Giáo viên lo sốt vó, không hoàn thành module sẽ không được phân công giảng dạy

10/05/2021 06:40
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những giáo viên/cán bộ quản lý không hoàn thành tập huấn sẽ không được phân công giảng dạy, quản lý khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Không hoàn thành module 1 và 2 giáo viên, cán bộ quản lý sẽ không được phân công giảng dạy và làm quản lý là yêu cầu, chỉ đạo mới với giáo viên Kiên Giang.

Nhận được thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, một số giáo viên khá lo lắng trước thông tin: “Từ ngày 5/5/2021 đến 20/5/2021, giáo viên và cán bộ quản lý đại trà học bổ sung hoàn thiện module 1&2.

Thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang (Ảnh giáo viên cung cấp)

Thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang (Ảnh giáo viên cung cấp)

Từ 20/5 đến 31/5/2021, giáo viên, cán bộ quản lý, cốt cán hoàn thành chấm bài module 1&2. Sau ngày 31/5/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo không mở lại module 1&2 để tập huấn.

Những giáo viên/cán bộ quản lý không hoàn thành tập huấn sẽ không được phân công giảng dạy, quản lý khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mọi vấn đề phát sinh do không hoàn thành modul tập huấn đúng hạn, giáo viên, cán bộ quản lý đại trà tự chịu trách nhiệm”.

Quy định hoàn thành module học tập trong giai đoạn cuối năm học có làm khó giáo viên?

Module 1 gồm 2 nội dung: Tìm hiểu chương trình tổng thể và nội dung một môn học (như Toán, Ngữ văn, Tự nhiên và Xã hội…) giáo viên đã đăng ký.

Module 2 cũng có 2 nội dung: cơ sở lý luận và nội dung về một môn học giáo viên đã đăng ký.

Để hoàn thành các nội dung học tập này, giáo viên không chỉ phải rành công nghệ thông tin mà còn phải có nhiều thời gian dành cho việc học.

Bởi sẽ có rất nhiều video bài giảng, bài dạy buộc giáo viên phải ngồi xem trực tiếp. Có những video thời gian lên đến 40 phút/ lần xem.

Xem xong video, giáo viên phải trả lời hàng trăm câu hỏi, phải thiết kế bài dạy theo hướng phát triển năng lực (hàng chục trang) để tải lên phần mềm để cốt cán chấm điểm.

Ngoài các nội dung trên còn phải thực hiện nhiều bài khảo sát với vài chục câu hỏi trong mỗi module.

Vì thế, giáo viên nào chưa rành công nghệ thông tin hoặc không có nhiều thời gian rảnh xem như khá vất vả để hoàn thành sớm các module học tập.

Cuối năm công việc ngập đầu, giáo viên vất vả, quay cuồng với việc hoàn thành module nhưng vẫn chưa kịp.

Với giáo viên tháng bận rộn nhất trong năm chính là những tháng cuối cùng của năm học.

Ngoài việc ôn tập cho học sinh, kèm học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi, ra đề kiểm tra, chấm bài, lên điểm, nhận xét học lực, xếp loại hạnh kiểm, vào sổ điểm, sổ liên lạc, làm học bạ…

Bên cạnh đó, còn phải hoàn thành hồ sơ sổ sách, làm hàng loạt biểu mẫu giấy tờ đánh giá giáo viên, hoàn thành trên giấy, trên hệ thống, hoàn thành sáng kiến kinh nghiệm, hoàn thành nội dung bồi dưỡng thường xuyên…

Tham gia các cuộc hội họp liên miên của nhà trường như họp hội đồng xét hạnh kiểm, họp tổ chuyên môn đánh giá xếp loại giáo viên, họp liên tịch, họp chi bộ…

Công việc quay ngập đầu thì lấy thời gian đâu để hoàn thành các module học chương trình mới đúng tiến độ?

Một số thầy cô giáo chia sẻ, hết tháng 5 học sinh sẽ nghỉ học và giáo viên cũng có 2 tháng để nghỉ ngơi. Đây được xem là thời gian đẹp để đầu tư cho việc học.

Vì thế, không ít người thắc mắc, tại sao Sở Giáo dục không để giáo viên hoàn thành nội dung học tập vào tháng 6 và tháng 7 mà nhất định ấn định thời gian phải hoàn thành cuối tháng 5?

Theo người viết cũng là một giáo viên đang đứng lớp, quy định như vậy đang làm khó nhiều thầy cô. Nếu vì một lý do gì đấy có giáo viên chưa kịp hoàn thành các nội dung học tập lẽ nào sẽ không được bố trí giảng dạy trong năm học tới? Cán bộ quản lý nào chưa kịp hoàn thành cũng sẽ không được bổ trí làm quản lý như lời cảnh tỉnh mà Sở thông báo?

Việc học nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018 có cần phải gấp gáp thế không? Nếu tính từ thời gian này đến khi học sinh nhập học năm học mới vẫn còn tới 3 tháng, thời gian này các thầy cô giáo hoàn thành nội dụng học tập các module vẫn kịp.

Để việc học có hiệu quả, chúng tôi nghĩ phải có thời gian, đó là cả một quá trình để giáo viên đọc, thẩm thấu. Các module cần được để ở chế độ mở giúp giáo viên tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi khi có thời gian.

Nếu quy định thời gian đóng, mở nhất định như hiện nay ở nhiều địa phương thì e rằng sẽ khiến nhiều thầy cô giáo học đối phó hoặc là bỏ ra một khoản tiền để thuê người học hộ cho xong nhiệm vụ.

Và như thế, dù có mang tiếng đã học hoàn thành nội dung các module thì trong đầu nhiều thầy cô giáo cũng chẳng thu hoạch được gì.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết