Dự thảo Nghị định về Luật Giáo dục đại học có vùng xám, vận dụng sẽ tùy tiện

04/11/2019 06:28
Tùng Dương
(GDVN) - Nhiều khoảng hở như vậy, lẽ ra Dự thảo này phải lấp kín hoặc giải thích cho rõ thì lại không làm, đây là những chỗ cốt tử để cho Hội đồng trường có thực quyền.

Ngày 28/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm: “Rào cản tự chủ Đại học trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học”.

Tới dự Tọa đàm có Giáo sư Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Giáo sư Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cùng nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, tham dự và đưa tin.

Video: Giáo sư Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này.

Giáo sư Lê Vinh Danh, góp ý:

"Hiện nay có không ít bộ không muốn buông công việc và cũng không muốn thực hiện theo Luật này. Khi mà bộ ngành và tương đương có thể làm việc đó một cách tùy tiện, thậm chí làm sai cả Luật mà vẫn ký ban hành thì rõ ràng là những Luật như Luật Giáo dục này không thể đi vào thực tế được. Thậm chí tình trạng này kéo dài một cách phổ biến thì Nghị quyết 19 này sẽ phá sản.

Trong điểm thứ 9: Hội đồng trường quyết định chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển trường đại học, chính sách học phí, phê duyệt kế hoạch tài chính thông qua báo cáo tài chính hàng năm.

Như vậy có nghĩa là dự toán, quyết toán đều do Hội đồng trường phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn đều thuộc thẩm quyền trường đại học và cũng là Hội đồng trường.

Vậy việc này phải được đưa vào đây giải thích, dự toán, quyết toán đều do Hội đồng trường phê duyệt, cái này người làm dự thảo phải hiểu rằng nó đang có mâu thuẫn với Luật Kiểm toán.

Hai đối tượng mất đặc quyền, không muốn trường đại học tự chủ
Hai đối tượng mất đặc quyền, không muốn trường đại học tự chủ

Luật Kế toán, Kiểm toán là: Trường công thì cơ quan chủ quản duyệt dự toán và quyết toán, bây giờ được giao cho Hội đồng trường mà không hề giải thích rõ việc dự toán và quyết toán, mà chỉ ghi chung chung phê duyệt kế hoạch tài chính và thông qua báo cáo tài chính hàng năm.

Như vậy là cơ quan chủ quản họ nói đưa hết ra đây cho họ duyệt và phê chuẩn. Đây là một bước cải cách tiến bộ thì phải làm tiến bộ cho hết, cứ làm nửa vời như vậy thì lại khổ các trường, lại phải theo Luật kế toán và kiểm toán, đưa ra cho cơ quan chủ quản phê chuẩn.

Quyết định chủ trương đầu tư và tài sản giá trị lớn thuộc thẩm quyền trường đại học, vậy quyết định như thế nào, chủ trương đầu tư, dự án đầu tư là do ai quyết định?

Như hiện nay việc đầu tư của trường tôi trong 22 năm qua đã rất thành công và có hiệu quả nên mới tạo ra ngôi trường như vậy, một ngôi trường không hề nhận ngân sách hay khoản chi gì từ Công đoàn. Như vậy có thể nói cách quyết định chủ trương đầu tư và dự án đầu tư của trường phải có tính ưu việt và hiệu quả.

Suốt 22 năm qua không ai nói gì hết, giờ lại áp Luật Đầu tư công vào, vì chúng ta để vùng “mờ” trong Luật, không có giải thích.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Giáo dục Đại học vừa thừa vừa thiếu

Dự thảo Nghị định nếu không sửa sẽ bó các trường đại học ghê gớm

Những con số thiếu cơ sở khoa học trong 1 Dự thảo Nghị định

Hội đồng trường bầu “theo quy hoạch” của cơ quan chủ quản, còn gì quyền tự chủ?

Bây giờ Hội đồng trường quyết định chủ trương đầu tư, vậy thì dự án đầu tư là như thế nào? Đã cho phép Hội đồng trường được sử dụng cả tài sản lớn có giá trị thuộc trường, vậy thì dự án đầu tư rất là nhỏ.

Nhưng vì không giải thích rõ nên cơ quan chủ quản nói: Đầu tư dài hạn, trung hạn, dự án hàng năm phải mang ra đây cho tôi duyệt, vậy là mắc rồi và hiện nay Trường Đại học Tôn Đức Thắng đạng bị như vậy.

Về cơ chế bầu Hội đồng trường thì có nói là bầu quá bán, vậy quá bán là như thế nào?

Còn ở đoạn dưới thì lại viết: Thành viên Hội đồng trường bao gồm giảng viên chiếm tỷ lệ tối thiểu 23% tổng số thành viên của Hội đồng trường, đại diện viên chức và người lao động chiếm tối thiểu 25%, thành viên ngoài trường đại học chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% thành viên Hội đồng trường, bao gồm cơ quan quản lý có thẩm quyền, cộng đồng xã hội…

Luật chỉ đưa ra con số tối thiểu, Luật viết như vậy thì được nhưng đến Dự thảo thì cần phải đưa ra con số khung, tức là tối thiểu và tối đa.

Nếu không đưa ra con số khung thì cơ quan chủ quản sẽ quyết, và họ quyết như thế nào? Họ quyết thành viên bao gồm đại diện giảng viên, viên chức, nghiên cứu viên, đại diện người lao động là 26,7%, cao hơn 25% có 1,7.

Nhưng thành viên ngoài trường tối thiểu là 30% thì họ lại quyết tới 49%, điều này xảy ra vì Luật không có ghi mức trần, chỉ nói chung như vậy.

Đáng lẽ Dự thảo phải nói rõ tối thiểu là 25%, nhưng tối đa là bao nhiêu? Ông ngoài trường tối thiểu 30% nhưng tối đa là bao nhiêu? Nếu không tối đa, người ta để lên 70 - 80% thì sao? Tới lúc này câu chuyện của trường do người bên ngoài quyết hết, chứ trường đâu có quyết được.

Xóa cơ chế chủ quản phải đấu tranh lâu dài, vì dịch chuyển quyền lực không dễ
Xóa cơ chế chủ quản phải đấu tranh lâu dài, vì dịch chuyển quyền lực không dễ

Nhiều những khoảng hở như vậy, lẽ ra Dự thảo này phải lấp kín hoặc giải thích cho rõ thì lại không làm, đây là những chỗ cốt tử để cho Hội đồng trường có thực quyền.

Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng, trong Luật ghi rất rõ là độ tuổi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường theo quy định của pháp luật, nhưng từ Phó hiệu trưởng thì Luật không có quy định, Luật không dùng câu độ tuổi bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

Vậy có nghĩa là từ Phó hiệu trưởng trở xuống được sử dụng cả người ngoài tuổi và có năng lực, thực ra đây là tinh thần của Nghị quyết 19 cho phép sử dụng lao động rất linh hoạt.

Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng là ban điều hành và ban điều hành có thể đi thuê, nhưng ở đây chỉ nói Hiệu trường và Chủ tịch Hội đồng trường là độ tuổi theo quy định của pháp luật.

Ở đây Dự thảo cần phải giải thích từ Phó hiệu trưởng trở xuống là không bị ràng buộc về độ tuổi, có như vậy thì mới gọi là Dự thảo hướng dẫn.

Nếu Dự thảo không nói đến điều đó thì sẽ dẫn đến trường hợp: Đến 60 tuổi nghỉ hưu nhé, như vậy là Nghị quyết 19 coi như vô hiệu.

Tùng Dương