Học Toán chỉ để đi thi sẽ làm học sinh mệt mỏi

06/09/2019 08:31
Tùng Dương
(GDVN) - Việc dạy Toán hiện nay dường như chỉ chạy theo khối lượng kiến thức thi cử mà ít chú ý đến cách dạy và hứng thú của người học, nội dung nặng về giải bài tập.

Việc dạy Toán hiện nay dường như chỉ chạy theo khối lượng kiến thức thi cử mà ít chú ý đến cách dạy và hứng thú của người học, nội dung hiện còn nặng về yêu cầu giải bài tập, nhất là các dạng bài tập mẹo rất lắt léo.

Những bài tập như thế về cơ bản chỉ phục vụ việc thi cử chứ không giúp hình thành và phát triển tư duy năng lực người học, nên dẫn đến việc học sinh không hứng thú với môn Toán.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - nguyên giáo viên môn Toán tại Trường Trung học phổ thông Thăng Long - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ:

“Toán học là môn tôi say mê từ bé, tôi vẫn thường quan tâm, vui buồn trăn trở với nó hàng ngày.

Toán học là một môn có thể nói làm cho con người ta thông minh hơn, sáng tạo hơn, có óc tư duy tổng hợp với những không gian rộng.

Tiếc rằng giai đoạn gần đây do lý thuyết về đại số, về tập hợp phát triển nhanh quá nên nhà trường phổ thông cũng như những người biên soạn chương trình đã vô tình coi nhẹ môn toán. Chính vì sự vô tình đó mà thực tế hiện nay học sinh rất kém môn Toán và Hình học”.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc : "Học Toán chỉ phục vụ việc thi cử chứ không giúp hình thành và phát triển tư duy năng lực người học, nên dẫn đến việc học sinh không hứng thú với môn Toán". Ảnh: Tùng Dương.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc : "Học Toán chỉ phục vụ việc thi cử chứ không giúp hình thành và phát triển tư duy năng lực người học, nên dẫn đến việc học sinh không hứng thú với môn Toán". Ảnh: Tùng Dương.

Làm sao cho học sinh thích môn Toán?

“Đây là cả một vấn đề lớn, tôi có 4 đứa cháu nội và tôi đã “thí nghiệm” ngay từ nhỏ với suy nghĩ làm sao để các cháu thích học Toán.

Trước hết, tôi phải làm cho các cháu thấy thích môn Toán, tôi vẽ hình rồi đố các cháu tìm xem trong đó có bao nhiêu hình tam giác, hình vuông… tôi nói các cháu hãy nhìn thật kỹ rồi chỉ ra cho ông xem, đó cũng là rèn tính cẩn thận, không hấp tấp cho các cháu.

Môn Toán có các nhánh là số học, đại số và hình học, tôi nói rằng các cháu thử xem những con số mà cháu thấy hàng ngày là con số gì nhỉ, nó ở đâu ra?

Tôi lại giải thích rằng con người xưa kia dùng cách đếm ngón tay, ngón chân để tương ứng với số lượng hàng hóa, nhưng rồi số lượng ngày một nhiều hơn nên không thể dùng cách đếm như cũ, chính vì thế người ta mới phát minh ra những con số để áp dụng vào cuộc sống.

Chính vì vậy mà các con số cũng từ cuộc sống mà ra, giúp ích cho cuộc sống con người. Tôi cũng áp dụng cách giải thích cho các cháu về số âm và số dương, phân số bằng những ví dụ dễ hiểu như việc cắt bánh chưng ngày Tết.

Tôi nói cháu cắt bánh chưng thành 8 phần bằng nhau, nếu cháu ăn một phần thì có nghĩa là 1/8 chiếc bánh, và nếu cháu ăn 2 phần thì có nghĩa là 2/8 chiếc bánh.

Và 2/8 là gì? Nếu như cháu không chia 8 mà chỉ chia chiếc bánh làm 4 phần thôi thì có nghĩa là cháu ăn hết 1/4. Vậy có thể hiểu nếu các phần chia bằng nhau thì 2/8 và 1/4 đều bằng nhau, đó cũng là phân số.

Mỗi ngày tôi nói một chút với cách giải thích đơn giản như vậy nên các cháu rất thích, cũng chính vì vậy mà cả 4 đứa cháu của tôi đều rất thích học môn Toán”, thầy Ngọc cho biết.

Môn Toán ở trường phổ thông góp phần hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, phát triển kiến thức, kỹ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, áp dụng toán học vào đời sống thực tiễn.

Nó tạo dựng sự kết nối giữa các ý tưởng Toán học, giữa Toán học với thực tiễn, giữa Toán học với các môn học khác.

Nội dung môn Toán thường mang tính trừu tượng, khái quát. Do đó, để hiểu và học được Toán, chương trình Toán ở trường phổ thông cần bảo đảm sự cân đối giữa học kiến thức và áp dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề cụ thể.

Theo thầy Ngọc: “Tôi thấy hiện nay có thể gọi là thảm họa cho môn Toán vì học sinh quá lạm dụng máy tính để cộng, trừ, nhân chia các phép tính đơn giản. Các em không chịu suy nghĩ động não và tính nhẩm.

Không động não và tính nhẩm thì học sinh sẽ không thông minh, mất đi tính sáng tạo trong môn Toán.

Tôi khẳng định những thầy cô giáo cho học sinh sử dụng máy tính quá nhiều là phản khoa học, làm thui chột sự sáng tạo của các em.

Học Toán là phải học được cái tinh hoa của Toán, nó sẽ giúp cho học sinh biết cách quan sát, biết suy luận, biết sáng tạo chứ không phải để thuộc lòng mấy công thức hoặc giải mấy bài toán mẫu. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Học Toán là phải học được cái tinh hoa của Toán, nó sẽ giúp cho học sinh biết cách quan sát, biết suy luận, biết sáng tạo chứ không phải để thuộc lòng mấy công thức hoặc giải mấy bài toán mẫu. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Hình học gắn bó với con người còn nhiều hơn thế với 2 mảng là hình học phẳng và hình học không gian.

Đỉnh cao của hình học mang đặc trưng tính chất quan hệ các định lý của hình học, nhưng nó lại mang toàn bộ những phép toán của đại số vào hình học.

Bởi vì muốn tính diện tích, thể tích, lớn nhất nhỏ nhất…thì toàn bộ thuật toán của đại số đều nằm trong hình học.

Vậy cho nên dạy hình học thật tốt thì sẽ giúp cho học sinh thông minh và sáng tạo hơn, điều đó giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của các em sau này.

Những thầy cô nào “né tránh” không dạy hình học thì đó là làm mất đi một cơ hội để cho học sinh trở thành những người có ích sau này.

Trong chương trình hiện nay nhà trường vẫn dạy môn hình học, nhưng thực tế là dạy cho có môn hình học, chứ hoàn toàn không phải dùng môn hình học để rèn, dạy tính thông minh sáng tạo cho học sinh.

Thậm chí thầy cô cũng không say mê môn hình học thì làm sao dạy để học sinh say mê được? Muốn dạy giỏi môn hình học đòi hỏi phải có rất nhiều tố chất.

Có thể nói hình học như đưa ra trước mặt học sinh một bức tranh, nó có phẩn nổi, phần khuất nên đòi hỏi đầu óc người ta phải quan sát rất kỹ, và có thể nhắm mắt lại tưởng tưởng như sờ vào được từng góc cạnh của hình thì lúc đó mới làm Toán được, nếu không sẽ nhận định nhầm.

Chứ còn dạy Toán theo kiểu đối phó, kiểu như ghép công thức này với công thức kia, tính nọ kia để cho ra đáp số thì không thể gọi là học Toán được, và hiện nay người ta đang dạy Toán theo kiểu như vậy.

Có thể nói nếu các thầy cô dẫn dắt học sinh đến với môn Toán như kiểu của tôi thì cam đoan rằng từ lớp 1 các em đã rất thích môn Toán”.

Học Toán để làm gì?

Tôi vẫn thường dạy học sinh: “Các em học Toán không phải là để nhớ mấy công thức, và mấy công thức đó tôi dạy chỉ vài buổi là xong.

Các em học Toán là phải học được cái tinh hoa của Toán, nó sẽ giúp cho học sinh biết cách quan sát, biết suy luận, biết sáng tạo chứ không phải để thuộc lòng mấy công thức hoặc giải mấy bài toán mẫu.

Học giỏi môn Toán sẽ làm cho các em trở thành con người có ích cho xã hội, một người làm khoa học chân chính, bởi vì con người học Toán giỏi là con người biết phát biểu chính xác, ngắn gọn và không bao giờ chịu áp lực nào khác ngoài sự thật giống như đáp số chính xác”, thầy ngọc chia sẻ.

Học Toán chỉ để đi thi sẽ làm học sinh mệt mỏi ảnh 3

Có nhiều kỹ thuật nhỏ, tinh tế để xóa đi khoảng cách cô-trò

Môn Toán là môn học bắt buộc và được phân chia theo hai giai đoạn.

Giai đoạn giáo dục cơ bản giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người.

Nó làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ học tập tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.

Tôi vẫn thường nói, một học sinh giỏi Toán thực sự sẽ là người có tâm hồn thơ mộng, bởi có thơ mộng mới hình dung ra được không gian, mới sáng tạo được, và bản thân Toán học là môn tự nhiên.

Người giỏi Toán có thể trở thành nhạc sỹ, nhà thơ, nhà văn, chứ còn ngược lại thì chưa chắc, có thể là nhà thơ nhưng chưa chắc đã giỏi Toán.

Học sinh học công thức, định lý phải nhuần nhuyễn và phải hiểu được đến tận cốt lõi của vấn đề, thậm chí còn chứng minh lại một cách chặt chẽ, sáng tạo.

Nhưng để học sinh hiểu được như vậy thì người thầy rất quan trọng! Người thầy phải giỏi và yêu môn Toán thì mới truyền đạt cho học sinh cái say mê đó.

Còn nếu chỉ dạy vì tôi đã học sư phạm Toán, vì tôi được phân công dạy Toán…thì chắn chắn những học trò ra đời chỉ là nhưng người thợ giải Toán thôi chứ không thể được gọi là những người sáng tạo.

Tôi vẫn thường tạo cho học sinh một thói quen mà thói quen đó trong cuộc sống con người cần phải có, đó là không được lừa dối mình và không được lừa dối người khác.

Các em đọc định lý nhưng không hiểu thì đừng bao giờ nói dối là hiểu rồi, thuộc rồi, mà phải tự đọc nhiều lần để hiểu, không thì phải nhờ thầy cô giảng, hỏi bạn để chứng minh cho bằng ra thì thôi”, thầy Ngọc nói.

Đã nhiều năm tôi làm chủ nhiệm, tôi vẫn thường khẳng định với các phụ huynh học sinh rằng:

Thứ nhất nếu con em các vị ở trạng thái tâm lý và sức khỏe bình thường. Thứ hai là các em sống trong một gia đình có không khí sư phạm thông thường. Thứ ba là các bạn của em học sinh đó không tồi và thứ tư là em học sinh đó có một ông thầy dạy Toán giỏi thì chắc chắn em học sinh đó sẽ giỏi Toán.

Nếu em học sinh đó không giỏi môn Toán thì mời các vị phụ huynh xem lại trong bốn điều trên có điều nào chưa tốt hay ít nhất có một điều chưa tốt thì sẽ dẫn đến việc em học sinh đó học chưa tốt môn Toán.

Và chắc chắn không có em nào dốt môn Toán cả, mà chỉ là chưa biết cách khơi dậy niềm đam mê trong mỗi các em”, thầy Ngọc nhấn mạnh.

Tùng Dương