Được học trên xe sang chắc gì ra trường đã sửa được các bệnh của xe sang?

05/04/2021 06:38
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc học trên xe tiên tiến không hoàn toàn phản ánh được tay nghề thực sự của sinh viên đó sau khi ra trường.

Mới đây, một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn mua hẳn một chiếc ô tô điện siêu sang của hãng Tesla nổi tiếng toàn cầu về chỉ để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy cho sinh viên.

Sau sự việc này, đã có không ít ý kiến trái chiều bàn luận. Nhiều người cho rằng, việc làm này thể hiện cho sự đổi mới, phù hợp với xu hướng ngành nghề của sinh viên sau khi ra trường trong tương lai.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc các trường có điều kiện đầu tư cho sinh viên học tập, nghiên cứu trên những sản phẩm đắt tiền là tốt. Nhưng trên thực tế, dù sinh viên được học trên các mô hình như vậy ở trong các trường nghề, cũng chưa hẳn đã bổ trợ tốt kinh nghiệm và đánh giá được thực chất tay nghề của các bạn đó sau khi ra trường.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, anh Hoàng Trọng Kiên, Giám đốc Gara sửa chữa và độ xe ô tô Việt Thái (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết:

“Bản thân tôi trước đây cũng theo học đại học. Tuy nhiên, dù ở trường có đào tạo bài bản và được học với những mô hình máy móc khác nhau nhưng đến khi ra trường, bước vào lập nghiệp mới thấy mình còn cần phải bổ sung rất nhiều.

Hiểu nôm na là dù có được trải nghiệm thực tế, đầy đủ các mô hình hoặc được học với những dòng xe đời mới, đắt tiền đi nữa thì trong thế giới của xe ô tô mỗi dòng xe lại có những đặc điểm khác nhau, không hãng nào giống với hãng nào. Một kiến thức chung tổng quan được học không thể áp dụng được hết vào thực hành được.

Vì thế, dù sinh viên đó có tốt nghiệp bằng đại học về kỹ thuật sửa chữa ô tô, nhưng khi vào công ty để làm việc thì bắt buộc chúng tôi vẫn phải đào tạo cho các bạn đó lại từ ban đầu. Bạn nào có tư duy và nhạy bén nghề nghiệp thì ít nhất cũng phải mất 3 năm sau mới có thể trở thành một người thợ có tay nghề.

Khi ấy, các ông chủ mới hoàn toàn yên tâm giao hẳn một chiếc xe của khách cho các bạn ấy xử lý. Bởi, có một số dòng xe đắt tiền, trong quá trình sửa chữa nếu làm hỏng thêm thứ khác rất có thể khoản tiền bạn ấy đền bù cho khách là cả một hoặc vài tháng lương.

Không những thế, tay nghề khi ra trường của một sinh viên nó khác hoàn toàn với tay nghề của một người thợ có được khi trải nghiệm thực tế.

Đơn cử như vấn đề về điện ô tô cũng đã có rất nhiều vấn đề hỏng hóc có thể xảy ra mà có thể trên trường các bạn chưa được biết tới.

Trên thực tế hiện nay, nhiều hãng xe ô tô nhà sản xuất hệ thống điện body, điện điều khiển được lập trình khác nhau so với các dòng xe truyền thống nên khi đấu nối, chỉ có những tay thợ đã “kinh” qua những dòng xe như vậy mới nắm bắt được nguyên do vì đâu.

Ngành kỹ thuật về ô tô là một ngành đặc thù mà yêu cầu người thợ đó phải có được những kinh nghiệm thực tế.

Từ việc học trên các mô hình trên lớp với chuyện bắt tay vào sửa chữa trong thực tế trên các dòng xe ngoài thị trường là hai cái hoàn toàn cách xa nhau.

Những kiến thức khi các bạn sinh viên được học trên trường hầu hết chúng mang tính tổng quan, nguyên lý chứ không chú trọng vào chi tiết sửa chữa từng căn bệnh có thể xảy ra với từng loại xe ô tô nói riêng”.

Anh Hoàng Trọng Kiên, Giám đốc Gara sửa chữa và độ xe ô tô Việt Thái. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Hoàng Trọng Kiên, Giám đốc Gara sửa chữa và độ xe ô tô Việt Thái. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nêu đánh giá về khả năng tích luỹ kinh nghiệm của các sinh viên khi được học với một mô hình hiện đại, anh Kiên chia sẻ: “Việc một trường đại học nào đó trong Thành phố Hồ Chí Minh mạnh tay chi tiền tỉ sắm xe sang về cho sinh viên nghiên cứu là điều tốt.

Tuy nhiên, học trên xe tiên tiến không hoàn toàn phản ánh được tay nghề thực tế của sinh viên đó sau khi ra trường.

Khi vào làm việc tại một xưởng sửa chữa ô tô, nó còn nhiều vấn đề nữa mà sinh viên đó cần phải được bổ túc, chưa kể nếu làm việc với những ông chủ muốn giấu nghề, thì vốn kiến thức bổ túc lại còn xa vời hơn.

Mặt khác, với một số dòng xe sang, khi đã qua quá trình vận hành chúng có thể sinh ra rất nhiều căn bệnh khác nhau chứ không riêng gì những lỗi phổ biến mà các sinh viên được học”.

Để có góc độ khác hơn về kinh nghiệm sửa chữa ô tô và những điều học ở nhà trường, chúng tôi đã trao đổi với bạn Lê Tuấn Anh, là một sinh viên vừa mới tốt nghiệp khoa công nghệ ô tô của một trường đại học ở Hà Nội.

Tuấn Anh đang xin làm thợ phụ tại một xưởng sửa chữa ô tô gần trường để nâng cao tay nghề trong thời gian chờ lấy bằng tốt nghiệp.

Tuấn Anh chia sẻ: “Để nói thực chất về khả năng làm việc độc lập của một sinh viên học chuyên ngành về sữa chữa ô tô ngay sau khi vừa ra trường thì rất là khó. Chính bản thân em cũng đã từng trải qua thời gian như thế.

Một phần nguyên do có thể nói đến là trong thời gian học tập ở trường phần lớn các sinh viên chỉ chuyên sâu vào lý thuyết, mà các khả năng hỏng hóc có thể xảy đến trên các dòng xe thì có cả trăm nghìn trường hợp.

Trong một chiếc xe ô tô thông thường có đến 20.000 bộ phận, để nhớ được cái đó đã là một quá trình rồi.

Thậm chí nhiều “căn bệnh” của xe xảy ra trong thực tế, có thể lúc học trên trường các sinh viên như em cũng chưa hề được các giáo viên đề cập tới.

Vì thế, đa phần sinh viên sau khi ra trường vào làm việc tại các cơ sở sửa chữa ô tô cũng đều phải bổ túc lại hoàn toàn.

Theo em, với tình hình hiện tại ở nước ta khi mức độ phổ biến của dòng xe điện là rất ít, đồng nghĩa với việc những kiến thức các em được học sau khi ra trường cũng chỉ để đấy, đợi đến lúc dòng xe điện trở nên phổ thông ở nước ta cũng có thể mất cả một thời gian dài nữa. Qua năm tháng sinh viên sẽ dễ bị quên lãng kiến thức đã được học.

Tất nhiên, trong quá trình đào tạo ở bất cứ một trường nghề nào thì sinh viên ngoài nghiên cứu về dòng xe ô tô điện như đã nói, các bạn vẫn được học những kiến thức về các xe chạy nguyên liệu truyền thống như xăng hay dầu.

Nhưng việc truyền thụ kiến thức cho sinh viên để sau khi ra trường các bạn chưa có nhiều điều kiện để áp dụng ngay vào thực tế, dẫn đến tình trạng bỏ quên kiến thức, điều này là đang lãng phí thời gian và công sức”.

Trung Dũng