Giáo viên Sử 'bất đắc dĩ' dạy thêm cả... Hóa!

19/04/2013 07:23
Phương Thảo
(GDVN) - Nghe có vẻ lạ nhưng đây lại là sự việc có thật đang xảy ra tại Trường THCS Địch Quả (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ). Sự việc này đã được lãnh đạo UBND xã Địch Quả và nhà trường đề nghị lên UBND huyện nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Học sinh như “chuột bạch”?
Theo Ban giám hiệu Trường THCS Địch Quả, toàn trường có tất cả 13 lớp và hơn 400 học sinh, số giáo viên là 34 người. Số lượng giáo viên như vậy theo quy định là đủ, nhưng tỉ lệ giáo viên giữa các môn đang có sự chênh lệch lớn.

Theo phản ánh, hiện tượng dạy trái ban (giáo viên dạy không đúng với môn học mà mình được đào tạo) tại đây đã có từ nhiều năm qua, tuy nhiên đến đầu năm học 2013 tình trạng đã trở nên trầm trọng hơn khiến nhiều phụ huynh và học sinh bức xúc. Phổ biến nhất là tình trạng giáo viên được đào tạo các ngành xã hội lại kiêm dạy cả các môn tự nhiên. Nhiều phụ huynh lo ngại nếu để tình trạng này kéo dài nữa sẽ ảnh hưởng lớn tới tương lai học sinh.

Lớp 8B do cô Lục Thủy Yến phụ trách môn Hóa. Ảnh PT
Lớp 8B do cô Lục Thủy Yến phụ trách môn Hóa. Ảnh PT

Chẳng hạn như trường hợp cô Lục Thủy Yến, cô tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm Lịch sử Trường Cao đẳng Hùng Vương. Sau khi công tác tại Trường THCS Đông Cửu, cô Yến được luân chuyển về Trường THCS Địch Quả và tham gia phụ trách môn Lịch sử khối 8. Đầu năm học 2013, do giáo viên duy nhất dạy môn Hóa là cô Phùng Thị Kim Thủy được cấp trên điều về huyện Phù Ninh, nên môn Hóa không có giáo viên dạy. Ngoài ra còn một số môn khác cũng trong tình trạng tương tự. Trước khó khăn này Ban giám hiệu đã động viên các cô kiêm dạy để đảm bảo số tiết lên lớp.

Một học sinh lớp 8B Trường THCS Địch Quả tên T cho biết, nếu so sánh hai môn của cô giáo Lục Thủy Yến dạy (Sử và Hóa) thì môn Sử dễ hiểu hơn, môn Hóa do cô hầu như không bao giờ cho làm thí nghiệm nên rất khó hiểu. Hỏi cô giáo vì sao không cho làm thí nghiệm thì cô Yến trả lời do không phải môn của cô nên không cho làm.

"Em học môn Sử của cô Yến từ đầu năm và môn Hóa, môn Hóa cô Yến chỉ dạy nhưng gì trong sách và không làm thí nghiệm bao giờ. Lớp có hỏi nhưng trường không có, với lại cô có phải là giáo viên Hóa đâu. Có lần hỏi cô chỉ nói là cô không biết chất dung dịch đó nên không cho làm", T cho biết. 

Khác lớp với T, em N (lớp 8A) cũng nói rằng nhiều hôm học môn Hóa những bài tập các em muốn xem cô thực hành nhưng cô lại không làm được, có khi phải chờ cô Phúc hiệu phó xuống làm hộ. 

Trong thời khóa biểu, có những ngày cô Yến tiết 2 dạy Sử, tiết 4 dạy Hóa cho cùng 1 lớp.
Trong thời khóa biểu, có những ngày cô Yến tiết 2 dạy Sử, tiết 4 dạy Hóa cho cùng 1 lớp.

Một phụ huynh (đề nghị được giấu tên) có con học tại lớp 8B cho biết, nhìn chung nhiều phụ huynh cũng đã biết về chuyện con em họ phải học giáo viên trái môn nhưng cũng không biết làm thế nào. Thời gian gần đây sau khi nhiều phụ huynh biết được con mình được học giáo việc trái môn có phản ánh thì các cô trong trường cho biết, do trình độ giáo viên hiện không phải là hệ 7+3 như ngày xưa, tất cả các cô đều có trình độ cao đẳng sư phạm nên chất lượng vẫn đảm bảo. 

“Nếu để nói về trình độ của các cô dạy trái môn thì ít phụ huynh biết được vì thực tế đi họp phụ huynh các cô chỉ thông báo là học lực của con đạt như thế này, có được học sinh tiên tiến hay không? Thấy tình trạng này cũng lo nhưng lo cũng chẳng biết nói thế nào vì một mình mình nói cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. Dạy như thế thì không thể chất lượng được, môn xã hội lại sang dạy tự nhiên thì không được”, phụ huynh này bức xúc.

Trường THCS Địch Quả theo kế hoạch sẽ được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia vào tháng 3 vừa qua, nhưng do một số tiêu chí chưa đáp ứng nên chưa thể công nhận. Ảnh PT
Trường THCS Địch Quả theo kế hoạch sẽ được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia vào tháng 3 vừa qua, nhưng do một số tiêu chí chưa đáp ứng nên chưa thể công nhận. Ảnh PT

Phản ánh với chúng tôi, nhiều phụ huynh khác có con học tại đây cũng tỏ ra lo ngại về chất lượng dạy học. Theo những phụ huynh này việc để giáo viên dạy trái ban lâu dài sẽ dẫn đến học sinh mất gốc, mất kiến thức cho cả một khóa học. “Một bác sĩ nếu tiêm nhầm thuốc cho bệnh nhân thì có thể giết chết ngay 1 người bệnh, nhưng một giáo viên mà dạy  trái môn là giết mòn cả thế hệ, đó mới là điều nguy hiểm”, một phụ huynh nhấn mạnh. 
"Học sinh hỏi khó thì mình xin khất"

Là một trong những cô giáo dạy trái ban tại trường, cô Lục Thủy Yến tâm sự: “Dạy các môn không phải là môn chuyên ngành của mình là rất khó khăn, như môn Hóa. Đối với môn chuyên ngành của tôi là Lịch sử thì trước khi lên lớp không cần nhiều thời gian để biên soạn giáo án, nhưng với môn Hóa thì phải đầu tư nhiều công sức và thời gian hơn". 

Theo cô Yến, trong quá trình dạy môn trái ban cô Dương Thị Phúc là Hiệu phó nhà trường có chuyên sâu về môn Hóa có giúp đỡ nhiều về chuyên môn nhưng không thể tránh khỏi khó khăn. Cô Yến cho biết, trước khi dạy trường cũng có tổ chức các chuyên đề để dạy trái ban, giáo viên phải tham khảo những chuyên đề đó rồi mới dạy thử, sau đó mới lên lớp, nếu gặp khó khăn thì nhờ Ban giám hiệu.

"Nói chung tôi cũng phải gặp thường xuyên cô Phúc vì môn Hóa không phải là môn chuyên ngành. Việc làm thế nào để truyền tải được kiến thức đơn giản trong sách đã là điều khó khăn rồi chứ không mong là dạy được sâu", cô giáo Yến chia sẻ. Trường hợp gặp phải những câu hỏi khó của các em học sinh, cô sẽ xin khất để lần khác khi hỏi được giáo viên chuyên Hóa sẽ giải đáp cho các em. 

"Nhiều người hỏi trách nhiệm giữa hai môn này có khác nhau không, mình nói không nhưng tất nhiên môn Sử được đào tạo bài bản sẽ giảng được sâu hơn, môn Hóa dù cố gắng nhưng kết quả không thể cao được. Do thiếu giáo viên mình phải nhận dù biết là không vui vẻ gì do rất khó khăn, ảnh hưởng tới thời gian, công việc và những thứ khác, nói chung phải hi sinh nhiều", cô Yến bộc bạch. 

Theo thông tin chúng tôi có được, tình trạng thiếu giáo viên ban khoa không chỉ xảy ra ở trường THCS Địch Quả mà còn ở một số trường xã lân cận trên địa bàn như Đông Cửu, Yên Sơn, Văn Miếu và Yên Lương…
Phương Thảo