GS Trần Lâm Biền - Nhà nghiên cứu chua ngoa nhất nước

28/05/2013 07:00
Quyên Quyên
(GDVN) - "Thế hệ chúng tôi làm việc như nhảy trong bụi ra để đánh du kích. Ít nhiều những người thành công, thành danh đều xuất phát là những người không đào tạo bài bản. Điều quan trọng là sự tự tin, hứng khởi với công việc"...
"Lầu nghênh phong"và nhà nghiên cứu cần mẫn 55 năm
Tôi gặp GS Trần Lâm Biền, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo hay, trong một căn phòng làm việc khá đặc biệt. Một căn phòng mọc lên từ tầng thượng của tòa nhà hai tầng thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, xưa cũ và tách biệt. Trước sự ngỡ ngàng của tôi, GS Trần Lâm Biền nói luôn, đầy vẻ tự hào: “Đây là tòa nhà của Tây thời cũ, người ta không muốn sửa. Căn phòng này là Lầu nghênh phong của người chủ toàn bộ khu nhà, hắn dùng để đón gió, uống rượu và tiếp người tình. Vì vậy, ai sống trong lầu đều trẻ rất lâu. Đây cũng là nơi tự do nhất của cả khu nhà”.

Quả thực, tôi đã nhìn thấy khẩu hiệu trên bàn làm việc của GS Trần Lâm Biền: “Có tự do cao độ mới có khoa học cao thâm”.

Căn phòng "Tạp chí di sản" nhỏ bé, sách báo chiếm hầu hết không gian trong phòng. Từ nơi này GS Trần Lâm Biền đã đã thực hiện hàng trăm bài viết nghiên cứu với nhiều đầu sách khác nhau. Thế nhưng, khi được hỏi GS đã làm việc trong căn phòng này được bao lâu, ông trả lời: “Tôi có biết đâu, tôi đến đây để làm nhiệm vụ quét nhà, đun nước ấy mà”. 

GS Trần Lâm Biền chỉ cho tôi cây tường vi nở hoa kín cây dọc lối đi vào phòng làm việc. Quả thực, từ nơi cao nhất này có thể trải tầm mắt ngắm toàn bộ khung cảnh bên ngoài. Từ nơi làm việc này, tôi bắt đầu cuộc trò chuyện thú vị với GS Trần Lâm Biền, với chất giọng chậm rãi mà len lỏi cảm xúc.

GS Trần Lâm Biền chia sẻ: Các nhà nghiên cứu khoa học gọi tôi là: “Thằng nghiên cứu chua ngoa nhất nước”. Thật đúng như vậy, bản chất của tôi là ghét những người kênh kiệu, hoang tưởng về bản thân, những kẻ “cuốc vào mặt tới 7 ngày chưa thấy tên đâu, bổ đầu ra toàn thấy đất với bã đậu”. Chỉ riêng cách ví von này thôi, cũng dễ dàng hiểu ông… chua ngoa đến mức nào.

GS Trần Lâm Biền là một trong số những người hiếm hoi làm việc trong suốt 55 năm qua với chỉ một ngành (Ảnh: Quyên Quyên)
GS Trần Lâm Biền là một trong số những người hiếm hoi làm việc trong suốt 55 năm qua với chỉ một ngành 
 (Ảnh: Quyên Quyên)

GS Trần Lâm Biền sinh năm 1938 trong một gia đình trí thức Hà Nội xưa. Cha của ông là Bác sỹ Trần Lâm Bảo (1905-1985), là 1 trong 10 vị bác sỹ đầu tiên của Việt Nam ngày trước. Gia đình ông có 12 anh chị em, hầu hết đều là trí thức. Những tưởng GS Trần Lâm Biền sẽ theo ngành y giống như cha của mình, nhưng cuộc đời rẽ sang một hướng khác.

Ông chia sẻ: “Trong những năm 50, 60 của thế kỷ XX, không phải ai trong hàng ngũ tri thức cũng có toàn quyền đi theo ước muốn của mình về sự nghiệp, cho nên những sự nhào nặn của tổ chức và những va đập của cuộc đời hướng họ đi theo một con đường khác với ước vọng”. Thật vậy, khi còn nhỏ, Trần Lâm Biền rất thích học khoa học tự nhiên, trong đó có toán học và hóa học. Nhưng rồi, sự gặp gỡ vô tình với Đặng Xuân Thiều, anh em họ với cố Tổng bí thư Trường Chinh đã đưa Trần Lâm Biền về với ngành văn hóa, sau đó vào biên chế nhà nước.

Có lẽ ông là một trong số những người hiếm hoi làm việc trong suốt 55 năm qua với chỉ một ngành, cụ thể là ngành văn hóa. Trong ngành, ông tập trung nghiên cứu di sản văn hóa thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Bảo tồn di sản, mỹ thuật truyền thống, tôn giáo tín ngưỡng...

Đầu những năm 1960, khi còn là cậu thanh niên trẻ tuổi, Trần Lâm Biền thường đi địa phương, phân tích và xác minh di tích, nhất là những di tích xếp hạng. Đó là những năm tháng lăn lộn với di tích, trên con đường không lối mòn lại lắm chông gai. Giai đoạn đầu mới bước vào nghề, Trần Lâm Biền làm nhiệm vụ đánh giá di sản dưới góc độ khảo cổ học. May mắn thay, GS được tiếp cận phương pháp điền dã khoa học. Từ nghệ thuật của những những tấm bia, kiến trúc có ghi niên đại để đối sánh với những nơi không có niên đại. Bước phát triển tiếp theo trong nghề nghiệp đòi hỏi phải quan tâm đến vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, bước vào con đường dân tộc học mỹ thuật để tiếp cận giá trị biểu tượng của di sản.

GS Trần Lâm Biền cho biết: “Gần đây chúng ta mới bàn đến vấn đề liên ngành, xuyên ngành, đa ngành nhưng chúng tôi đã đi theo cách thức đó từ trước mà không nói rõ được tên của nó". Nghĩ lại quá khứ, GS Trần Lâm Biền lại ngậm ngùi: "Nhưng cho đến thời điểm này không biết việc địa phương xác minh di tích nằm ở bộ phận nào của Bộ Văn hóa”.

Những công trình không lừa dối

Trong thời gian theo nghề, GS Trần Lâm Biền may mắn được con chim đầu ngành dân tộc học là cố GS Nguyễn Đức Từ Chi, dìu dắt. Thầy Từ Chi đã dạy cho Trần Lâm Biền mọi phương pháp của Âu-Mỹ, các nước trên thế giới, cung cấp rất nhiều tư liệu của thế giới để đối sánh. Về đạo, GS Trần Lâm Biền có sự may mắn tuy hơi muộn là sự gặp gỡ với người thầy lớn - cố Đại lão Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận (viên tịch tại chùa Hòe Nhai). Bên cạnh đó, những người bạn lớn như GS Trần Quốc Vượng cũng đã giúp đỡ ông rất nhiều. GS Trần Quốc Vượng đã từng nói: “Tôi với ông Biền đi địa phương, ít nhất như thế là tạm đủ”. Những người đó đã cùng GS Trần Lâm Biền bước đi trên con đường trường chinh trí tuệ. 

GS Trần Lâm Biền chia sẻ: "Thế hệ chúng tôi làm việc như nhảy trong bụi ra để đánh du kích. Ít nhiều những người thành công, thành danh đều xuất phát là những người không đào tạo bài bản. Điều quan trọng là sự tự tin, hứng khởi với công việc". Đó là những cuộc đi dã ngoại, khảo sát vùng dân tộc của Siberia, phía Bắc thuộc Nam Trung Hoa, Châu Âu đã khiến cho con mắt và tâm hồn người khảo cổ mơ mộng, biết đặt văn hóa Việt ở trong hệ văn hóa chung.

Từ đó, GS Trần Lâm Biền nhận định: “Nhiều người nhìn thấy di dản văn hóa người Việt quá nhỏ bé so với nước ngoài, song chúng tôi lại nhìn thấy đó là sự kiện lịch sử, là vinh quang của chính dân tộc. Bởi di sản nhỏ bé khẳng định sự độc lập của nước ta trước nền văn hóa lớn. Di sản văn hóa người Việt nhỏ nhưng tinh tế, kiến trúc đầm ấm, chạm trổ không phải để làm đẹp mà đó là là tâm hồn, tiếng nói muôn đời, muôn thuở. Kiến trúc cửa người Trung Hoa to lớn, đồ sộ nhưng chạm trổ rất ít.

GS Trần Lâm Biền quan niệm, đã là người nghiên cứu thì nhất thiết phải có những “công trình không lừa dối”. Ông cho biết: “Điều tệ hại nhất của con người đó là tính hay nịnh hót chính mình, lương tâm của mình, quy phục và sợ hãi trước một thế lực khác, là đồng tiền, uy quyền. Vì vậy, họ thường hay cướp thị trường trí tuệ bằng cách công bố những tư liệu hay, những cuốn sách đầy sự kiện có vẻ như mới”. Cụ thể, khi mới chỉ nghe di tích ở đâu đó có vấn đề đã đổ xô đến, công bố ầm ĩ, đó gọi là “tranh cướp thị trường trí tuệ".

Ví dụ sự việc chùa Trăm gian đã từng bị dỡ bỏ và xây mới toàn bộ, người ta đổ xô đến kẻ tung, người hứng, họ đập nát về nhận thức, không phải tan nát về ngôi chùa. Song những người hiểu biết, nghiên cứu sâu vào tính chất của vấn đề sẽ nhìn chùa Trăm gian như một sự kiện biểu hiện vấn đề ứng xử với di sản văn hóa nói chung, không rơi vào ồn ào. Điều này dẫn đến nhận thức kém, ứng xử kém. Việc thực hiện những việc tu bổ trên nền tảng ngôi chùa, nhiều khi không vì di sản mà vì tiền, vì nhiều vấn đề khác. Đó là ẩn núp trong ánh sáng để thực hiện sự tối tăm của tâm hồn, cho rằng mọi chuyện là chân lý để thực hiện mưu đồ cá nhân. 

GS Trần Lâm Biền được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu như: Phật giáo và văn hóa dân tộc, Chùa Việt, Đình làng Việt Nam... GS cho biết, trong việc viết sách, người nghiên cứu sẽ có hai lĩnh vực, viết sách giới thiệu tham khảo và viết sách công cụ. Sách công cụ là sách lý luận, khoa học, là sách bệ đỡ cho những công trình liên quan. Cả quá trình dài nghiên cứu, GS Trần Lâm Biền chỉ viết sách công cụ là chủ yếu, để người đọc nhìn ra vấn đề chứ không phải giới thiệu, bởi giới thiệu chỉ là cái nhất thời, vấn đề mới là cái muôn thưở.
Một số công trình nghiên cứu của Giáo sư Trần Lâm Biền:

1. Phật giáo và văn hóa dân tộc, Trần Lâm Biền, Hà Nội, 1990
2. Đồ thờ trong di tích của ngừơi Việt, Trần Lâm Biền, Hà Nội, NXB Văn hóa thông tin, 2003
3. Một con đường tiếp cận lịch sử, Trần Lâm Biền, Nxb Văn hóa dân tộc, 2003
4. Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình Việt
5. Chùa Việt
6. Trang trí trong nghệ thuât tạo hình Việt
7. Đồ thờ của người Việt, Một con đường tiếp cận lịch sử,
8. Diễn biến kiến trúc truyền thống của người Việt
9. Đình làng Việt Nam
Quyên Quyên