GS Hồ Ngọc Đại chơi chữ với nguyên TBT Nông Đức Mạnh

30/12/2011 12:00
Xuân Trung
(GDVN) - “Anh Mạnh ạ, giáo dục rất đơn giản. Chỉ có 4 chữ, anh với tôi chia nhau. Anh là “Ai cũng được học”. Còn tôi là “Ai cũng học được”.
Tối qua 29/12, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ với PV Báo điện tử GDVN về hàm ý của cụm từ trên, GS Đại cho rằng cụm từ trên được GS Đại chia sẻ với nguyên TBT Nông Đức Mạnh trong một lần nói chuyện về giáo dục, “Ai cũng được học” theo GS Đại hàm ý là toàn dân được học, vấn đề này Đảng đã lo. “Còn tôi làm nghiệp vụ sư phạm thì phải lo “Ai cũng học được”. Nếu ai cũng học được thì phải cho người ta được học, Đảng và Nhà nước phải kết hợp với giáo viên, không thể giao khoán cho ai được.” GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ những lời tâm huyết.

GS Đại nói rằng, lâu nay chúng ta quan niệm giáo dục là một tiêu chí nào đó rất cao siêu, nói dông, nói dài, nghĩ rằng giáo dục có nhiều yếu tố. “Quan niệm của tôi nghĩ giáo dục rất đơn giản, chẳng có gì khó khăn. Đi học mà không học được thì cũng vô nghĩa, Đảng phải vào cuộc, mỗi một bên phải lo phần việc của mình, bên sư phạm lo làm sao để cho người học học được, mà đi học không học được thì đi học làm gì”.
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ tại Hội thảo Khoa học sư phạm trong chiến lược phát triển giáo viên- Yếu tố căn bản đổi mới giáo dục Việt Nam:“Chúng ta cần phải quan tâm đến nghiệp vụ sư phạm hiện đại. Đó là sứ mệnh của Viện Khoa học giáo dục, Viện khoa học sư phạm". Ảnh Xuân Trung
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ tại Hội thảo Khoa học sư phạm trong chiến lược phát triển giáo viên- Yếu tố căn bản đổi mới giáo dục Việt Nam:“Chúng ta cần phải quan tâm đến nghiệp vụ sư phạm hiện đại. Đó là sứ mệnh của Viện Khoa học giáo dục, Viện khoa học sư phạm". Ảnh Xuân Trung

Trước đó, được mời chia sẻ ý kiến về kinh nghiệm làm nghiệp phạm tại Hội nghị “Khoa học sư phạm trong chiến lược phát triển giáo viên - Yếu tố căn bản đổi mới giáo dục Việt Nam” GS Hồ Ngọc Đại vẫn nhớ những quãng thời gian mình “quên mình” cho nghiệp dạy người, và để rồi ông cảm thấy cũng vì nghiệp đó mà thấy “giận” nghề sư phạm.

Đến bây giờ để sự nghiệp giáo dục đôi phần bất cập, GS Đại nhắc nhở: “Chúng ta cần phải quan tâm đến nghiệp vụ sư phạm hiện đại. Đó là sứ mệnh của Viện Khoa học giáo dục, Viện khoa học sư phạm”.

Như thế, bên cạnh việc chưa được đánh giá đúng vai trò, bản thân khoa học sư phạm - khoa học giáo dục còn cần xem lại hướng nghiên cứu, nội dung quan tâm của mình đã thực sự phù hợp?
 
Với mong muốn giúp nền giáo dục nước nhà phát triển, GS Hồ Ngọc Đại đã chia sẻ quan điểm về người thầy, đối tượng chính của khoa học sư phạm: “Thầy giáo hiện đại là người lao động sản xuất có nghiệp vụ sư phạm, như tất cả mọi người lao động. Và nghiệp vụ sư phạm hiện đại hoàn toàn khác với thời của Khổng Tử”.

Theo Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên PCT nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì, việc xác định đúng mục tiêu sư phạm sẽ dần khắc phục được chất lượng yếu kém của sư phạm hiện nay. Bà cho rằng, trong đào tạo giáo viên các cấp cần chú trọng đào tạo giáo viên cấp tiểu học.

“Theo tôi hiểu, nếu giáo dục phổ thông là nền móng  của cả hệ thống giáo dục thì tiểu học lại chính là nền móng của giáo dục phổ thông. Các nước phát triển đều theo xu thế nâng cao trình độ đào tạo của  giáo viên tiểu học, từ chỗ có trình độ đại học lên đến có trình độ cao học” bà Bình quan niệm về vai trò của mục tiêu đào tạo sư phạm.

GS, TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, với bề dày hàng chục năm gắn bó với ngành sư phạm, ông Báo cho rằng, hiện nay khi toàn ngành đang tiến hành quán triệt và triển khai chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, thì vai trò của hệ thống sư phạm lại càng lớn vì chất lượng đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục các cấp.

“Nếu không có đột phá  trong chất lượng đội ngũ giáo viên thì không thể có thành công  trong đổi mới giáo duc” GS, TS Đinh Quang Báo kết luận.
Xuân Trung