Gọi lên bảng, có trò chỉ thuộc đúng một câu: Em không thuộc bài

26/05/2017 06:13
Sông Mã
(GDVN) - Chuyện xin điểm hiện có trong nhiều trường học hiện nay. Không ít học sinh đã ỷ vào chuyện này để không thèm học, cũng chẳng cần cố gắng.

LTS: Tiếp tục chia sẻ câu chuyện về việc nâng điểm cho học trò, tác giả Sông Mã cho rằng làm như vậy không phải là thương học trò mà thậm chí còn là hại trò.

Bởi thực tế, nhiều học trò ỷ thế được nâng đỡ, xin điểm nên chẳng thèm học hành, coi thường môn học, coi thường giáo viên.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mấy ngày nay điện thoại của chồng (một giáo viên dạy bậc trung học cơ sở) cứ vang lên liên tục. Một điều lạ là cứ thấy anh nhìn số và chần chứ không muốn bắt máy. Có lúc bắt máy xong rồi lại ngồi thừ vẻ suy tư.

Dò hỏi thì được biết “chẳng vui vẻ gì đó là điện thoại của một vài đồng nghiệp gọi nâng điểm cho học sinh để được thi lại hoặc được lên lớp”.

Anh nói “Không cho thì khó nhìn mặt nhau mà cho thì học trò chẳng coi mình ra gì. Nó sẽ nghĩ rằng cần gì phải học cuối cùng cũng sẽ được lên lớp như bao người. Sợ rồi nhiều học sinh khác bắt chước thì nguy”.

Anh chỉ dạy những môn mà mọi người thường nói là “môn phụ”. Có lẽ vì thế mà học sinh chẳng muốn học bao giờ.

Việc nâng điểm cho học sinh là thương hay hại học trò? (Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn)
Việc nâng điểm cho học sinh là thương hay hại học trò? (Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn)

Vào lớp chúng tự do nói chuyện, gọi lên bảng cứ phán một câu chắc nịch “Em không thuộc bài”.

Chẳng lẽ lần nào gọi lên cũng cho điểm 0 nên anh nói mình đã tạo điều kiện cho các em gỡ điểm. Chỉ cần trả lời sơ sơ cũng chấp nhận. Nhưng chẳng bao giờ chúng chịu học.

Anh đã nín nhịn chỉ ngay câu ngày mai sẽ kiểm tra nhưng có em vẫn trâng tráo: “Đã bảo là em không học đâu, thầy đừng có tốn công vô ích. Thầy cứ ghi sẵn quả trứng vào đấy cho nhanh”.

Những khi kiểm tra, có đứa copy bài bạn ghi nhăng cuội ít dòng. Anh nói “Thà như thế cho nó vài điểm cũng đỡ tức. Đằng này có đứa để giấy trắng tinh, có đứa vẽ tèm lem cùng dòng chữ chú thích “thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi”.

Thế rồi, thi học kì lần này anh nói mình quyết định không nâng điểm cho bất cứ em nào dù như thế sẽ bị khống chế vào chỉ tiêu chất lượng anh từng đăng kí đầu năm.

Gọi lên bảng, có trò chỉ thuộc đúng một câu: Em không thuộc bài ảnh 2

Ghi thêm mấy điểm, có mất gì của em đâu mà em khó khăn thế?

(GDVN) - “Em buồn và bất ngờ vì chị Tổ trưởng chuyên môn nói "Có mất gì của em đâu mà em khó khăn thế?" khi chị ngỏ ý muốn xin nâng điểm cho một học sinh”.

Nhưng “Mình sẽ chấp nhận bị hạ thi đua đổi lại về sau học trò sẽ học hành nghiêm túc”.

Tưởng chỉ cần mình hạ quyết tâm là đủ. Ai dè…”. Nói tới đó, anh buông tiếng thở dài nghe thật não nùng.

Anh nói “Trên trường lẩn tránh đồng nghiệp, về nhà lẩn tránh phụ huynh nhưng cũng chẳng thoát”.

Có hôm đi dạy về thấy phụ huynh ngồi trước nhà năn nỉ:

Thầy thương thì giúp con em với. Thầy chỉ cần sửa cho cháu vài con điểm miệng nó sẽ được thi lại. Nếu ở lại một năm sẽ tốn biết bao tiền bạc và thời gian của gia đình thì tội quá thầy ạ”.

Nhiều phụ huynh tới xin trực tiếp không được đã tìm các mối quan hệ khác để tác động. Tìm hiểu ra những học sinh được thầy cô giáo trực tiếp đi xin điểm phần lớn toàn là “gà” cưng.

Đó có thể là những học sinh do chính giáo viên ấy dạy kèm hoặc là chỗ rất quen thân với thầy cô giáo.

Từ chối phụ huynh vẫn dễ, còn từ chối đồng nghiệp lại chẳng đơn giản chút nào nhất lại là Ban giám hiệu.

Anh kể: “Hôm qua, cô Hiệu trưởng mời vào phòng nói chuyện. Hỏi thăm hồi lâu cô mở lời xin cho học sinh ấy vài phết để lên lớp.

Anh đã nói em ấy không chịu học, bài thi bỏ trống giờ, em phải cho thế nào?

Cô Hiệu trưởng mở lời “Sửa thế nào chắc em cũng có cách. Giúp nó để hoàn thành chương trình lớp 9 sang năm nó ra trường mình đỡ đi gánh nặng”.

Thế rồi, anh nói mình lại vi phạm quyết tâm và đã nâng điểm cho em ấy.

Một số em khác được đồng nghiệp “bảo kê” cũng phải đáp ứng luôn sợ người ta lại phân bì này nọ. Ai cũng nói mình thương học sinh, thấy tội các em nếu phải ở lại lớp.

Chuyện xin điểm đã trở thành phổ biến trong nhiều trường học hiện nay. Không ít học sinh đã ỷ vào chuyện này để không thèm học, cũng chẳng cần cố gắng.

Các em mỗi năm cũng sẽ lên một lớp nhưng kiến thức lại chẳng có gì. Thương học trò kiểu này hay chúng ta đang trực tiếp hại các em?

Sông Mã