Giảng viên ĐH SP Hà Nội: Đề Hóa nhiều lý thuyết và tính toán đơn giản

05/07/2012 13:00
Đỗ Quyên (ghi)
(GDVN) - Ngay sau kết thúc buổi thi môn Hóa tại kỳ thi ĐH, CĐ 2012, thí sinh bước ra khỏi phòng thi trong tâm trạng hưng phấn. PV Báo Giáo dục Việt Nam ghi lại nhận xét của Ths. Trương Minh Lương - Giảng viên Khoa Hóa, ĐH Sư Phạm Hà Nội.
Đề môn Hóa học khối A năm nay tương đương với đề năm ngoái. Tuy nhiên, số lượng thí sinh đạt điểm từ trung bình từ 5-6 điểm sẽ tăng lên vì số lượng câu lý thuyết và những câu tính toán đơn giản tăng lên, nhưng để đạt điểm 9-10 cũng không nhiều. Do đó, các thí sinh không nên lo lắng quá nhiều.
Đề năm nay có sự cân bằng giữa lý thuyết và bài tập, do đó học sinh học chắc lý thuyết có thể coi đây là một đề tương đối dễ. Trong đó có 2 câu lý thuyết trùng với đề năm ngoái là câu 38 và câu 46 của mã đề 913.

Đề năm nay có một đặc điểm tương đối khác so với đề mọi năm là không có dạng bài kim loại hoặc hợp chất của kim loại tác dụng với axit có tính oxi hóa mạnh.

Thí sinh này cười tít mắt vì làm được bài (Ảnh: Dương Cầm)
Thí sinh này cười tít mắt vì làm được bài (Ảnh: Dương Cầm)

Xem đáp án môn Vật lí - Xem đáp án môn Toán - Xem đáp án môn Hóa - Xem đáp án môn Ngoại ngữ Khối A1
CHÙM ẢNH: SĨ TỬ CƯỜI TOE TOÉT SAU MÔN THI HÓA
CON THI VỚI BẠN, CHA THI VỚI TRỜI

Đề có sự phân bố đồng đều về kiến thức Hóa học THPT ở cả 3 khối lớp 10, 11, 12.

Về phần bài tập, có những câu có tính phân loại học sinh cao như: câu 2, câu 27, câu 33, câu 36. Phần tính toán dài và cần thí sinh cẩn thận hơn so với năm ngoái: câu 18, câu 33, câu 39.

Đề bám sát chương trình SGK. Tuy nhiên, phần lý thuyết cũng có liên hệ vận dụng với thực tế, như câu 25, câu 27. Có 1 câu vận dụng kiến thức ngoài SGK đó là câu 14 (Na2S2O3 + dung dịch H2SO4 (loãng) ), nội dung kiến thức này chỉ có học sinh chuyên mới nắm được.

Có 1 số câu có trong đề thi thử của 1 số trường: câu 11, câu 22, câu 56, câu 58 khiến cho học sinh cảm thấy quen thuộc, không mất nhiều thời gian làm bài.

Có 1 số câu lý thuyết đòi hỏi học sinh phải nắm thật vững lý thuyết:

Câu 5 đòi hỏi học sinh phải nắm vững tính chất vật lý của các amin no mạch hở: trạng thái, mùi và tính tan của muối amoni; và tính chất hóa học của các dipeptit và tripeptit.

Câu 40, học sinh cần phải đọc kỹ đề khi làm bài. Yêu cầu của đề là tìm “tổng số hạt mang điện trong nguyên tử R” nhưng có thể học sinh mới chỉ tìm ra số p mà đã khoanh đáp án. 

Câu 25 học sinh phải nắm vững toàn bộ tính chất vật lý, bản chất hóa học (nguyên tử H của vòng benzen trong phenol dễ bị thay thế hơn trong benzen) và cả ứng dụng của phenol.
Ths. Trương Minh Lương
Đỗ Quyên (ghi)