Đổi giờ học và bài toán chi phí xã hội

08/02/2012 06:00
Bích Thảo
(GDVN) - Chưa biết hiệu quả kinh tế của việc đổi giờ học để giảm tắc đường đến đâu nhưng chi phí xã hội đã phải tăng lên rất nhiều.

Nhiều trường không đủ kinh phí sắm máy phát điện

Khi các trường đổi giờ học, giờ làm đã làm dấy lên lo lắng của nhiều trường dân lập cũng như công lập về các khoản chi phí đội lên. Đặc biệt khi kéo dài thời gian học buổi chiều lên gần 2h dẫn đến tăng thời gian thắp sáng cũng như lượng nước sạch dùng trong nhà trường.

Phụ huynh và học sinh THPT chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thay đổi giờ học
Phụ huynh và học sinh THPT chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thay đổi giờ học

Hiện tại số chi phí tăng thêm của các trường đều do các trường tự bỏ ra. Để có thể đáp ứng được việc học tối đến 19h, tất cả các trường học đều phải trang bị thêm điện đèn và máy phát điện. Theo khảo sát của chúng tôi hầu hết các trường có đều đã tăng cường lắp đặt thêm bóng điện chiếu sáng.

Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình trường THPT Việt Đức cho biết: “Chúng tôi đã trang bị thêm hệ thống điện chiếu sáng ngoài hành lang, cầu thang cũng như nhà để xe và lối ra cổng. Chi phí đó điều do nhà trường tự bỏ tiền ra chứ không chưa có thông báo được hỗ trợ gì từ phía Sở GD &ĐT Hà Nội"

Tình trạng khan hiếm điện trong mùa khô luôn thường trực kéo theo đó là tình trạng mất điện. Việc mất điện đột xuất tiềm ẩn rất nhiều rủi ro với các em học sinh, do đó trang bị máy phát điện là tối cần thiết đối với các trường học.

Cô Đỗ Đức Hoài Phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung cho biết: “Khi xảy ra tình trạng mất điện có thể khiến các em học sinh hoảng loạn, dễ xảy ra nguy hiểm nhất là các em học trên các phòng cao tầng."

Tuy nhiên không phải trường nào cũng có đủ tiềm lực để có thể mua máy phát điện phục vụ cho tất cả các phòng học. Thầy Đỗ Đức Hà hiệu trưởng trường THPT Quang Trung cho biết: “Nhà trường hiện cũng có máy phát điện công suất nhỏ chỉ đủ chiếu sáng một phần phòng chuyên môn chính của trường. Chứ máy phát điện đủ dùng cho tất cả 25 phòng học và 5 phòng chuyên môn thì nhà trường không có đủ kinh phí”.

Thành phố không thiếu tiền

Nếu tất cả các trường trang bị máy phát điện công suất đủ dùng cho từ 20 đến 30 phòng học phải dùng đến máy phát điện công suất lớn có giá thành từ 88 triệu đến 120 triệu đồng/ máy.

Trưởng phòng Công tác HSSV Sở GD&ĐT Hà Nội Mai Sỹ Nhật.
Trưởng phòng Công tác HSSV Sở GD&ĐT Hà Nội Mai Sỹ Nhật.

Tính một cách đơn giản nếu 600 trường thuộc diện điều chỉnh mỗi trường “tậu” một máy phát điện tầm trung như Honda EKB 12 000 với giá khoảng 100 triệu đồng ngành giáo dục sẽ phải chi ra khoảng 60 tỉ đồng. Chỉ một trang thiết bị phục vụ trường học cũng có thể tiêu tốn rất nhiều tiền như vậy sẽ gây thêm gánh nặng cho nền kinh tế vốn đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay.

Số tiền 60 tỉ đồng đó, nếu dành để hỗ trợ xây cầu cho học sinh miền Trung thì các em sẽ không cần phải liều mạng bơi sông đi tìm con chữ. Nếu dành 60 tỉ đồng đó để hỗ trợ bữa cơm có thịt cho trẻ vùng cao thì hàng nghìn em sẽ không phải nhịn đói, chân đất đến trường.

Ngoài ra, ông Mai Sỹ Nhật Trưởng phòng Công tác HS SV Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Việc đổi giờ học sẽ làm tiền điện, nước mỗi tháng tại các trường sẽ tăng thêm ít nhất là 30 đến 50%, so với trước đây."

Tuy nhiên, ông Mai Sỹ Nhật lạc quan cho biết: “Các trường cứ thống kê cụ thể chi phí, thành phố sẽ hỗ trợ. Thành phố Hà Nội không thiếu gì tiền.”

Phát sinh của gia đình học sinh ai trợ cấp?

Với số lượng trên 600.000 em học sinh, sinh viên. Trong đó mầm non là 390 trường với 173.000 học sinh, tiểu học 218 trường với 208.000 học sinh, trung học cơ sở là 165 trường với 127.500 học sinh, THPT là 99 trường với 90.200 học sinh. Còn lại là các trường ĐH, CĐ TCCN. Chi phí tăng thêm của các gia đình học sinh cũng không phải là nhỏ.

Khi các em học sinh THPT đi học về muộn, các em đều có nhu cầu ăn điểm tâm bữa chiều. Căng tin trong các trường những ngày này đều “cháy đồ ăn” từ sớm. Hiệu trưởng trường Việt Đức cho biết: “Ca chiều chúng tôi có đến hơn 1.000 học sinh, nhu cầu ăn chiều của các em là rất lớn. Trường phải tăng cường thêm bữa ăn chiều, do đó chắc chắn chi phí gia đình đóng góp sẽ phải tăng lên.”

Mỗi ngày các em phải tốn đến 20.000 đồng cho các quán ăn vỉa hè
Mỗi ngày các em phải tốn đến 20.000 đồng cho các quán ăn vỉa hè

Nhiều trường học không có căng tin phải cho các em ra “lót dạ” tại các hàng quán vỉa hè. Kéo theo hàng loạt vấn đề khác như tình trạng mất vệ sinh, giá thành đắt đỏ. Em Nguyễn Minh Hiền trường THPT Nguyễn Siêu cho biết: “Mỗi chiều đi học mẹ em đều phải cho em tiền để mua một hộp sữa, một chiếc xúc xích và bánh mì tươi. Vị chi cũng đến 20.000 đồng. Cứ tiết 4, 5 các bạn đều phải kéo nhau đi ăn nếu không ăn thêm thì đói chúng em không thể học hành gì được.”

Như vậy với một em học sinh THPT phải học chiều mỗi tháng sẽ phải tiêu tốn mất khoảng 500.000 đồng tiền quà. Với một nửa học sinh THPT học ca chiều là khoảng 50.000 em, nếu các em đều ăn thêm một bữa phụ thì tổng chi phí xã hội sẽ phải tốn thêm 25 tỉ đồng/tháng với bữa phụ này của các em. 

Nhiều gia đình cũng đã phải sắm xe máy cho con khi lo ngại con cái đạp xe về muộn. Ngoài ra, cũng có không ít gia đình thuê xe ôm đưa đón khi giờ học của con và giờ làm của bố mẹ không hợp nhau hoặc xe đưa đón học sinh của trường không đáp ứng được.

Không biết Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có thể giảm bớt được bao nhiêu tiền khi buộc học sinh ra đường "lệch pha"? Nhưng cái giá mà ngành giáo dục cũng như gia đình học sinh phải bỏ ra trước mắt không phải là nhỏ. Và số tiền đó dù là Thành phố hỗ trợ, hay người dân bỏ ra cũng đều tác động không tốt đến sự phát triển toàn diện của Thủ đô.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Bích Thảo