Tới dự Tọa đàm có Giáo sư Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Cùng nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, tham dự và đưa tin.
Video: Giáo sư Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
Giáo sư Lê Vinh Danh, nếu quan điểm:
Theo quan điểm của tôi thì chúng ta đấu tranh 2 việc, một là chúng ta phải có những kiến nghị chặt chẽ, thuyết phục đến các cấp cao nhất có thể, vì chỉ có cấp cao nhất mới chỉ đạo được các cấp Bộ, ngành tương đương những điều họ phải làm.
Điểm thứ 2, chúng ta cũng phải bàn một cách trực tiếp vào những văn bản, nghị định, bởi những văn bản này khi ban hành ra nó sẽ trói các trường đại học rất nhiều, đó là hiện trạng thực tế hiện nay của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, điều đó cũng xuất phát từ chỗ chúng ta không nói rõ ở điểm này.
Điểm thứ 6: Cuối mỗi nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng trường chỉ đạo thực hiện quy trình lập Hội đồng trường ở nhiệm kỳ kế tiếp theo quy định pháp luật, và quy chế tổ chức hoạt động của trường đại học.
Việc chúng ta đưa thêm chữ "theo quy định pháp luật", lập tức có thể tạo ra sự diễn giải là theo quy định pháp luật nào? Bởi trong Luật người ta ghi rõ là quy chế tổ chức hoạt động của trường đại học.
Như vậy quy chế của Hội đồng trường chính là quy phạm pháp luật, một quy phạm pháp luật nhỏ của trường. Bây giờ lại thêm chữ "theo quy định của pháp luật", như vậy nếu lỡ quy định của pháp luật mâu thuẫn với Luật Giáo dục Đại học sửa đổi này hoặc mâu thuẫn với chính quy chế thì chúng ta phải làm sao?
Cách viết ghép như vậy, tưởng là an toàn cho người viết để không ai cãi được và dễ ban hành nhưng, thực ra khi đi vào thực tế nó không có hiệu quả, sẽ gây tranh cãi.
Điểm thứ 7: (Thay thế thành viên Hội đồng trường) Ở đây chúng ta quy định là thay thế phải phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp quy chế hoạt động của trường đại học. Lại thêm lần nữa có chữ "theo quy định của pháp luật".
Thay thế thành viên, những cái gì nó thuộc về thẩm quyền của Hội đồng trường, thì thành viên đó không cần cơ quan quản lý trực tiếp công nhận, do vậy chỉ cần nằm trong quy chế tổ chức và hoạt động đã được thể hiện, công khai minh bạch trong quy chế hoạt động là đủ.
Nhưng ở đây có thêm chữ "theo quy định của pháp luật", là lập tức tạo ra vùng “mờ” gây tranh cãi. Rồi sẽ có những cơ quan người ta dẫn các quy định pháp luật không ăn nhập vào đâu so với Luật 34, hoặc là quy chế để làm khó nhà trường.
Từ trên xuống dưới, Dự thảo chỗ dùng từ "cơ quan quản lý trực tiếp", nhưng đến trang 7 này thì lại dùng từ "cơ quan quản lý có thẩm quyền". Như vậy tôi không hiểu chỗ nào là cơ quan quản lý có thẩm quyền và chỗ nào là cơ quan quản lý trực tiếp?
Cả hai câu đó đều có trong một Dự thảo, mà đây là Dự thảo mới nhất đã trình lên Văn phòng Chính phủ, trong cùng một Văn bản thôi mà đã không thống nhất.
Điều 9: Khi nói đến thủ tục miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, miễn nhiệm thành viên Hội đồng trường, người ta có viết cuộc họp phải bảo đảm về tỷ lệ thành phần tham gia, tỷ lệ biểu quyết theo quy định pháp luật.
Vậy tỷ lệ biểu quyết là bao nhiêu? Như trong Luật ở đây ghi là đa số, có thể hiểu là trên 50% là được, nhưng cơ quan chủ quản của chúng tôi lại nói là trên 2/3 và như vậy là đã can thiệp vào quy định chi tiết, mặc dù ở đây người ta nói là Hội đồng trường có thể quyết định tỷ lệ biểu quyết cao hơn, thể hiện quy chế quyền của Hội đồng trường.
Nhưng nếu không giải thích rõ như vậy, thì tiếp tục quyền của Hội đồng trường sẽ bị xâm phạm.
Vậy nên Luật chỉ nói là đa số, nhưng đến Dự thảo này lẽ ra nên giải thích đa số là bao nhiêu, là 70% hay là trên 51%? Chính vì không rõ nên rất khổ cho các đơn vị thực hiện.
Điểm thứ 10: Thủ tục quyết định nhân sự Hiệu trưởng được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức hoạt động của trường Đại học, như vậy ở trên thì nói "theo quy định của pháp luật" rồi mới đến quy chế, ở dưới thì lại bỏ, không có "quy định pháp luật" nào nữa. Như vậy là trong một Văn bản đã có mâu thuẫn.
Khi nói đến thủ tục quyết định nhân sự Hiệu trưởng thì ở đây thủ tục là cái gì? Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến chữ thủ tục không thôi mà không giải thích, thì dễ hiểu lầm thủ tục là biểu mẫu, tức là các mẫu giấy tờ thế này, thế kia, còn quy hoạch quy trình là của chúng tôi, như vậy trường sẽ rất khó.