Hỗ trợ tiền cho sinh viên sư phạm rất quý nhưng chưa phải giải pháp tối ưu

24/11/2020 11:26
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy định mới về việc hỗ trợ tiền sinh hoạt và miễn học phí cho sinh viên sư phạm chưa phải là giải pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng đầu vào.

Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm vừa được Chính phủ ban hành ngày 25/9 được kỳ vọng sẽ thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.

Nghị định này quy định: Sinh viên sư phạm sẽ được được hỗ trợ tiền đóng học phí, bên cạnh đó còn được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại trường.

Khi học sinh giỏi quay lưng với ngành sư phạm

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Mộng Lai, Tổ trưởng Tổ Sinh Thể Công nghệ Quốc phòng, Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết: Nhiều năm nay, học sinh giỏi không lựa chọn ngành sư phạm, có ngành sư phạm ở trường một số nơi phải dừng tào tạo vì không thể tuyển sinh.

Thầy Lai chia sẻ: “Có một nghịch lý đáng buồn là các phụ huynh đều mong muốn con mình được học với giáo viên giỏi, thế nhưng có rất ít học sinh giỏi lựa chọn theo nghề giáo. Điều này thực sự rất đáng lo”.

Thầy Lai cho biết, học trò cũ của mình đang học tại một trường đại học đã chia sẻ sự thật đáng buồn của ngành sư phạm: Số lượng sinh viên theo học ngành sư phạm Sinh học của trường này trong 1 khóa chỉ có 6 sinh viên. Thế nhưng, ba khóa tiếp theo, việc đào tạo ngành này đành phải dừng lại vì không thể tuyển sinh.

Thầy Trần Mộng Lai (bên phải) khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên ngành sư phạm (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Trần Mộng Lai (bên phải) khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên ngành sư phạm (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo thầy Lai, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới việc học sinh quay lưng với ngành sư phạm chính là vấn đề việc làm sau khi ra trường.

Thầy giáo trăn trở: “Nhiều em đam mê ngành sư phạm lắm, thậm chí là nuôi ước mơ từ nhỏ nhưng vẫn không thể chọn vì lo sợ không có việc làm.

Một học sinh cũ của tôi học lớp Chất lượng cao ngành Sư phạm Sinh học tại Đại học Sư phạm Hà Nội kể rằng, tổng số lớp có 15 sinh viên thì chỉ có 7 sinh viên ra trường trở thành thầy cô giáo, còn lại 8 em phải lựa chọn con đường khác khi không tìm được cơ hội cho mình”.

Ở góc độ là người sắp lựa chọn ngành học vào năm sau, em Hồ Thị Hiền Thảo, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết: bản thân dự định sẽ theo học ngành Sư phạm Tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo chia sẻ của Hiền Thảo, bố mẹ em đều là giáo viên nhưng ban đầu không định hướng con gái theo học ngành sư phạm, riêng bản thân em cũng không có ý định theo nghề giáo viên.

Cho đến khi Hiền Thảo đạt kết quả 8.0 IELTS thì bố mẹ mới định hướng con gái học ngành sư phạm.

Hiền Thảo cho biết: “Trước đây, bố mẹ không muốn em học sư phạm vì cơ hội nghề nghiệp thấp, đồng lương chưa tương xứng so với sự vất vả của nghề.

Sau này, khi em thi IELTS đạt kết quả cao, bố mẹ muốn em học sư phạm để sau này dạy học ở Trung tâm”.

Mục tiêu theo học ngành sư phạm của Hiền Thảo không phải là sau này làm việc tại các trường mà là dạy IELTS tại các Trung tâm Tiếng Anh.

Hiền Thảo khẳng định: “Học sư phạm tiếng Anh vẫn có cơ hội việc làm rộng mở, nếu sở trường, thế mạnh với môn học khác, em sẽ không chọn thi ngành sư phạm”.

Thầy Hồ Văn Nhật Trường (bên trái) chia sẻ, sinh viên sư phạm cần học tập và tìm kiếm cơ hội, khẳng định bản thân và đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục hiện nay. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Hồ Văn Nhật Trường (bên trái) chia sẻ, sinh viên sư phạm cần học tập và tìm kiếm cơ hội, khẳng định bản thân và đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục hiện nay. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cần mở rộng đầu ra, đảm bảo sinh viên sư phạm có việc làm

Có thể thấy rằng, mối quan tâm lớn nhất của các học sinh khi chọn ngành sư phạm chính là vấn đề việc làm.

Hà Huy Công, sinh viên năm nhất Trường Đại học sư phạm Hà Nội chia sẻ quyết định chọn nghề giáo xuất phát từ đam mê, vì tình yêu với nghề dạy học. Là học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học, Công được tuyển thẳng vào trường.

Tuy nhiên, với quyết định học ngành sư phạm, Hà Huy Công gửi lá đơn đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An trình bày nguyện vọng sau khi ra trường được về công tác tại tỉnh nhà.

Nói về quy định mới sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền sinh hoạt, Hà Huy Công khẳng định: “Quy định này có thể là yếu tố làm tăng sức hút cho ngành Sư phạm, từ đó tăng tính cạnh tranh và nâng cao chất lượng đầu vào.

Riêng bản thân em theo đuổi nghề vì đam mê nên em quan tâm nhất là vấn đề sau này mình có cơ hội để được sống với nghề, cống hiến đam mê đó hay không”.

Chia sẻ về chính sách trên, thầy Trần Mộng Lai khẳng định: “Chính sách hỗ trợ tiền sinh hoạt cho sinh viên sư phạm có thể thu hút nhiều học sinh đến với nghề, nâng cao chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp tối ưu, không thể giải quyết triệt để bài toán chất lượng đào tạo sư phạm hiện nay”.

Theo thầy Lai, song song với việc nâng cao chất lượng đầu vào phải giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên ngành Sư phạm, phải đảm bảo cho các em được công tác tại các cơ sở giáo dục sau khi ra trường.

Mặc dù được hỗ trợ về tài chính nhưng bài toán việc làm vẫn chưa được giải quyết thì chắc chắn vẫn còn nhiều học sinh giỏi băn khoăn trước khi bước vào cánh cổng trường sư phạm. Thậm chí nhiều học sinh giỏi chọn ngành sư phạm nhưng liệu rằng sau này cơ hội nghề nghiệp có thực sự đến với các em không.

"Ngoài việc tạo sức hút đầu vào còn cần mở rộng đầu ra cho ngành sư phạm. Cần vạch ra lộ trình cụ thể, từ việc công bố chỉ tiêu, tổ chức thi tuyển viên chức. Quan trọng hơn, khi đã thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, phải có chính sách đảm bảo để các em có việc làm, được cống hiến, xây dựng, phát triển nền giáo dục”, thầy Trần Mộng Lai chia sẻ.

Thầy Hồ Văn Nhật Trường, thủ khoa khoa sinh Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là giáo viên của Trường Trung học Thực hành - Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định:

“Quy định mới hỗ trợ tiền sinh hoạt cho sinh viên sư phạm có những quy định ràng buộc kèm theo rất hợp lý, các bạn phải ký đơn là hoạt động trong ngành giáo dục từ 2 - 5 năm, nếu sau khi ra trường bạn không cống hiến cho nghề thì các bạn sẽ gửi lại mức học phí cho nhà nước là công bằng”.

Tuy nhiên, thầy Trường cũng trăn trở trước câu chuyện đầu ra của ngành sư phạm.

Theo chia sẻ của thầy Trường, cơ hội nghề nghiệp với ngành sư phạm đang rất rộng mở, các bạn có thể công tác tại các trường công lập, trường tư thục, trường Quốc tế hay các cơ sở giáo dục tư nhân,...

Tuy nhiên, sinh viên ngành sư phạm trong quá trình học tập các bạn tự tìm cơ hội và khẳng định bản thân nhiều hơn để đáp ứng những yêu cầu của ngành hiện nay.

Thầy Hồ Văn Nhật Trường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học để đảm bảo chất lượng đầu ra, đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng của các trường phổ thông.

Bên cạnh đó, thầy Trường cũng cho biết, muốn thu hút đầu vào cho ngành sư phạm cần phải đảm bảo sự quan tâm, hỗ trợ cho giáo viên. Ngoài ra, khi giáo viên có mức sống ổn định thì họ sẽ toàn tâm toàn ý đầu tư, cống hiến cho giáo dục, đưa nền giáo dục phát triển đi lên.

Phạm Minh