả đối với con người.

Vì sao Kim Lân lựa chọn nhan đề của tác phẩm là “Vợ nhặt” mà không phải là “Xóm ngụ cư” hay “Nhặt vợ”?
Vì sao Kim Lân lựa chọn nhan đề của tác phẩm là “Vợ nhặt” mà không phải là “Xóm ngụ cư” hay “Nhặt vợ”?

* Bài tập 2. Chỉ ra ý nghĩa sự vận động thời gian và không gian qua phần mở đầu và kết thúc đoạn trích của tác phẩm “Vợ nhặt”.

- Gợi ý: Mở đầu tác phẩm là thời gian buổi chiều tối sầm lại vì đói khát, đó là bối cảnh của nạn đói khủng khiếp. 

Còn kết thúc đoạn trích là một buổi sáng mùa hè nắng chói chang. Ở đó có sự quây quần của ba con người bên mâm cơm, gợi đến không gian của sự đoàn tụ gia đình.

* Bài 3. Cảm nhận về hai đoạn trích “Một đám cưới” (Nam Cao) từ “Dần không chịu mặc cái áo dài của mẹ chồng đưa… và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ” và đoạn văn miêu tả thị theo Tràng về nhà từ “thị theo bóng Tràng… tăm tối ấy của họ”.

* Bài 4. Cảm nhận về hành động cắt dây trói và chạy theo A Phủ của nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) và hành động theo không Tràng về nhà của nhân vật thị (Vợ nhặt - Kim Lân).

Thảo luận

Cô giáo hẳn là người đã có nhiều kinh nghiệm dạy học, bởi cô giảng bài tự tin, giọng truyền cảm, ấm áp, rõ ràng, từ tốn và dễ hiểu.

Cô có nhiều phát hiện mới mẻ trong việc cảm thụ tác phẩm và gợi ý những dạng bài hay, độc đáo.

Tuy nhiên, vấn đề khiến giáo viên và học sinh tranh cãi, không đồng tình ở hai nội dung sau:

Nhà văn không đặt tên truyện là “Xóm ngụ cư”, bởi nhan đề này phù hợp với một tiểu thuyết, còn “Vợ nhặt” hợp với truyện ngắn.

Và tác phẩm cũng không phải là “Nhặt vợ” vì tên gọi này nhấn mạnh vào những hành động, sự rẻ rúng thân phận của con người. 

Còn “Vợ nhặt” nhấn mạnh sự trân trọng của tác giả đối với con người.

“Vàng – lửa, học sinh – môn Ngữ văn” thì liên quan gì đến nhau?
“Vàng – lửa, học sinh – môn Ngữ văn” thì liên quan gì đến nhau?

Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn của hệ thống Học Mãi (Hà Nội) thì được cô lí giải như sau:

Thứ nhất, “Xóm ngụ cư” hướng tới đối tượng rộng của một làng quê Việt Nam đồng bằng Bắc Bộ trong nạn đói năm 1945.

Còn “Vợ nhặt” chỉ là lát cắt tập trung vào thân phận một gia đình nông dân Việt Nam trong nạn đói đó.

Vậy sự khác nhau trong hai nhan đề là đối tượng phản ánh chứ không đơn thuần là thể loại. 

“Vợ nhặt” hoàn toàn có thể mở ra thành tiểu thuyết trong cái nhìn xuyên suốt cả cuộc đời, từ đó phản ánh bức tranh hiện thực rộng lớn của lịch sử, xã hội.

Ví dụ như “Anna Karenina” là cuốn tiểu thuyết phản ánh bức tranh hiện thực nước Nga sau cải cách nông nô vào giữa những năm 70 của thế kỉ XIX, với bản chất mục ruỗng của giai cấp phong kiến, sự thối nát giả dối của giai cấp tư sản đang lên.

“Xóm ngụ cư” hoàn toàn có thể là nhan đề của một truyện ngắn, dù phản ánh cả một “Làng” (tên tác phẩm của Kim Lân – tác giả) hay một tỉnh “Lặng lẽ Sa Pa” (tên tác phẩm của Nguyễn Thành Long – tác giả) nhưng chỉ là một lát cắt của hiện thực.

“Vì thế nói nhan đề “Xóm ngụ cư” hợp với tiểu thuyết, nhan đề “Vợ nhặt” hợp với truyện ngắn là chưa chính xác về đặc trưng thể loại”, cô Tuyết khẳng định.

Thứ hai, nhan đề “Nhặt vợ” hướng sự quan sát vào nhân vật Tràng với hành động “nhặt vợ”, cho thấy tình thế éo le, tình trạng khốn khổ của thân phận con người trong nạn đói.

Từ điểm nhìn đó, truyện ngắn phản ánh bức tranh hiện thực của nông thôn Việt Nam đồng bằng Bắc Bộ trong nạn đói 1945, thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc. 

Còn với nhan đề “Vợ nhặt”, Kim Lân đặt điểm nhìn trần thuật, điểm quan sát lại hướng tới người đàn bà được Tràng nhặt về giữa những ngày đói khát. 

Từ điểm nhìn ấy mà người đọc thấy được đồng thời cả giá trị của người vợ (quá rẻ rúng, thảm hại) và tình cảnh của người chồng (khi việc trọng đại trong đời người đàn ông được thực hiện bởi một hành động ngẫu nhiên, thờ ơ, không chủ tâm), thấy được cả bức tranh thảm hại ngày đói của xóm ngụ cư, của quê hương, đất nước. 

Cả hai nhan đề đều cho thấy sự rẻ rúng trong giá trị, khốn khổ trong thân phận, đều giúp hé mở tình huống truyện và thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo - chỉ khác trong điểm nhìn trần thuật. 

“Khi nhặt cái gì đó dưới đất lên, hình như không ai nghĩ tới sự “trân trọng”, nhặt vợ cũng vậy”, cô Tuyết kết luận. 

Ngoài ra, sinh thời nhà văn Kim Lân cũng đã từng nói: “Nhặt” tức là nhặt nhạnh, nhặt vu vơ. Trong cảnh đói năm 1945 người lao động dường như khó ai thoát khỏi cái chết. Bóng tối của nó phủ xuống mọi xóm làng.

Trong hoàn cảnh ấy, giá trị một con người thật vô cùng rẻ rúng, người ta có thể có vợ theo chỉ nhờ mấy bát bánh đúc ngoài chợ - đúng là nhặt được vợ như tôi nói trong truyện”. [1]

Trở lại bài giảng của cô Nguyễn Hương Thủy, chúng tôi có lời khuyên cho học sinh chỉ thi tốt nghiệp (không có nhu cầu đăng kí tuyển sinh vào các trường đại học cao, đẳng) là cần nắm vững về tình huống truyện (cô Thủy giảng) và phần lí giải ý nghĩa tên truyện “Vợ nhặt” (cô Tuyết phân tích).

Nếu học sinh sử dụng môn Ngữ văn làm tổ hợp xét tuyển vào đại học, cao đẳng, các em nắm thêm phần gợi ý nội dung bài tập 1 và 2.

Bài tập 3 là phần nâng cao, dành cho học sinh tham dự các kì thi chọn học sinh giỏi. Riêng bài tập 4 cũng là phần nâng cao, cấu trúc đề không đúng với đề minh họa và đề chính thức năm 2019 (dạng đề này của năm 2018). 

Bài, ảnh: Ánh Dương