"Giáo dục Hà Nội như một quốc gia thu nhỏ"

12/08/2014 15:24
Xuân Trung
(GDVN) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ, giáo dục Hà Nội cần phải đi trước một bước, đặc biệt về Ngoại ngữ và Tin học.

Sáng nay (12/8), Sở GD&ĐT Hà Nội tiến hành tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã thông tin tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận một số nội dung mà ngành giáo dục thủ đô đã đạt được, những điều còn vướng mắc và tiếp tục triển khai trong năm học này.

Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Sở cho hay, trong năm học 2013-2014 vừa qua thực hiện nhiệm vụ các cấp học cho thấy ở cấp mầm non chất lượng nuôi dạy trẻ được nâng cao. Đặc biệt Hà Nội là địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi về đích trước kế hoạch (được công nhận tháng 12/2013). 

"Giáo dục Hà Nội như một quốc gia thu nhỏ" ảnh 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Các cấp học khác như THPT  năm vừa qua có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp  rất cao (98,54%). Một năm mà Hà Nội “bội thu” huy chương quốc tế ở các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Tin học, tiếng Nga…

Tuy nhiên, giáo dục Hà Nội còn một số hạn chế cơ bản như cơ cấu giáo viên chưa đồng bộ, chất lượng chưa đều, quản lý chưa đạt yêu cầu, vẫn còn tình trạng thu chi, tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Đặc biệt tỷ lệ học sinh trên lớp ở một số quận nội thành còn cao hơn quy định…

Bà Nga cũng cho biết, mục tiêu trong năm học mới sẽ đạt 35% ở tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học nhà trẻ, bậc mẫu giáo đạt 95%, giảm tỷ lệ mầm non suy dinh dưỡng xuống dưới 7%. Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt trên 90% vào năm 2015…

Trao đổi với  thầy cô giáo của Hà Nội, ông Phạm Vũ Luận cảm ơn những đóng góp của thầy cô Thủ đô cho ngành giáo dục nói chung. Quy mô giáo dục của Hà Nội có thể nói là lớn nhất cả nước nhưng không thuần nhất, có khu vực phát triển những cũng có nơi vùng sâu và dân tộc. Chính vì vậy giáo dục Hà Nội được ông Luận ví như một quốc gia thu nhỏ.

"Giáo dục Hà Nội như một quốc gia thu nhỏ" ảnh 2

Những học sinh đạt giải Olympic quốc tế được lãnh đạo Hà Nội và Bộ GD&ĐT tặng bằng khen. Ảnh Xuân Trung

Chất lượng giáo dục thủ đô năm qua đã góp phần làm cho chất lượng giáo dục bình quân chung của cả nước được cải tiến. Ông Luận rất ấn tượng với việc giải quyết chế độ cho giáo viên mầm non của Hà Nội, góp phần giải quyết tình trạng chung hiện nay về chế độ cho giáo viên.

Trong thời gian tới, ông Luận khẳng định việc đổi mới giáo dục mà trước mắt là biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới sẽ quy tụ nhiều người trong hệ thống giáo viên của Hà Nội cùng tham gia, điều này lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục phát hiện những cá nhân có năng lực, nhiệt huyết cùng bộ tham gia việc chung tay đổi mới giáo dục.

"Giáo dục Hà Nội như một quốc gia thu nhỏ" ảnh 3"Không may đồng phục mới, khai giảng xong sẽ cho nghỉ học"

(GDVN) - Con không may đồng phục mới bị cô giáo dọa: "Nếu không may đồng phục mới thì khai giảng xong sẽ cho nghỉ học" - phụ huynh có con học tại Trường TH Phù Khê kể.

Chi sẻ thêm, ông Luận cũng đề cập tới việc ngành giáo dục Hà Nội trong năm học mới phải đổi mới toàn diện ở đội ngũ hiện hành. Năm qua giáo dục đã có nhiều sự đổi thay, lúc đầu cũng khiến không ít thầy cô,  trò lo lắng nhưng kết quả đạt được khá hài lòng, đặc biệt là đổi mới trong đánh giá, thi cử. Ông Luận cho biết, năm nay sẽ tiếp tục thay đổi nhưng không gây sốc, bất ngờ cho thầy cô và học sinh.

Gợi ý cho giáo dục Thủ đô trong thời gian tới phát triển hơn nữa, ông Luận cho rằng Hà Nội cần phải đi trước về một số lĩnh vực như Ngoại ngữ và Tin học. Chủ trương của bộ là không cho phép có sự chênh lệch về sự phát triển giáo dục các khu vực.

Đánh giá thêm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho hay, tồn tại lớn nhất đối với giáo dục của Hà Nội là chất lượng, chậm đổi mới về mô hình, phương thức, nội dung. Mặc dù là địa phương phát triển nhưng vẫn còn tồn tại chất lượng giữa các vùng miền, nhất là nội thành và ngoại thành.

Một dẫn chứng cho hay, số trường đạt chuẩn quốc gia nội thành ít hơn ngoại thành do tiêu chuẩn đất đai nội thành không đáp ứng được.

Để tiếp tục phát huy những thành tựu trong giáo dục ở năm học mới, ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu ngành giáo dục Thủ đô cần bám sát chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới công tác quản lý, thay đổi phương pháp  giảng dạy, coi trọng đội ngũ giáo viên. Đặc biệt tăng cường việc quản lý dạy thêm, học thêm trong toàn thành phố.

Xuân Trung