Thất vọng và kỳ vọng vào giáo dục Việt Nam:

GS Hồ Ngọc Đại: "Giáo dục phổ thông nên rút xuống 11 năm"

17/09/2012 06:00
Xuân Trung
(GDVN) - Chúng ta phải tìm một chương trình nào đó khiến học sinh không học không chịu nổi thì mới ăn thua, chứ học sinh đi học rồi nghỉ không muốn học nữa thì nói làm gì.
LTS: Trước thực trạng của nên giáo dục hiện nay, nhiều người cho rằng cần phải có những bước đi mới để thay đổi căn bản và toàn diện. Nhưng thay đổi như thế nào đang là vấn đề nhức nhối, đau đầu của những người quan tâm tới giáo dục nước nhà. Về vấn đề này, PV báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với GS Hồ Ngọc Đại - cha đẻ của mô hình trường Thực nghiệmTrong chuyên đề bàn về những "thất vọng và kỳ vọng vào nền giáo dục" của Báo Giáo dục Việt Nam, trước thềm Hội nghị TƯ 6, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ những trăn trở về giáo dục phổ thông.


"Theo tôi phải tạo ra sự phát triển thực sự cho trẻ con, sự phát triển thực sự đó phải đạt tới lợi ích thực sự, mang lại lợi ích thực sự. Lợi ích thực sự này phải ngay bây giờ, ngày mai, ngày kia phải có lợi ích" - GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ về định hướng cho giáo dục Việt Nam. Ảnh Xuân Trung
"Theo tôi phải tạo ra sự phát triển thực sự cho trẻ con, sự phát triển thực sự đó phải đạt tới lợi ích thực sự, mang lại lợi ích thực sự. Lợi ích thực sự này phải ngay bây giờ, ngày mai, ngày kia phải có lợi ích" - GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ về định hướng cho giáo dục Việt Nam. Ảnh Xuân Trung

Hãy vì lợi ích của trẻ con

- Làm giáo dục, sống cùng dòng chảy giáo dục, ông thấy nền giáo dục của chúng ta chuyển động như thế nào?

GS Hồ Ngọc Đại: Cho tới bây giờ nền giáo dục của chúng ta không gắn với thực tiễn cuộc sống mà chủ yếu vẫn theo đường lối của Khổng Tử, giáo dục hiện nay khi đã hoang mang trước thời đại thì lại quay đầu về quá khứ giống như “Tiên học lễ, hậu học văn”. Thời Khổng Tử học là để thi, thi trên giấy, thi trên ngôn từ. Thời đó không thực tiễn, mỗi một người một chõng tre tưởng thế là nghiêm chỉnh, nhưng đó cũng chẳng để làm gì. Chúng ta hiện nay đang bị mê muội như vậy vì bản chất của việc đó là không nghiêm túc, đó là hình thức kiểm tra trí nhớ của con người bằng ngôn từ, trò chơi bằng ngôn từ, như vậy không có ích gì cho đời sống, không có tiêu chuẩn gì về thực tế.

Trước hội nghị Trung ương 6, vấn đề đổi mới giáo dục lại một lần nữa trở thành "điểm nóng". Giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước… tuy nhiên sau ba lần hô hào đổi mới thì cho tới nay nền giáo dục nước nhà vẫn còn bộc lộ quá nhiều bất cập. Đó là lý do vì sao Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức chuyên đề “Thất vọng và kỳ vọng vào giáo dục Việt Nam”.

Mời các chuyên gia, độc giả quan tâm tới vấn đề đổi mới giáo dục Việt Nam gửi bài về toàn soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn

Chủ tịch nước:

Chủ tịch nước: "Cần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực chất"

Giáo dục bây giờ chỉ hơn nhau bằng cách lấy lòng cấp trên, hơn nhau ở chỗ được lòng thầy chứ không hơn nhau bằng thực lực. Một chương trình không tạo ra thực lực cho con người mà tạo ra sự lèo lá, sự khôn khéo, những cái đó ra đời thì vô nghĩa. 
Học vấn mỗi thời mỗi khác, ngày  trước chỉ 5% dân số đi học còn 95% mù chữ để làm lụng nuôi sống số 5% kia, 5% kia muốn nói gì thì nói, chẳng ai quan tâm. Bây giờ 100% dân cư đi học, lấy mốc từ đầu thế kỷ XIX một đứa trẻ được sinh ra thì năm 2007 vào lớp 1, số đó 100% vào năm 2019 được đi bầu cử, tức là lúc này nền giáo dục hoàn toàn khác, do vậy tư tưởng phải khác, phải có lợi ích thực tiễn.  
- Chúng ta cần hướng tới mục tiêu gì, thưa GS?

GS Hồ Ngọc Đại: Theo tôi phải tạo ra sự phát triển thực sự cho trẻ con, sự phát triển thực sự đó phải đạt tới lợi ích thực sự, mang lại lợi ích thực sự. Lợi ích thực sự này phải ngay bây giờ, ngày mai, ngày kia phải có lợi ích. Học sinh học lớp 1 bước chân vào trường phải có lợi ích riêng của nó, hết lớp 1 có lợi ích khác, phải sống bằng cái đó chứ không phải sống bằng cái vu vơ. 
- Như vậy cái cụ thể ở đây là gì, thưa ông?

GS Hồ Ngọc Đại: Tôi nói trẻ con là trẻ con, trẻ con luôn luôn đúng, không thích là không thích, trẻ con chưa có cảm giác gì cho lợi ích riêng. Tại sao trẻ con chơi hứng thú như thế, dứt ra không dứt được, đó là mang lại lợi ích cho trẻ con. Thế cho nên chúng ta phải tìm một chương trình nào đó khiến học sinh không học không chịu nổi thì mới ăn thua, chứ học sinh đi học rồi nghỉ không muốn học nữa thì nói làm gì, trẻ con rất thật, vì trẻ con cảm nhận được đi học có ích thì mới có hứng thú, ngược lại đi học mà không có ích rồi lại khốn khổ nữa thì sẽ chán. Muốn thế phải thay đổi tận gốc, tận nguyên lí, tận hồn, tận thần của giáo dục. Đó là chương trình giáo dục hiện nay phải thực tiễn hơn, đời hơn, vì cuộc sống của trẻ con, vì lợi ích của chính đứa trẻ chứ không phải lợi ích người lớn. 
“Càng chạy nhanh thì càng đi chậm”

- Liệu có phải chương trình, mô hình mà ông đã từng xây dựng (trường Thực nghiệm) đã tỏ ra hiệu quả, và hình ảnh cụ thể nhất là phụ huynh đã từng xô đổ cổng để vào mua đơn cho con theo học?

GS Hồ Ngọc Đại: Mô hình, chương trình này ngày xưa tôi nói không ai tin, tôi vẫn nói khi nào thầy không giảng bài và học trò không cần cố gắng thì nền giáo dục mới đi lên được. Nhiều người nói rằng, nếu thầy không giảng bài thì thầy đi bán cháo phổi à? Tôi vẫn bảo, chừng nào còn hô hào người ta đi nhanh bằng đôi chân thì không bao giờ nhanh được, đi nhanh mà không dùng chân, nói như vậy nghe có vẻ vô lí nhưng tôi bảo càng không dùng chân bao nhiêu thì đi càng nhanh bấy nhiêu và nhiều người không tin. Tuy nhiên “chân” vẫn dùng nhưng vai trò của nó là rất nhỏ, thầy giáo càng nói nhiều, càng giảng huyên thuyên bao nhiêu thì hiệu quả càng thấp bấy nhiêu.

Tôi mở trường Thực nghiệm là để hỏi học sinh: “Thưa các em, thầy làm thế có đúng không?” Thực nghiệm là thế. Học sinh bảo không được thì mình phải sửa. Ảnh Xuân Trung
Tôi mở trường Thực nghiệm là để hỏi học sinh: “Thưa các em, thầy làm thế có đúng không?” Thực nghiệm là thế. Học sinh bảo không được thì mình phải sửa. Ảnh Xuân Trung
- Hiện nay có ý kiến cho rằng, giáo dục phổ thông nên rút ngắn xuống dưới 12 năm, GS có quan điểm gì về vấn đề này?

GS Hồ Ngọc Đại:Tôi đề nghị rút xuống còn 11 năm, gọi là phổ thông nhưng có 9 năm bắt buộc, đối với xã hội hiện đại thì 9 năm là đủ. Trẻ con 16 tuổi bây giờ khác 16 tuổi ngày trước. Học sinh ra học ngoài đời càng sớm càng tốt nhưng sớm ở mức độ như thế nào để an toàn thì 9 năm là đủ. Học xong 9 năm  học sinh có thể đi ra học nghề, nhà trường vẫn để cho 2 năm học phổ thông nếu có nhu cầu. Và, mô hình cấp học này theo tôi nên để 6 năm tiểu học và 3 năm THCS. Vì 6 năm tiểu học, học sinh lúc đó 12 tuổi đã trưởng thành, 11 tuổi cũng đã trưởng thành nhưng để thêm 1 năm nữa trong vòng tay bố mẹ để đảm bảo an ninh đất nước.
- Vậy GS có mường tượng ra ưu và nhược điểm của hệ 11 năm sẽ như thế nào?

GS Hồ Ngọc Đại: Tất nhiên sẽ hiệu quả hơn, mang lại hạnh phúc cho nhân dân hơn, mang lại lợi ích thiết thực hơn, từ đó mang lại lợi ích cơ bản cho dân tộc hơn. Tôi lấy lợi ích của nhân dân, lợi ích của trẻ con làm chuẩn. Ở đây phải hiểu, không phải tất cả 100% học sinh đi học là ở hệ 11 năm, có học sinh chỉ học 9 năm là đủ, số còn lại chỉ 30-40% học  thêm 11 năm.
- Về cơ bản để tụt hậu, theo GS hướng đi nào là phù hợp cho nền giáo dục Việt Nam hiện nay?
GS Hồ Ngọc Đại: Chỉ có giải pháp là mang lại những hạnh phúc trẻ con và xác định cái đó là lớn nhất, trẻ con thích đi học thì may ra thành công, trẻ con không thích đi học thì đau khổ lắm, tức là thất bại không có bàn cãi gì nữa. Phải tôn trọng lợi ích của trẻ con, không được biến lợi ích của người lớn làm chuẩn, cái đó là sai lầm lớn nhất. 
- Như vậy là phải thay đổi tư duy một cách căn bản, ngoài ra còn yếu tố nào nữa không, thưa GS?

GS Hồ Ngọc Đại: Ngoài ra, nguyên tắc xây dựng chương trình cũng phải khác, phương pháp giảng dạy cũng phải khác, nội dung phải khác, cách làm việc thầy và trò phải khác, cách học trò học cũng khác. Bây giờ xã hội biến động, một ngày bằng 20 năm, giáo dục không thể trì trệ như thế được. Cho tới ngày hôm nay nền giáo dục này vẫn là nền giáo dục cũ.

Tôi mở trường Thực nghiệm là để hỏi học sinh: “Thưa các em, thầy làm thế có đúng không?”. Thực nghiệm là thế, học sinh bảo không được thì mình phải sửa. Hiện nay tư duy trong giáo dục vẫn là tư duy cũ, tư duy nhìn không xa, rất lạc hậu.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Xuân Trung