Mới đây, một số sinh viên trúng tuyển ngành sư phạm thông qua xét tuyển học bạ của Trường Đại học Sư phạm Huế (Đại học Huế) khá bất ngờ khi nhận được thông báo kết quả xét học bạ với yêu cầu tạm thu 5 triệu đồng học phí học kỳ 1 năm học 2020-2021.
Thu hồi thông báo
Theo “giấy báo kết quả xét học bạ” do Đại học Huế phát hành thì trong hồ sơ nhập học ngoài các loại giấy tờ cần thiết thì còn có mục yêu cầu “học phí học kỳ 1 năm học 2020-2021 tạm thu: 5 triệu đồng”. Thông báo này được gửi đến cả sinh viên ngành sư phạm.
Đại học Huế đã thu hồi thông báo yêu cầu tạm thu 5 triệu đồng học phí học kỳ 1 đối với sinh viên các ngành sư phạm. Ảnh: AN |
Tuy nhiên, Luật giáo dục 2019 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020 quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.
Cụ thể, khoản 4 điều 85 của Luật này nêu rõ: “Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.
Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ.
Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.
“Chiếu theo quy định này của Luật giáo dục thì việc ban hành thông báo tạm thu học phí 5 triệu đồng/học kỳ 1 của Đại học Huế là sai luật”, một phụ huynh cho hay.
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế xác nhận có sự cố nói trên.
Theo thầy Phương, giấy báo tuyển sinh nói trên là do Đại học Huế ban hành chứ không phải do Trường Đại học Sư phạm Huế phát ra.
“Sau khi nhận được thông tin phản ánh thì trường đã có trao đổi, đề xuất với Đại học Huế để phát lại thông báo mới cho sinh viên.
Về nguyên tắc tuyển sinh thì Đại học Huế là đầu mối và ra thông báo dựa trên đề án tuyển sinh của Trường.
Cũng có thể do một sự nhầm lẫn nào đó nên người ta ra sai. Khi phát hiện sai thì nhà trường đã có động thái trao đổi với phụ huynh, giải thích rõ khi họ điện đến.
Đồng thời, báo cáo với Đại học Huế để sửa lại giấy mời cho đúng với thí sinh. Hiện đã sửa lại thông báo, kể cả điều kiện”.
Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh - Giám đốc Đại học Huế, sau khi nhận thông tin phản ánh thì Đại học Huế đã có giải trình trên hệ thống tuyển sinh. Trong đó, đối với các ngành sư phạm thì không phải nộp học phí.
"Trước đó, vì là giấy thông báo chung phát cho tất cả các ngành đào tạo của Đại học Huế nên mới có sự nhầm lẫn như trên. Việc thông báo cho các ngành sư phạm là không đúng nên chúng tôi đã sửa", thầy Linh nói.
Phát giấy thông báo có phạm luật?
Cũng trong “giấy báo kết quả xét học bạ” do Đại học Huế phát hành thì ngoài thông báo số điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển thì có ghi rõ: “đã đạt điểm trúng tuyển theo phương thức xét học bạ ngành…
Sau khi có kết quả xét tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, nếu thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông (đối với thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020) hoặc thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông những năm trước thì giấy báo này được xem như giấy báo trúng tuyển.
Từ thông báo này đã nảy sinh nhiều ý kiến cho rằng, theo khoản 1 điều 20 của Quy chế tuyển sinh 2020 về việc thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học có nêu rõ:
“Hội đồng tuyển sinh trường gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đã đáp ứng đủ các điều kiện trúng tuyển theo quy định của Quy chế này và quy định của trường”.
Việc Đại học Huế gửi thông báo trúng tuyển khi thí sinh chưa thi tốt nghiệp trung học phổ thông là sai quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh giữa các trường Đại học.
Trao đổi với vấn đề này, Phó Giáo sư Lê Anh Phương cho hay, đây chưa phải là giấy báo trúng tuyển. Đó chỉ là một thông báo, nếu như thí sinh đáp ứng thêm một số điều kiện nữa thì giấy báo đó mới được xem như giấy báo trúng tuyển.
Còn Giám đốc Đại học Huế cũng khẳng định, đây không phải là giấy báo trúng tuyển.
Nó chỉ là một thông báo cho học sinh, khi học sinh đó có đủ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông thì sẽ được coi như trúng tuyển, khỏi phải thông báo lại. Đấy là một cách làm thuận tiện cho cả thí sinh và cơ sở giáo dục đại học - thầy Linh nói.