Giáo viên hành xử như xã hội đen, thị trường IELTS giờ loạn lắm

08/06/2020 06:06
Minh Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhóm sinh viên 10 người của Học viện Tài Chính đến nhà giáo viên Nguyễn Hà lấy lại học phí. Người nhà chị Hà đe dọa: Nhà tao 3 đời dân xã hội ở đất Cổ Nhuế này.

Giáo viên hành xử như xã hội đen

Ngày 27/5/2020, một nhóm sinh viên 10 bạn nữ của Học viện Tài Chính đến nhà giáo viên tên Nguyễn Hà yêu cầu người này trả lại học phí cho những học viên đang học dang dở tại trung tâm Ms Hà IELTS.

Theo lời kể của nhóm bạn sinh viên này: “Khi đến nhà của giáo viên tên Hà bố của chị này yêu cầu chúng tôi lên tầng 2 để nói chuyện.

Lúc lên tầng 2 bác ấy yêu cầu con trai đóng cửa sầm lại, lúc ấy chúng tôi bắt đầu run bần bật.

Sau đó bác ấy mắng mỏ chúng tôi không có quyền kiểm tra chứng chỉ của chị Hà.

Tiếp theo có 2 anh xăm trổ đầy mình xông vào đe dọa chúng tôi.

Hai người này liên tục mang gốc gác Cổ Nhuế bao đời ra để dọa nạt.

Có lẽ lúc đó chúng tôi mà ý kiến gì là 2 người xăm trổ kia sẽ lao vào tát chúng tôi.

Nghĩ như vậy, chúng tôi không dám làm căng thẳng, chỉ nói còn mấy buổi chị Hà chưa dạy cho chúng cháu xin học phí.

Bố chị Hà nói sẽ hoàn lại 400.000 đồng nhưng phải để lại thông tin cá nhân.

Thế nhưng đến giờ chưa bạn nào nhận được tiền lại còn bị xã hội đen đe dọa”.

Một sinh viên tức tưởi cho hay: “Số tiền mà chị Hà, chị Ngân thu học phí là số tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ chúng tôi.

Đối với những gia đình nông thôn còn nhiều khó khăn để có tiền đóng học phí cho con nhiều bậc phụ huynh còn phải đi vay mượn.

Trong khi các chị ấy không hề nghĩ đến tình người, nghĩ đến đạo đức của người giáo viên.

Một người mang mác giáo viên mà hành xử côn đồ như vậy là không thể chấp nhận được”.

Trả lời của Đại học Griffith cho thấy không có sinh viên nào tên là Nguyễn Hà (Ảnh:CTV)

Trả lời của Đại học Griffith cho thấy không có sinh viên nào tên là Nguyễn Hà (Ảnh:CTV)

Theo phản ánh của nhiều sinh viên Học viện Tài chính, người phụ nữ tên Nguyễn Hà nêu trên là giáo viên dạy TOEIC, IELTS lâu năm ở khu vực Học viện Tài chính.

Để lấy lòng tin của học viên, chị Hà thường xuyên quảng cáo số điểm thi TOEIC 970 điểm, IELTS 8.5 và tốt nghiệp xuất sắc ngành Linguistics, tại Đại học Griffith (ÚC-top 5% tốt nhất thế giới).

Tuy nhiên khi phóng viên xác minh chị Nguyễn Hà chưa từng thi IELTS (đã kiểm tra trên hệ thống lưu điểm toàn cầu).

Ngoài ra, khi xác minh từ Đại học Griffith, đơn vị này cho biết trong các ngành đào tạo tại trường không có ngành nào tên là: Linguistics.

Như vậy đồng nghĩa bằng cử nhân mà chị Nguyễn Hà dùng để quảng cáo khi đi dạy là bằng giả.

Bức xúc, hàng chục sinh viên Học viện Tài chính yêu cầu chị Hà giải thích, xin lỗi thì người này từ chối và không hoàn lại học phí cho học viên.

Bằng cử nhân Đại học Griffith của chị Nguyễn Hà (Ảnh:CTV)

Bằng cử nhân Đại học Griffith của chị Nguyễn Hà (Ảnh:CTV)

Bạn N.V.H, sinh viên năm 2, Học viện Tài chính chia sẻ: “Chị Ngân và chị Hà đã lợi dụng lòng tin của sinh viên kiếm hàng tỷ đồng trong nhiều năm nay.

Điều đáng nói là các chị sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả trong khi chất lượng giảng dạy rất tệ.

Khi sinh viên đứng lên yêu cầu giải thích thì các chị dùng ngôn từ chợ búa để dọa nạt, điều này là không thể chấp nhận được”.

Thị trường IELTS giờ loạn lắm

Tiếp xúc với một số giáo viên trong giới luyện IELTS, TOEIC, phóng viên không khỏi choáng ngợp vì số tiền thu nhập từ nghề này: con số tối thiểu là vài tỷ đồng, nhiều lên đến cả trăm tỷ đồng.

Lấy ví dụ một trung tâm của chị Ngân, chị Hà có mức học phí từ 3.5 triệu đồng đến 6 triệu đồng.

Như vậy chỉ cần 100 sinh viên theo học là có thể thu về hàng trăm triệu đồng thậm chí lên đến cả tỷ đồng.

Thế nhưng đây vẫn chỉ là hạt cát nhỏ trong một thị trường đang phát triển như vũ bão nhưng cũng vô cùng bát nháo.

Thời gian gần đây nhiều trung tâm IELTS liên tục bị tố cáo lừa đảo học viên.

Thực hư câu chuyện này như nào?

Dưới đây là chia sẻ của thầy N.L, một giáo viên có tiếng trong lĩnh vực luyện thi IELTS, TOEIC.

Thầy L. cho biết: “Thị trường IELTS, TOEIC là một thị trường nghìn tỷ (đồng) và trong tương lai ngày càng phát triển tại Việt Nam.

Lý do bây giờ ai cũng cần chứng chỉ IELTS, TOEIC từ sinh viên cho đến viên chức, người đi làm, lãnh đạo…

Có chứng chỉ IELTS đồng nghĩa triển vọng việc làm và cơ hội việc làm sẽ ngày càng thăng tiến.

Nắm bắt được điều này các trung tâm IELTS mọc lên như nấm.

Những người có tiếng trong giới này có thể thu nhập hàng trăm tỷ đồng là chuyện bình thường vì học phí có nơi thu 10 triệu đồng, nơi thu 15 triệu đồng, lợi nhuận không kể sao cho hết”.

Tuy nhiên theo thầy L. trong bối cảnh tranh tối, tranh sáng như hiện nay, thị trường IELTS hoạt động vô cùng bát nháo.

Thầy L. phân tích: “Hiện nay các trung tâm đều đẩy mạnh làm truyền thông.

Có một số giáo viên làm truyền thông rất giỏi nhưng chuyên môn lại không có.

Câu chuyện của cô Hà, cô Ngân trường Tài chính dùng bằng giả là một ví dụ như vậy.

Nhiều người nổi tiếng trong giới IELTS thậm chí đã xuất bản được 7 quyển sách vẫn sửa điểm, dùng bằng giả để đi dạy.

Cho nên nhiều học viên đóng tiền vào các trung tâm đó mà không biết rằng mình đã bị lừa, tiền mất, tật mang”.

Nhiều giáo viên nổi tiếng khai khống, sửa điểm để câu kéo học viên (Ảnh:CTV)

Nhiều giáo viên nổi tiếng khai khống, sửa điểm để câu kéo học viên (Ảnh:CTV)

Mới đây, nhiều học viên đã bức xúc tố cô giáo P.N.Q. tại trung tâm IELTS T.Q (thành phố Hồ Chí Minh) khai khống bảng điểm của mình từ 6.5 lên 8.0 để thu hút học sinh.

Theo một số học viên, cô Q. đăng trên mạng xã hội của mình bảng điểm IELTS.

Trong đó bảng điểm ngày 26/10/2019, cô Q. chia sẻ có điểm 7.5 writing (viết) và 8. speaking (nói).

Bên cạnh đó, cô Q. cũng khoe từng nhiều lần thi IELTS và đạt 8. điểm nói, có lần được 8.5.

Tuy nhiên, nhiều học viên đã tra điểm thi IELTS của cô Q. và khẳng định cô giáo này chưa bao giờ thi viết đạt 7.5, nói 8.5.

Tra cứu kết quả của cô Q. từ trang tra kết quả IELTS chính thức (https://results.ieltsessentials.com/) cho thấy điểm thi của cô Q. ngày 26/10/2019 là viết và nói chỉ đạt 6.5.

Trong năm 2019, cô Q. có thi IELTS 6 đợt và chưa đợt nào đạt điểm trung bình 8, cũng không có đợt nào kỹ năng viết đạt 7.5, nói đạt 8.5.

Những ví dụ nêu trên đã chỉ ra sự hỗn loạn của thị trường IELTS.

Trong khi chờ đợi những cơ chế quản lý chặt chẽ từ Nhà nước, học viên phải cân nhắc và tham khảo nhiều thông tin trước khi đặt cược vào một trung tâm nào đó để tránh tiền mất, tật mang.

Minh Ninh