Giáo viên hợp đồng thỉnh giảng cũng mệt chứ chẳng sung sướng gì

31/03/2021 06:50
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc một giáo viên dạy ở nhiều trường đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ quản lý và chính giáo viên muốn được dạy ở trường khác nhằm tăng thu nhập.

Sau bài báo “Thiếu giáo viên, Quảng Ngãi đề xuất 1 giáo viên dạy nhiều trường” của tác giả An Phong đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đề tài này đã nhận được nhiều ý kiến của dư luận giáo giới.

Việc một giáo viên dạy ở nhiều trường đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ quản lý và chính giáo viên muốn được dạy ở trường khác nhằm tăng thu nhập.

Dưới cái nhìn của cán bộ quản lý, bên cạnh mặt tích cực là giải được bài toán thiếu giáo viên trước mắt, nhưng vẫn còn đó những tồn tại tiêu cực với phương án này.

Về lâu dài, cần có phương án căn cơ, đảm bảo biên chế giáo viên để nhà trường chủ động trong phân công chuyên môn.

Nhưng thực tế, dù biên chế đầy đủ, đúng số lượng, nhưng vẫn phát sinh những trường hợp gây thiếu giáo viên trong thời gian ngắn, bất khả kháng như giáo viên nghỉ sinh, nghỉ chế độ, đi học… không thể tuyển dụng hay điều chuyển kịp.

Vì thế, hợp đồng thỉnh giảng sẽ và vẫn tồn tại trong môi trường giáo dục, dù muốn hay không muốn của các nhà quản lý.

Hợp đồng thỉnh giảng, ngoài giải được bài toán thiếu giáo viên, hợp đồng thỉnh giảng còn giải được bài toán ngân sách hoạt động cho nhà trường.

Giáo viên dạy ở trường khác, đi hợp đồng thỉnh giảng có thêm việc làm, có thêm thu nhập, nhưng thực tế những giáo viên hợp đồng thỉnh giảng có mong muốn gì?

Để tìm hiểu người trong cuộc nói gì, người viết đã gặp, tâm sự với một giáo viên hợp đồng thỉnh giảng.

Cô Trần Thị Thắm (bìa trái) giáo viên hợp đồng thỉnh giảng tại Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng, Bà Rịa – Vũng Tàu (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Trần Thị Thắm (bìa trái) giáo viên hợp đồng thỉnh giảng tại Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng, Bà Rịa – Vũng Tàu (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Trần Thị Thắm, hiện đang công tác tại Trường Trung học cơ sở Bình Châu, hợp đồng thỉnh giảng tại Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cô Thắm chia sẻ về chuyện hợp đồng thỉnh giảng của mình: “Nói thật, em dạy ở trường cũng đã bận tối tăm mặt mũi rồi, nhưng khi lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng nhờ, em cũng phải cố gắng, vì chỉ hợp đồng thỉnh giảng trong mấy tháng cho cô giáo nghỉ thai sản thôi.

Lương hợp đồng thỉnh giảng thấp, thu nhập thêm cũng chẳng đáng bao nhiêu, nếu hợp đồng thỉnh giảng thời gian dài, chắc chắn em từ chối chứ không dám nhận.

Em nhận hợp đồng thỉnh giảng với Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng cũng vì cùng nằm trên một tuyến đường đi làm, được lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Bình Châu đồng ý, sắp xếp chuyên môn, thời khóa biểu phù hợp, đảm bảo hoạt động chuyên môn của em ở hai trường đạt kết quả tốt, đó là thuận lợi đầu tiên của em khi hợp đồng thỉnh giảng.

Thuận lợi thứ hai, chính là chuyên môn ở hai nơi tương đồng về phân phối chương trình nhưng có thời gian, lịch học trái ngược.

Vì thế, em có thể dạy ở Bưng Riềng buổi sáng, dạy ở Bình Châu buổi chiều.

Nói thật, dạy hai nơi rất mệt thầy ạ. Nếu được đề xuất, em mong các trường có đủ biên chế, trường hợp bất khả kháng mới hợp đồng thỉnh giảng, giáo viên dạy hai nơi nên hạn chế”.

Như vậy, ngay người trong cuộc cũng không mặn mà với việc hợp đồng thỉnh giảng ở trường khác. Thực hiện hợp đồng thỉnh giảng cũng vì tình, mong muốn giúp đỡ đơn vị bạn và có sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo hai nhà trường.

Việc hợp đồng giáo viên mới ra trường chưa có việc làm dạy vài tháng, lấp chỗ trống khi giáo viên trong trường nghỉ thai sản, nghỉ chế độ rất khó là một thực tế.

Vì thế, các địa phương cần có cơ chế tuyển dụng kịp thời, bổ sung vị trí còn thiếu, hạn chế tình trạng một giáo viên dạy nhiều trường.

Với các cơ sở giáo dục thiếu giáo viên do nghỉ thai sản... thì hợp đồng thỉnh giảng vẫn là một phương án khó thay thế, dù muốn hay không.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến