Hai đối tượng mất đặc quyền, không muốn trường đại học tự chủ

30/10/2019 06:49
Tùng Dương
(GDVN) - Thành lập Hội đồng trường thì phải chuyển cái quyền đó cho Hội đồng trường, Bộ chủ quản, Hiệu trưởng mất quyền xin cho, như vậy thì không ai muốn.

Ngày 28/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm: “Rào cản tự chủ đại học trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học”.

Tới dự Tọa đàm Giáo sư Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo sư Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Cùng nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, tham dự và đưa tin.

Video: Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo,tới dự và chia sẻ quan điểm về: Trao quyền tự chủ cho các trường Đại học.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ: "Về cơ bản, chúng tôi mong muốn Luật Giáo dục và đặc biệt là Luật Giáo dục Đại học này cần được chỉnh sửa nhiều hơn.

Luật Giáo dục Đại học 2012 có quá nhiều khiếm khuyết, để có thể giải phóng cho các trường phát triển được, thì tôi thấy có nhiều điều khoản trong Luật đó cần được sửa.

Một logic tất yếu là khi đã trao quyền tự chủ cho các trường Đại học, vậy vấn đề ở đây là ai trao và ai nhận?

Vấn đề trao nhận này ta thấy có cái vướng. Đối với trường đại học công lập thì nhà Nhà nước trao, mà lâu nay Nhà nước ủy quyền cho bộ chủ quản, các cơ quan chủ quản.

Vậy các cơ quan chủ quản phải sẵn sàng tự nguyện bỏ quyền của mình lâu nay có,  để mà nhường cái quyền đó chuyển giao cho các trường, đó mới gọi là trao.

Nếu như các cơ quan chủ quản vẫn giữ quyền của mình như hiện nay thì làm sao mà gọi là trao được?.

Vấn đề thứ 2 là trao quyền đó cho ai? Đây không phải là trao cho cá nhân một ông Hiệu trưởng, mà đây là trao cho Hội đồng trường, cho nên vấn đề làm rõ vai trò, tạo quyền lực thực sự cho Hội đồng trường nó như thế nào? Đó là vấn đề rất quan trọng.

Tôi đã đến khá nhiều trường đại học, các hiệu trưởng đều nói: hội đồng trường chẳng có tác dụng gì, vậy nên tốt nhất là mấy ông ở hội đồng trường cứ ngồi đấy, không phải làm việc, có gì chúng tôi sẽ trao đổi.

Chưa nói đến việc có khá nhiều trường thì hiệu trưởng lại có quyền đứng ra thành lập hội đồng trường, và chọn những người theo “phe” mình tham gia vào hội đồng trường, vậy hội đồng ăn theo?

Hội đồng trường có trong Luật Giáo dục từ năm 2005 đã nói rồi, nhưng chúng ta thấy cho đến thời gian gần đây, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chỉ có khoảng 30% các trường có hội đồng trường, mà những hội đồng trường đó không có thực quyền.

Trong một cuộc họp tại văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nói: Tại sao Luật Giáo dục Đại học có nói là phải thành lập hội đồng trường, nhưng tại sao các trường không thành lập?

Việc này cũng không thấy ai nhắc nhở, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không nhắc nhở?

Những điều đó đã được khẳng định trong Luật Giáo dục, vậy nếu trường nào không thực hiện việc đó thì phải bị xử lý nghiêm túc.

Tôi thấy thực trạng hiện nay nếu có thành lập hội đồng trường thì cũng chỉ là danh nghĩa thôi.

Phó Thủ tướng có đặt câu hỏi: Tại sao lại như vậy và để tình trạng đó kéo dài lâu thế?

Trả lời Phó Thủ tướng, tôi nói rằng: Tôi chỉ nói các trường công lập, nếu thấy xuất hiện hội đồng trường thì sợ là mất quyền, cái thứ nhất là bộ chủ quản và cơ quan chủ quản.

Bởi nếu thành lập hội đồng trường thì phải chuyển cái quyền đó cho hội đồng trường, vậy thì chủ quản mất cái quyền đó, quyền xin cho. Vì vậy cơ quan chủ quản không muốn.

Người thứ 2 mất quyền đó chính là ông hiệu trưởng nhà trường, nếu theo cơ chế độc quyền thì trên là cơ quan chủ quản, dưới là hiệu trưởng.

Nếu hội đồng trường là một tổ chức quyền lực thực sự, có quyền tuyển chọn, quyền bãi miễn hiệu trưởng thì chắc chắn hiệu trưởng sẽ không thích.

Chính vì 2 lý do như trên, cho nên hội đồng trường có cũng như không. Vậy rõ ràng chính sách, chủ trương trao quyền tự chủ cho các trường đại học thì chỉ có ý nghĩa danh nghĩa thôi, không đi được vào cuộc sống là vì vậy.

Tùng Dương