Đối mặt với bạo bệnh, tân sinh viên Đại học Y dang dở giấc mơ!

06/08/2013 14:45
Xuân Trung
(GDVN) - Mười năm chống chọi với bệnh hở vách ngăn mũi, Hoàng Đạt – tân sinh viên Đại học Y Hà Nội năm nay lại lo lắng lắng thêm vì căn bệnh đã biến chứng nặng hơn. Với gia cảnh như Đạt có lẽ giấc mơ làm bác sỹ sẽ vẫn còn dang dở?
Hoàng Đạt quê ở thôn Lỗ Khê - Xã Liên Hà – H. Đông Anh – TP Hà Nội, sinh năm 1994. Năm nay Hoàng Đạt dự thi cả hai khối A và B, khối A dự thi vào Trường Đại học Dược Hà Nội được 25,5 điểm (đã cộng điểm khu vực), khối B thì Trường Đại học Y Hà Nội được 28 điểm (đã cộng điểm khu vực). Cách đây 10 năm Hoàng Đạt có triệu chứng đau buốt vùng mũi nhưng do nhà không có tiền nên đành “tặc lưỡi” cho qua. Có một vài lần đi khám bác sỹ kê thuốc bảo về uống hết rồi tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên do gia cảnh chỉ có 2 mẹ con (Đạt không có bố), ngày đêm ngoài việc học tập ra Đạt phải giúp mẹ cấy hái, kiếm thêm tiền chang chải cho ngôi nhà nhỏ bé của mình, một phần cũng cho mẹ đỡ gánh nặng. Chính vì điều kiện neo người như vậy nên Đạt không thường xuyên theo dõi bệnh tình được tiếp.
Với một bên tai mới mổ,Hoàng Đạt muốn nói chuyện phải lấy tay bịt một bên tai mới nghe được. Ảnh Xuân Trung
Với một bên tai mới mổ,Hoàng Đạt muốn nói chuyện phải lấy tay bịt một bên tai mới nghe được. Ảnh Xuân Trung
Cho tới tháng 3 năm 2013 này, khi triệu trứng bệnh đã quá nặng, hai bên  tai thường xuyên có rỉ nước, mũi nhiễm khuẩn Đạt mới xuống Hà Nội khám thì đã  quá muộn. Căn bệnh hở vách ngăn mũi đã lan sang hai tai khiến màng nhĩ bị nhiễm khuẩn và có nguy cơ bị điếc sớm. Từ đó, tháng nào Đạt cũng một mình xuống Hà Nội để khám và rửa tai chờ ngày mổ. Chúng tôi đến thăm Đạt tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, Đạt không giấu được nỗi lo lắng khi  sắp tới phải nhập học trường Y, lo lắng hơn là khoản tiền học phí cũng sắp phải đóng. Với đồng lương của mẹ làm công việc lao công, dọn dẹp vệ sinh môi trường ở thôn thì không thể có đủ tiền cho Đạt bước tiếp ước mơ. Một tay đưa lên bo tai để lấy hơi nói chuyện, Đạt cho biết: “Mẹ mỗi tháng chỉ được khoảng 2 triệu tiền lương, ăn uống, chi tiêu trong nhà cũng không đủ nên việc có tiền để đi học là rất khó. Bệnh của em lại không được làm việc nặng, không nói to được nên cũng khó để đi làm thêm, sau khi nhập học em định ra ngoài ở cùng bạn để nấu ăn cho đỡ tốn kém”.
Cô Kim Anh, giáo viên ôn thi môn Sinh cho Đạt nhận xét, Đạt là một học sinh chăm ngoan, có ý thức tự học tốt. Khi vào học ôn, cô chưa biết hoàn cảnh của Đạt nên có thu học phí một tháng, nhưng khi được biết em sống cùng mẹ và kinh tế khá khó khăn, cô đã miễn học phí cho em.

"Dù vất vả nhưng Đạt có lòng tự trọng rất cao. Đợt vừa rồi đi mổ không có tiền, biết là đưa tiền thì em không lấy nên phải nói khéo là em thi môn Sinh được điểm cao nên cô thưởng. Em giành được 9,25 điểm môn Sinh", cô Kim Anh nói.
Được biết, cách đây hơn 1 tháng Hoàng Đạt đã phải phẫu thuật mũi, số tiền để phẫu thuật cũng đã hết hơn 10 triệu đồng, mặc dù Đạt đã có bảo hiểm, gia đình cũng cố gắng lắm vay mượn mới có tiền trả viện phí. Cách đây mấy ngày Đạt tiếp tục phải phẫu thuật tai bên phải để cấy màng nhĩ, tỷ lệ thành công cũng rất nhỏ. Do bệnh quá nặng nên năm nay Đạt chỉ có thể phẫu thuật được một bên tai, bên còn lại phải chờ năm sau. Chia sẻ với chúng tôi, mẹ của Đạt - cô Hoàng Thị Mai cho biết, do công việc dọn dẹp vệ sinh môi trường nối tiếp từ ngày này sang ngày khác nên chưa xuống chăm sóc Đạt được. Duy chỉ có trước ngày phẫu thuật tai cô tranh thủ xuống thăm con một lát rồi phải về tiếp tục công việc. “Ngày nào cũng phải đi làm, chỉ cần mình nghỉ một hôm thì người dân ngóng sao hôm nay không thây đổ rác (thôn 700 hộ có 4 người dọn) công việc chiếm hết thời gian cả ngày nên chưa có thời gian xuống chăm con. Chỉ nhờ dì xuống chăm cháu hộ” cô Mai nghẹn ngào nói. Khi được hỏi về lương làm công việc vệ sinh môi trường của thôn, giọng của cô Mai trùng xuống, cô kể mỗi tháng làm không nghỉ ngày nào cũng chỉ được 2 triệu đồng. Với số tiền eo hẹp này mua sắm bất cứ thứ gì cũng phải phân vân xem có cần mua hay không, cuộc sống tằn tiện vô cùng. Khó khăn hơn, gia đình do không có người làm nên cũng không chăn nuôi gì thêm. Đến mùa như trước kia Đạt còn ở nhà, còn khỏe thì có thể giúp mẹ đi cấy, đi cày được, nhưng giờ sức khỏe của Đạt việc học còn khó chứ không nói gì là xuống đồng. Vậy là khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Hoàng Đạt sẽ không dám chắc sau này sẽ kiếm được việc như thế nào, nhưng em vẫn thường bảo mẹ con sẽ cố gắng học. Ảnh Xuân Trung
Hoàng Đạt sẽ không dám chắc sau này sẽ kiếm được việc như thế nào, nhưng em vẫn thường bảo mẹ con sẽ cố gắng học. Ảnh Xuân Trung
Trước đây khi Đạt còn học phổ thông gia đình cũng phải vay ngân hàng để có tiền cho Đạt theo học, tuy rằng số tiền không lớn vì theo giải thích của cô Mai do không chông chờ vào ai, gia cảnh khó khăn nên cũng không dám vay nhiều. Nói về đứa con duy nhất, cô Mai không khỏi tự hào: “Ở nhà Đạt ngoan lắm, không nghịch ngợm, không chơi bời, suốt ngày cắm đầu vào học, cho tới bây giờ dân làng không ai chê Đạt cả. Cháu đỗ vào Đại học Y Hà Nội tôi rất bất ngờ vì trước này cháu vẫn mơ mộng vào trường Y, cháu vẫn bảo với mẹ “nhà mình có hai mẹ con, con cố gắng học, ngày sau ra trường công việc như thế nào thì không dám chắc vì con chẳng chông chờ vào ai được, con học làm bác sỹ để giúp người nghèo như mình”. Cô Mai cũng chia sẻ, vấn đề lo ngại sắp tới đối với gia đình là khoản đóng góp học phí tại trường Đại học Y Hà Nội, trong mấy năm học ngành Bác sỹ đa khoa Đạt sẽ còn nhiều khó khăn phía trước, nếu không có tiền nguy cơ Đạt sẽ phải dừng học giữa chừng là điều đã được nhìn thấy. Nói về ước mơ của mình, Hoàng Đạt chi sẻ ngay từ nhỏ em đã có ước mơ trở thành  bác sỹ, năm trước sợ trường Y lấy điểm cao nên chỉ dám thi ĐH Dược. Năm nay em quyết tâm thi ĐH Y để biến ước mơ thành hiện thực. “Em muốn làm bác sĩ tự chữa bệnh cho mình trước. Mẹ ở nhà cũng hay bị ốm đau nên em muốn giúp mẹ nữa” Đạt nói. Ông Nguyễn Văn Long, trưởng thôn Lỗ Khê cho biết, gia đình bà Mai thuộc hộ cận nghèo. Đạt không có bố nên mẹ phải một mình vất vả làm lụng nuôi con. Ngoài làm ruộng, bà Mai còn là nhân viên vệ sinh môi trường để kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Ở thôn, mọi người đều yêu quý Đạt bởi em là cậu bé ngoan ngoãn, chịu khó học tập. Ngoài ra, Đạt cũng tích cực tham gia phong trào đoàn tại địa phương.
“Tôi chưa thấy hoàn cảnh nào éo le và khổ như Hoàng Đạt, em không có bố, ở với mẹ, gia đình thuộc diện nghèo nhất làng, mẹ làm lao công vệ sinh đẩy xe rác trong làng. Do thiếu bố, mẹ lại vất vả quần quật làm suốt ngày.

Với Hoàng Đạt, từ nhỏ em đã bị lệch vách ngăn mũi, rồi viêm màng nhĩ, hiện tại là thủng màng nhĩ loại nặng. Đạt khó nghe, ù ù trong tai, không bao giờ được cho tai tiếp xúc với nước, luôn phải bịt bông tai kín khi ra ngoài. Hàng tháng Đạt phải một mình xuống Hà Nội đi khám, đi lau tai, rửa tai để chờ ngày mổ”.

Một người hàng xóm (không nêu tên) của Đạt chia sẻ.
Với mong muốn mong sớm chữa khỏi được bệnh hiểm nghèo và thực hiện được ước mơ của mình, hiện nay, Hoàng Đạt và gia đình đang rất mong nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ lòng hảo tâm của các quý vị độc giả.

Mọi sự giúp đỡ Hoàng Đạt xin gửi về địa chỉ: Hoàng Đạt quê ở thôn Lỗ Khê - Xã Liên Hà – H. Đông Anh – TP Hà Nội, hoặc liên hệ qua Báo Giáo dục Việt Nam theo số điện thoại đường dây nóng: 0938 766 888, mail: toasoan@giaoduc.net.vn
Xuân Trung