Trường cao đẳng nghề duy nhất đào tạo môn Chạm khắc đá và Sơn mài khảm trai

20/03/2021 06:01
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có duy nhất Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định mới đào tạo hai môn Kỹ năng sơn mài khảm trai và Điêu khắc đá.

Các tác phẩm bằng đá trong cụm khu di tích đền Trần (Nam Định) hay 500 bức tượng đá La Hán chùa Bái Đính (Ninh Bình) là những tác phẩm của các nghệ nhân Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định tạo ra.

Tiếp tục truyền lửa cho bộ môn truyền thống

Tiếp chúng tôi trong phòng họp lớn thơm nức mùi gỗ, trước khi chia sẻ những khó khăn cũng như thành quả có được trong quá trình đào tạo các bộ môn Mỹ nghệ nói chung và các môn có “một không hai” của Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định nói riêng, thầy Trần Phú Thuần – Phó Khoa Đào tạo nghề tự hào cho chúng tôi biết, toàn bộ các sản phẩm từ bàn ghế, tranh gỗ, đá trong phòng họp này đều là “của nhà làm ra”.

Quan sát kỹ chúng tôi mới thấy, những sản phẩm bằng tay đó nó sắc sảo và tỉ mỉ bao nhiêu, càng cảm phục hơn nữa bàn tay, khối óc của những nghệ nhân nơi đây bấy nhiêu.

Trong thời đại hiện nay, khi công nghệ điêu khắc bằng máy móc công nghệ cao đã dần thay thế bàn tay của con người thì càng trân quý những giáo viên là nghệ nhân của môn nghệ thuật truyền thống.

Thầy Thuần cho biết: “Khoa đào tạo nghề Mỹ nghệ ra đời từ năm 1998. Không giống với các trường nghề khác, ngoài những môn cơ bản trong ngành xây dựng thì bộ môn về Kỹ năng sơn mài khảm trai và Điêu khắc đá thì không trường cao đẳng nghề nào có.

Hiện tại, toàn quốc chỉ có ở Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định mới đào tạo hai môn này”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai môn mà thầy Thuần nói đến được xếp vào hạng truyền thống và có khả năng mai một, nên nó không chỉ “kén” học viên mà nó còn “kén” cả giáo viên nữa.

Tuy nhiên, khi đề cập về nguồn giáo viên giảng dạy những bộ môn này, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ bởi nơi đây còn là cái nôi đào tạo ra nhân lực giảng dạy.

Thầy Trần Phú Thuần – Phó Khoa Đào tạo nghề, Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định giới thiệu cho phóng viên về mô hình của một môn học mà không nơi đâu có. Ảnh: Trung Dũng

Thầy Trần Phú Thuần – Phó Khoa Đào tạo nghề, Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định giới thiệu cho phóng viên về mô hình của một môn học mà không nơi đâu có. Ảnh: Trung Dũng

Không giấu niềm tự hào, thầy Thuần chia sẻ: “Về nguồn nhân lực thì nhà trường luôn sẵn có, bởi lực lượng này chúng tôi có thể tạo dựng được và luôn đảm nhiệm tốt nhiệm vụ giảng dạy cho nhà trường.

Các lứa thế hệ giáo viên cứ thế nối tiếp nhau, cơ bản là từ thế hệ đầu tiên chúng tôi đã có những thầy cô dày dặn kinh nghiệm.

Những thầy cô, nghệ nhân này tiếp tục được học nâng cao tay nghề tại trường Đại học Mỹ thuật, Kiến trúc.

Sau đó, họ lại về truyền thụ cho các học viên ưu tú, những người nào muốn tiếp tục cống hiến thì ở lại giảng dạy cho nhà trường, còn không nếu ra ngoài bươn chải thì hiện giờ họ cũng trở thành các ông chủ lớn hết.

Còn đối với các sinh viên khi được đào tạo ở Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định ra, cơ bản là họ vẫn duy trì được các ngành nghề mà chúng tôi đã đào tạo cho các em ấy, điều này một phần nào an ủi được chúng tôi và các nghệ nhân trong quá trình giữ lửa cho những môn nghệ thuật truyền thống.

Một điều tự hào nữa mà chúng tôi cũng cần phải nói đến, đó là sau khi đã tốt nghiệp và ra trường thì với trình độ của một lao động có kỹ thuật, cho dù là cùng một chuyên môn nhưng lương của các em được đánh giá là nổi trội hơn hẳn so với các bạn khác được đào tạo từ các cơ sở dạy nghề bình thường.

Bởi ở đây các em không chỉ được học về khả năng thực hành thành thạo mà các em cũng có được những vốn kiến thức chuyên sâu nhất định về nghề.

Nói tóm lại, với bộ môn thiên về góc nhìn nghệ thuật thì ngoài cái nhìn khách quan bên ngoài, vẫn cần có cái cốt lõi về kỹ thuật, để khi ra đời các em có thể tự đánh giá được độ thẩm mỹ nhưng cũng đảm bảo được các yêu cầu về kỹ thuật”.

Bục giảng ở đây thay vì bảng đen, phấn trắng sẽ là những mẫu sản phẩm của bộ môn Mỹ nghệ truyền thống. Ảnh: Trung Dũng

Bục giảng ở đây thay vì bảng đen, phấn trắng sẽ là những mẫu sản phẩm của bộ môn Mỹ nghệ truyền thống. Ảnh: Trung Dũng

Cách đào tạo kiểu “lội ngược dòng” nhưng đầy hiệu quả

Bao lâu nay, khi nhắc đến các bộ môn truyền thống chúng ta dễ nhận ra rằng các học viên cũng không mấy hào hứng tham gia.

Ngoại trừ những em có sở thích đặc biệt, đam mê từ nhỏ hoặc là có người trong gia đình từng làm thì mới tạo được tiền đề để những em đó theo học.

Tuy nhiên, để đem lại hứng thú cho các học viên, Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định đang có những đổi mới sáng tạo và cách làm “không giống ai”.

Cụ thể là trong chương trình đào tạo, nhà trường đưa ra một môn học dành riêng cho ngôn ngữ nghề Mỹ thuật.

Đặc biệt, với bộ môn này các giảng viên, nghệ nhân không hoàn toàn bê nguyên những kiến thức có được từ các trường dạy nâng cao mà đưa ra những phương án thích hợp vào bài giảng để trong lúc học các em không thấy nhàm chán.

Sau khi học lý thuyết các học viên được thực hành ngay trong xưởng sản xuất của nhà trường. Ảnh: Trung Dũng

Sau khi học lý thuyết các học viên được thực hành ngay trong xưởng sản xuất của nhà trường. Ảnh: Trung Dũng

Nói về điều này, thầy Thuần chia sẻ thêm: “Một điểm đặc biệt nữa trong chương trình đào tạo của chúng tôi đó là việc đào tạo theo lối ngược lại với các trường nghề khác.

Ngược lại với các trường khác nghĩa là, thông thường quá trình tuyển sinh với các môn mỹ nghệ buộc các sinh viên thi vào phải trải qua bộ môn năng khiếu.

Qua kết quả chấm thi thì mới chọn được những sinh viên có chất lượng, đảm bảo cho quá trình đào tạo.

Việc này buộc các em trước khi vào theo học ở một cơ sở đào tạo nghề nào cũng phải rèn luyện được các kỹ năng với bộ môn.

Việc này có nghĩa là các em phải làm cái khó trước rồi vào trường mới làm cái dễ sau.

Tuy nhiên, với Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định chúng tôi đang đi từ dễ đến khó.

Cụ thể, khi căn cứ theo nguyện vọng, xác định được sinh viên có hứng thú, đam mê với nghề chúng tôi sẽ nhận các em vào đào tạo từ lúc trong đầu các em chưa có chút chuyên môn nào với nghề.

Sinh viên mới vào trường, các em sẽ làm quen từ những hình khối cơ bản cho đến khi các em có thể tự mình vẽ được các hoạ tiết.

Tất nhiên, để có được những bước tiến bộ đó các em phải trải qua một thời gian khổ luyện đủ dài.

Riêng với chúng tôi, dù các em không có năng khiếu nhưng nếu nhạy bén nắm bắt, biết cách sao chép lại các họa tiết là đã khẳng định phần nào độ thành thạo của các em đó”.

Khi nói về thương hiệu đặc trưng của những môn có “một không hai” mà nhà trường đang đào tạo, nhiều giáo viên trong trường nhiều khi còn trêu đùa với nhau rằng, nếu đi trên đường bắt gặp một tác phẩm mỹ nghệ nào đó, chỉ cần nhìn qua đường nét là có thể đoán định được tác phẩm đó có phải là sinh viên của trường mình thi công hay không.

Bởi các tác phẩm của sinh viên của trường này làm ra, từ phù điêu cho đến các linh vật chúng đều có hồn và tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Thầy Thuần cho biết thêm: “Để các sinh viên an tâm theo học, Ban giám hiệu nhà trường cũng tạo mọi điều kiện để có thể hỗ trợ về tài chính cho các bạn đó.

Ngoài các khoản học bổng trao cho các sinh viên có thành tích xuất sắc, chúng tôi cũng miễn giảm hoàn toàn học phí cho những sinh viên theo học các môn thuộc bộ môn mỹ nghệ này.

Cũng từ những chính sách đó, khoa đào tạo nghề đã tạo ra những lứa sinh viên có tâm.

Kết quả là nhiều công trình xã hội có sử dụng những sản phẩm mỹ nghệ của chúng tôi đều được công nhận và đánh giá cao.

Đặc biệt là các dự án trùng tu di tích có sử dụng các sản phẩm mỹ nghệ truyền thống như: Cụm công trình, khu di tích tâm linh đền Trần (Nam Định), 500 bức tượng La Hán bằng đá ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), một số hạng mục của chùa Tháp (Nam Định)..v.v.”.

Trung Dũng