LTS: Ngày 21/12, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Tiếp cận giáo dục thông minh trong đổi mới giáo dục phổ thông” do Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức.
Tại hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các sở giáo dục địa phương về những đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông, trong đó, có quan điểm đóng góp của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong kỷ yếu hội thảo này.
Nhiều điểm mới
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chương trình hiện hành và các chương trình giáo dục phổ thông trước đây trả lời cho câu hỏi: “học xong chương trình, học sinh biết được những gì?”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới trong một buổi nói chuyện, giới thiệu chương trình mới với các thầy cô ở Đà Nẵng. Ảnh: TT |
Còn chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung trả lời câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”.
Chương trình giáo dục phổ thông mới xác định mục tiêu hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu sau: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
Phẩm chất của người học được hình thành và phát triển bằng hai con đường: một là thông qua nội dung kiến thức của một số môn học.
Thầy Nguyễn Minh Thuyết nói chuyện gì với 1000 giáo viên miền Trung? |
Ví dụ như: tinh thần yêu nước có thể được hun đúc thông qua nội dung của các môn Lịch sử, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh...
Phần lớn các môn học này cũng bồi dưỡng cho học sinh lòng nhân ái, khoan dung, ý thức tôn trọng các nền văn hóa khác nhau, tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người.
Hai là thông qua phương pháp giáo dục. Ví dụ tính chăm chỉ, thái độ trung thực và tinh thần trách nhiệm từng bước được hình thành và phát triển thông qua lao động học tập hàng ngày dưới sự hướng dẫn rèn luyện của thầy cô.
Tinh thần yêu nước và lòng nhân ái cũng chỉ có thể hình thành và phát triển bền vững thông qua các hoạt động thực tế.
Chương trình giáo dục phổ thông mới xác định nhiệm vụ hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi sau:
Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển.
Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất...
Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông mới còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.
Phát triển năng lực người học bằng 3 con đường
Cũng theo Giáo sư Thuyết thì căn cứ để xác định các năng lực cốt lõi trong chương trình giáo dục phổ thông mới là chương trình giáo dục phổ thông của một số nước phát triển và một số tài liệu giáo dục của các tổ chức quốc tế.
Sách giáo khoa phổ thông, chúng ta đang lãng phí quá nhiều |
Từ đó, có thể khái quát thành 3 năng lực cốt lõi là:
Năng lực tự chủ và tự học (năng lực thể hiện trong quan hệ với bản thân), năng lực giao tiếp và hợp tác (năng lực thể hiện trong quan hệ với người khác), năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo (năng lực thể hiện trong quan hệ với công việc).
“Có thể thấy ba năng lực chung và 7 năng lực chuyên môn mà chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam nêu ra về cơ bản phù hợp với quan niệm và danh sách các năng lực cốt lõi được xác định trong các tài liệu quốc tế”.
Căn cứ vào các đặc điểm của năng lực và kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chương trình phát triển năng lực, chương trình giáo dục phổ thông mới hình thành, phát triển năng lực của người học bằng ba con đường.
3 con đường này bao gồm: dạy học phân hóa, dạy học tích hợp, dạy học thông qua hoạt động tích cực của người học.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, trong giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện giáo dục toàn diện và tích hợp.
Đồng thời chương trình cũng thiết kế một số môn học và hoạt động giáo dục theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và sở trường của bản thân.
Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học, chủ đề và chuyên đề phù hợp với sở thích, sở trường và định hướng nghề nghiệp của bản thân.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ muốn xóa độc quyền sách giáo khoa, không khó |
Về dạy học tích hợp, chương trình giáo dục phổ thông mới tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong cùng một môn học, xây dựng một số môn tích hợp mới ở các cấp học.
Tinh thần chung là tích hợp mạnh ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên. Yêu cầu tích hợp được thể hiện trong cả mục tiêu, nội dung, phương pháp và thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục.
Đặc điểm chung của phương pháp giáo dục được áp dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới là tích cực hóa hoạt động của người học.
Trong đó, giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện.
Và giáo viên cũng sẽ tạo những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học.
Qua đó, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển.
(Còn nữa)