Giáo viên hợp đồng ở Thủ đô: Cực chẳng đã chúng tôi mới phải lên đây!

05/06/2019 06:52
Vũ Ninh
(GDVN) - Hàng trăm giáo viên hợp đồng miêu tả: Họ như bị dồn đến đường cùng, đối diện với tương lai tay trắng. Thầy cô chắp tay cầu khấn mong Nhân Văn về với Hà Nội.

Cực chẳng đã chúng tôi mới phải lên đây

Tinh mơ sớm, cô Nguyễn Thị Quy cùng các giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức bắt xe lên thành phố Hà Nội.

Cùng thời điểm đó hàng trăm giáo viên hợp đồng tại các huyện Sóc Sơn, Ba Vì và thị xã Sơn Tây cũng “hội quân” tại địa chỉ số 34, Lý Thái Tổ (Hà Nội).

Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở Hà Nội kêu cứu lãnh đạo thành phố

Hơn hai tháng kể từ ngày những lá đơn kêu cứu đầu tiên của giáo viên hợp đồng được các cơ quan báo chí đăng tải.

Những tưởng vấn đề này sẽ được giải quyết nhưng đổi lại vẫn chỉ là sự im lặng.

Trước tình cảnh đó nhiều giáo viên hợp đồng rơi vào tình trạng khủng hoảng, lo lắng, nhiều người bị trầm cảm.

Hàng trăm giáo viên hợp đồng 3 huyện: Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì và thị xã Sơn Tây cùng lên thành phố để kiến nghị (Ảnh: Vũ Ninh)
Hàng trăm giáo viên hợp đồng 3 huyện: Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì và thị xã Sơn Tây cùng lên thành phố để kiến nghị (Ảnh: Vũ Ninh)

Cô N.T.T. giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn nói những lời gan ruột: “Nhiều chị em bỏ việc gia đình, bỏ dạy để lên đây. Chúng tôi chỉ mong muốn 1 lần được gặp lãnh đạo thành phố, được lắng nghe, được giải quyết.

Thậm chí một lời hứa, một câu trả lời thôi cũng được. Nếu tiếp tục tình trạng như hiện nay tôi sợ nhiều chị em phát bệnh vì lo lắng vì trầm cảm.

Chúng tôi cực chẳng đã mới phải lặn lội lên đây. Mọi người chẳng ai muốn đi xa hoặc lên đây làm gì cho tốn kém tiền tàu xe. Nhưng chúng tôi cảm thấy chúng tôi bị dồn đến đường cùng rồi”.

Giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn có mặt trước cửa phòng chờ "Trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội" (Ảnh: Vũ Ninh)
Giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn có mặt trước cửa phòng chờ "Trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội" (Ảnh: Vũ Ninh)

Có mặt tại “Trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội” nhiều khuôn mặt giáo viên mệt mỏi, lo âu.

Cô Đặng Thị Ngọc, giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức, là một trong những giáo viên có thâm niên và lớn tuổi nhất chua xót:

“Hai năm trước tôi được nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên đổi lại mức lương của tôi chỉ có 1.210.000 đồng/ tháng.

Lương của tôi còn thấp hơn mức lương cơ bản. Ròng rã 23 năm công tác nhiều lúc tôi cũng muốn bỏ nghề nhưng gia đình động viên: Bao nhiêu công ăn học tốn kém thì cố gắng mà theo nghề. Nghĩ vậy tôi tiếp tục bám trụ với nghề.

Đến thời điểm này tôi cũng không biết hợp đồng của mình đang được hưởng là hợp đồng gì?

Tôi chỉ được nhận quyết định dạy lần đầu. Trong đó chỉ ghi sẽ dạy ở trường nào hoàn toàn không biết mình được hợp đồng nào?”.

Khuôn mặt mệt mỏi, lo âu của giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức (Ảnh: Vũ Ninh)
Khuôn mặt mệt mỏi, lo âu của giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức (Ảnh: Vũ Ninh)

Thầy Nguyễn Viết Tiến lặn lội từ thị xã Sơn Tây xuống Hà Nội. Thầy Tiến công tác trong ngành giáo dục đã 17 năm.

Thầy cùng một số giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây xuống Hà Nội, đại diện cho tiếng nói của hơn 100 con người đang đứng trên bờ vực bị sa thải.

Thầy Tiến chua xót: “Chúng tôi đứng trước nguy cơ bị mất việc mặc dù từng đấy năm công tác.

Việc ký hợp đồng chúng tôi cũng không được hưởng những chế độ cơ bản của người lao động.

Vì thế tôi đề xuất có phương án đặc cách cho các giáo viên hợp đồng và trả lương, đóng bảo hiểm cho chúng tôi như một người lao động bình thường”.

Cô Nguyễn Thị Quy đại diện giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức soạn đơn kiến nghị (Ảnh: Vũ Ninh)
Cô Nguyễn Thị Quy đại diện giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức soạn đơn kiến nghị (Ảnh: Vũ Ninh)

Trong số hàng trăm khuôn mặt giáo viên hợp đồng cũng có gần 30 giáo viên hợp đồng tại huyện Ba Vì. Những giáo viên hợp đồng này công tác trong ngành giáo dục đều trên 10 năm.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng có những bài viết về giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì.

Có cô phải đi làm giúp việc ngoài giờ cho nhà đồng nghiệp trong trường. Có cô phải buôn thúng bán mẹt để trang trải cuộc sống.

Với mức lương 1.300.000 đồng/ tháng, thầy cô phải xoay sở đủ nghề để có thêm thu nhập.

Thiệt thòi từng đấy năm trời nhưng nếu bị cắt hợp đồng, không được vào biên chế thì bụi phấn không chỉ rơi rơi trên đầu người thầy, người cô mà rơi cả vào bàn tay, cuộc đời họ: Họ trắng tay.

Vấn đề giáo viên hợp đồng tại các huyện thuộc thành phố Hà Nội chúng tôi xin không nhắc lại. Vì vấn đề này đã được báo chí phản ánh suốt hơn 2 tháng qua với cả trăm bài viết.

Nhưng chúng tôi chỉ đặt câu hỏi: Từ khi nào nghề cao quý lại phải “xuống đường” đòi quyền lợi cho mình. Như vậy nghề giáo có còn là nghề cao quý?

“Chúng tôi đến đường cùng rồi bấu víu vào tất cả những gì có thể!”

Nhiều thầy cô vẫn chưa quen với việc xuất hiện trước báo chí. Cái nghề dạy học cao quý vốn chỉ quen với bục giảng với những con chữ.

Nhiều giáo viên hợp đồng tại Hà Nội bị trầm cảm khi tương lai vô định

Vậy mà nay phải xuống đường để đòi quyền lợi. Nhiều thầy cô ngại lắm: Che mặt, bịt khẩu trang.

Cô N.T.H giáo viên Sóc Sơn thủ thỉ: “Cũng chẳng nghĩ có ngày hàng trăm giáo viên phải xuống đường, phải lên thành phố để khiếu nại như thế này. Việc này chúng tôi đâu có muốn. Xấu hổ lắm chứ!”.

Thầy cô cũng chấp nhận và hoàn toàn hiểu : Đấu tranh thì tránh đâu.

Cô Quy nói: “Xuất hiện trên báo chí nhiều bạn bè cũng có hỏi. Rồi công việc hay cuộc sống của mình cũng bị ảnh hưởng. Đúng là đấu tranh thì tránh đâu.

Nhưng không đấu tranh thì vấn đề của mình bao nhiêu năm vẫn cứ thế. Chúng tôi xuất hiện ngày hôm nay ở đây là vì chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác”.

Thầy Nguyễn Viết Tiến đại diện cho giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây (Ảnh: Vũ Ninh)
Thầy Nguyễn Viết Tiến đại diện cho giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây (Ảnh: Vũ Ninh)

Theo những văn bản mà các giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn đã có: Việc trả lời giáo viên hợp đồng phải có trước ngày 15/5/2019.

Nhưng đến nay ngày 4/6/2019 vẫn chưa có câu trả lời nào từ thành phố và các cấp liên quan.

Bí bách và cùng đường, giáo viên 4 huyện mới hẹn nhau cùng lên “Trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội” để kiến nghị.

Trong quãng thời gian đợi trả lời, thầy cô lang thang trên những con phố nhỏ của Thủ đô Hà Nội. Trong đầu họ chất chứa nhiều suy tư.

Đứng trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ, cô Thơm chắp tay cầu khấn: Mong Ngài chỉ lối dẫn đường để người ta có thể giải quyết vấn đề của cả trăm con người!

Thầy cô phải bấu víu cả vào niềm tin tâm linh (Ảnh: Vũ Ninh)
Thầy cô phải bấu víu cả vào niềm tin tâm linh (Ảnh: Vũ Ninh)

Quả thật là chuyện lạ! Nhưng khi nghe những lời gan ruột của cô Thơm độc giả có lẽ phần nào sẽ đồng cảm:

“Chúng tôi cùng đường rồi. Mất nghề là mất tất cả. Và đến thời điểm này chúng tôi phải bấu víu vào tất cả những gì có thể, kể cả là niềm tin tâm linh.

Mọi người có thể sẽ cười chúng tôi cho rằng hoang đường. Nhưng nếu ai rơi vào tình trạng mất tất cả sẽ hiểu chúng tôi làm sao phải làm vậy.

Chúng tôi chỉ chờ đợi một câu nói của những người có trách nhiệm sẽ an ủi phần nào sự trống rỗng trong trái tim của các giáo viên hợp đồng”.

Ngày 4/6/2019, tại Hà Nội chứng kiến nhiều chuyện chưa từng có trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

Hàng trăm giáo viên hợp đồng các huyện tại Hà Nội chầu chực, “phơi mặt” ngoài đường, chắp tay cầu khẩn đấng tâm linh để xin được giải quyết vấn đề của họ và số phận của hàng trăm người khác. Chắp tay đến khi nào thì mới có Nhân Văn đây?

Vũ Ninh