Giáo viên có thể làm 8 tiếng/ngày ở trường với điều kiện không mang việc về nhà

17/01/2021 07:37
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành giáo dục đang thiếu 2 yếu tố quan trọng nhất là cơ sở vật chất và đời sống giáo viên thì chắc chắn không thể áp dụng việc buộc giáo viên làm 8 tiếng/ngày.

Bài viết Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường của tác giả Nhật Khoa đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/1/2021 thật sự đã trở thành đề tài nóng trong các câu chuyện của giáo viên mấy ngày gần đây.

Ngoài giờ dạy giáo viên còn phải hoàn thành cả đống hồ sơ sổ sách thế này (Ảnh minh họa VTV)

Ngoài giờ dạy giáo viên còn phải hoàn thành cả đống hồ sơ sổ sách thế này (Ảnh minh họa VTV)

Nhiều thầy cô giáo bất bình cho rằng người viết không làm trong ngành giáo dục nên thiếu sự am hiểu về tính chất công việc của nhà giáo nên mới đưa ra những quan điểm vô lý như vậy.

Cá nhân tôi cũng không đồng tình với bài viết vì do tính chất đặc thù của công việc nên giáo viên không thể giảng dạy xong trên lớp và ở lại trường đủ 8 tiếng mới về nhà.

Thế nhưng, trước đề xuất của tác giả Nhật Khoa tăng lương và quy định giáo viên phải ở trường đúng 8 tiếng như các công chức, viên chức ngành nghề khác, tôi chợt nhớ đến câu chuyện do thầy giáo hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở quê sau khi đi tham quan một số trường học tại Singapore về kể lại.

Và thấy rằng, quan điểm và những đề xuất của tác giả Nhật Khoa không hẳn là vô lý.

Câu chuyện về giờ giấc làm việc của giáo viên xứ người qua lời kể của một hiệu trưởng

Nhiều trường học ở Singapore mà đoàn cán bộ giáo dục đến tham quan thấy giáo viên bên này làm việc đủ 8 tiếng/ngày ở trường sau đó mới về nhà.

Ngoài giờ lên lớp, các thầy cô giáo nơi đó về phòng hội đồng vừa nghỉ ngơi vừa làm các công việc phục vụ giảng dạy của mình cho buổi giảng dạy tiếp theo. Mỗi giáo viên đều có không gian làm việc, nghỉ ngơi, có một máy tính nối mạng riêng để phục vụ cho công việc của mình.

Đó là, những công việc thường ngày chuẩn bị cho tiết học ngày hôm sau như soạn bài, làm đề dùng dạy học, lên kế hoạch chuyên môn, hoàn thành các loại hồ sơ sổ sách…

Hoặc những công việc định kỳ như chấm bài kiểm tra, vào điểm, xếp loại, nhận xét học sinh, liên hệ với phụ huynh…

Sau giờ làm việc ở trường, giáo viên bước ra khỏi cổng trường là để tất cả công việc lại đó cho ngày hôm sau mà không phải lo nghĩ gì cả, tuyệt đối không ai mang công việc về nhà để làm như giáo viên xứ ta hiện nay.

Một điều đặc biệt nữa là, lương giáo viên của họ gấp 30 lần lương giáo viên của mình nên sau một ngày làm việc ở trường các thầy cô về nhà đã không phải làm việc trường càng không phải chạy vắt chân lên cổ để mưu sinh.

Giáo viên hiện đang làm hơn 40 giờ/tuần

Giáo viên các cấp đã có định mức tiết dạy riêng như giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần, trung học cơ sở dạy 19 tiết/tuần, trung học phổ thông dạy 17 tiết/tuần. Nhưng để đảm bảo những tiết dạy theo quy định thì công tác chuẩn bị đằng sau đó cũng khá nhiều.

Đó là việc soạn bài, làm đồ dùng dạy học, có những tiết dạy giáo án điện tử thầy cô phải soạn cả buổi chưa xong. Rồi những tiết dạy chuyên đề, thao giảng tổ, thao giảng trường, tiết dạy chào mừng, tiết dạy dự thi…

Tiếp đến lên kế hoạch bồi dưỡng và phụ đạo học sinh yếu kém, học sinh khá giỏi. Rồi chấm bài, cộng điểm, nhận xét, vào sổ điểm, vào phần mềm, liên hệ với phụ huynh làm công tác phối hợp giáo dục…

Bên cạnh đó, còn phải hoàn thành công tác phổ cập, học sinh nghỉ học phải đi đến nhà vận động ra lớp, không chỉ một lần mà năm lần bảy lượt. Chưa nói đến những buổi họp hành triền miên như họp tổ chuyên môn, họp chuyên môn cấp, họp hội đồng sư phạm, họp liên tịch, họp thi đua, họp hội đồng trường…

Nếu tất cả quy đổi bằng số giờ làm việc thì giáo viên chúng tôi đã và đang làm chắc chắn hơn 40 giờ/tuần.

Ở nước ta, có áp dụng kiểu buộc giáo viên phải làm việc 8 tiếng/ngày được không?

Nếu nay chúng ta quy định giáo viên phải làm ở trường đủ 8 tiếng/ngày mới được về sẽ thế nào?

Thứ nhất, không có đủ chỗ và phương tiện cho giáo viên ngồi làm việc. Nếu một trường học khoảng 100 giáo viên cho hơn 50 lớp thì giờ nào cũng có khoảng 50 thầy cô giáo ngồi ở văn phòng.

Không phải trường nào cũng có phòng hội đồng rộng, giáo viên sẽ ngồi chờ tiết dạy ở đâu? Đâu phải giáo viên nào cũng có đủ điều kiện mua máy tính xách tay, họ sẽ làm gì cho hết thời gian không lên lớp?

Khi làm việc ở trường, mỗi giáo viên phải có tủ đựng hồ sơ để cất giữ hồ sơ sổ sách, kế hoạch, sổ điểm, bài kiểm tra, học bạ…của học sinh. Phòng chờ còn không có thì lấy phòng nào kê tủ đựng hồ sơ?

Thứ hai, đời sống giáo viên thấp mà ngồi cả ngày trên trường cho đủ 8 tiếng mới về thì sao duy trì nổi cuộc sống của gia đình?

Không phải kêu ca, không kể nghèo than khổ, phải thừa nhận một điều đa phần giáo viên của chúng ta hiện nay không làm thêm bằng nghề tay trái sẽ khó duy trì một cuộc sống trung bình.

Ngoài một số ít thầy cô có thêm nghề dạy thêm vì dạy một số môn mũi nhọn thì đa phần giáo viên ngoài giờ lên lớp phải vất vả mưu sinh với rất nhiều nghề. Họ tranh thủ làm ban ngày (sau giờ lên lớp) và chấp nhận thức đến khuya để hoàn thành các công việc liên quan đến chuyên môn.

Khi cuộc sống vật chất tạm ổn, khi con cái có đủ điều kiện ăn học (chỉ cần ở mức bình thường) thì các thầy cô giáo mới có thể chuyên tâm vào giảng dạy.

Ở đất nước Singapore giàu có và đủ đầy người ta quy định giáo viên phải làm đủ 8 tiếng/ngày vì họ hơn chúng ta cơ sở vật chất và đời sống nhà giáo.

Nay, ngành giáo dục của chúng ta lại thiếu hẳn 2 yếu tố quan trọng nhất là cơ sở vật chất và đời sống giáo viên thì không thể và chắc chắn không bao giờ có thể áp dụng được những giải pháp mà tác giả Nhật Khoa đã nêu ra.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết