Khó khăn, thất bại không nản chí, chấp nhận sự khác biệt, thương mến, gần gũi với học sinh, hợp tác với đồng nghiệp.
Đó là điều khác biệt của nghề này, giáo viên phải giáo dục từng con người cụ thể nên không thể “rập khuôn”, áp dụng duy nhất một cách cho mọi học sinh.
Các thầy cô làm sao để học sinh thấy có niềm vui và không bị quá áp lực, thấy hạnh phúc khi đến trường.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Lệ Thu: Các thầy cô làm sao để học sinh thấy có niềm vui và không bị quá áp lực, thấy hạnh phúc khi đến trường. Ảnh: Cô Thu cung cấp. |
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Lệ Thu (Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng - khoa Tâm lý - Giáo dục Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giám đốc Quỹ Tài Năng trẻ tâm lý học Giáo dục, Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam) chia sẻ:
“Hiện nay, vấn đề tồn tại phổ biết ở một số giáo viên là lối suy nghĩ, hành vi và cách tương tác với học sinh chưa phù hợp, chưa tích cực. Nói cách khác là nhiều giáo viên chưa thấu hiểu học trò và chưa thực sự chấp nhận sự khác biệt ở mỗi em.
Có nhiều lý do, có thể do đặc điểm đa dạng của học sinh, do mong đợi của giáo viên, phụ huynh và nhà trường đối với kết quả học tập và nề nếp, thái độ của các em.
Ước mong này là đúng, nhưng cách thực hiện lại chưa phù hợp dẫn đến việc thầy cô và học trò không hiểu nhau, vô tình tạo áp lực cho nhau.
Một số học sinh do năng lực hạn chế chưa thể tiến bộ đều như bạn cùng lớp nhưng nếu giáo viên quá vội vã, nôn nóng.
Ép các em phải đạt kết quả ngay sẽ gây cảm giác sợ hãi hoặc ức chế, chán nản, chống đối, mất hứng thú học tập.
Giáo viên thay vì vội vã lao vào giảng bài miệt mài cho hết chương trình thì nên dành thời gian tìm hiểu tâm lý, lịch sử hồ sơ học tập, hoàn cảnh và năng lực riêng của mỗi học trò.
Trên cơ sở đó vừa tìm được phương pháp giáo dục phù hợp, vừa tránh được sự vội vã và tự gây áp lực cho chính mình”
Nhiều giáo viên cho rằng trong một lớp các học sinh cùng độ tuổi, cùng cấp học thì cứ việc dạy cào bằng, cùng một cách giáo dục, cùng lối ứng xử chung là ổn rồi.
“Chính lối suy nghĩ này đã gây khó khăn cho giáo viên. Thực tế học sinh cùng tuổi có những điểm chung nhưng mỗi em lại phát triển đa dạng và khác biệt, có hoàn cảnh và năng lực riêng.
Các giáo viên đều được đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên môn, tuy nhiên từ lý thuyết đến thực hành là một chặng đường không ngắn.
Đòi hỏi mỗi giáo viên chủ động áp dụng nghiêm túc, kiên trì, đồng thời cần có sự sẻ chia, hỗ trợ từ đồng nghiệp hoặc chuyên gia, đây là lúc giáo viên học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm từ thực tế.
Nhà trường nên duy trì những lớp tập huấn kỹ năng sư phạm trên thế giới, kịp thời nâng cao năng lực cho giáo viên trẻ cũng như giáo viên có thâm niên”, cô Thu nói.
Khi mỗi giáo viên chủ động muốn thấu hiểu học trò thì họ sẽ dành thời gian cho việc này, có những giáo viên ngồi đọc hồ sơ học sinh vào đầu năm học.
Có người dành thời gian trao đổi với giáo viên chủ nhiệm năm trước, phỏng vấn từng phụ huynh.
“Giáo viên nên gặp riêng một số học sinh có tính cách đặc biệt để tìm hiểu và gần gũi các em…
Khi thấu hiểu thì tình cảm và sự tương tác thầy trò trở nên sâu sắc, tự nhiên hơn, từ đó có cơ sở chọn phương pháp ứng xử, giáo dục phù hợp.
Giáo viên cần tỉnh táo và biết rằng nếu chỉ chăm chăm đi nhanh tới thành tích, điểm đến cuối cùng thì có thể chính mình kéo chậm tiến độ.
Với học sinh chưa có kết quả học tập như mong đợi, giáo viên nên tạm dừng và tìm hiểu nguyên nhân, chọn và thử các cách, các phương pháp giáo dục riêng.
Tôi cho rằng, chính nỗ lực tìm cách thấu hiểu học sinh, phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả với mỗi học sinh, nhóm học sinh cũng là cách các thầy cô đang học tập và vươn lên”, cô Thu nêu quan điểm.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Lệ Thu: Thầy cô nên bước vào lớp với ánh mắt thân thiện, nụ cười thoải mái, hỏi thăm sức khoẻ, gia đình vài em học sinh.Ảnh: Cô Thu cung cấp. |
Việc để ý và phân hóa học sinh không chỉ có giáo viên chủ nhiệm mà các giáo viên bộ môn cũng cần thực hiện, không nên có sự phân biệt.
Để dạy tốt bất cứ môn học nào thì giáo viên đều cần thấu hiểu được năng lực, tâm lý, phân nhóm được trình độ và điểm riêng của học sinh.
“Hiểu học sinh, thầy cô sẽ nắm được nhóm này rất yêu môn Lịch sử, bạn kia rất giỏi tiếng Anh, hoặc những em này không hứng thú với môn Địa lý…
Lúc đó thầy cô có thể soạn bài riêng, hoặc xếp một số bạn tiếp thu nhanh ngồi xen với những bạn ít hứng thú để cùng hỗ trợ.
Muốn học sinh tiếp thu được kiến thức, học tập hiệu quả thì giáo viên phải tạo ra được một bầu không khí lớp học mà ở đó cả học sinh và giáo viên đều cảm thấy được yêu thương, được tôn trọng.
Có rất nhiều cách và kỹ thuật nhỏ, đơn giản mà tinh tế để xóa đi khoảng cách, sự căng thẳng và áp lực trong quan hệ thầy trò.
Thầy cô nên bước vào lớp với ánh mắt thân thiện, nụ cười thoải mái, hỏi thăm sức khoẻ, gia đình vài em học sinh.
Khen ngợi học sinh trước khi bắt đầu bài học, hoặc tâm sự nhanh một chuyện gì đó với các em…
Đó chính là những cách kết nối đơn giản, hiệu quả nhất thể hiện sự quan tâm, yêu thương và tôn trọng học sinh ngay từ phút giây đầu của giờ học.
Giáo viên thường xuyên làm điều này thì tự nhiên đến một lúc nào đó các học sinh cũng sẽ chủ động làm điều này với chính giáo viên.
Như vậy giờ học nào cũng có hiểu quả tốt nhất trong khả năng của thầy và trò”, cô Thu nhấn mạnh.
Nhiều giáo viên đã chủ động tự thay đổi
Thực tế hiện nay có nhiều giáo viên đã mày mò, tìm ra những phương pháp tốt để chia sẻ với nhau, áp dụng vào công việc giảng dạy.
“Một số trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên thường xuyên, có nhiều giáo viên đã nắm bắt được phương pháp và thực hiện rất hiệu quả.
Ngay từ đầu năm, những giáo viên này đã tìm hiểu tâm lý của học sinh, biết rõ năng lực và đặc điểm riêng từ những năm trước qua hồ sơ học bạ, lưu ý những ghi chú.
Qua đó thầy cô sẽ nắm được học sinh này xuất sắc, hay ở top chung, có vấn đề gì về hành vi cảm xúc... hoàn cảnh gia đình.
Những thông tin đó sẽ được giáo viên tạo thành hồ sơ riêng để có sự quan tâm tốt hơn.
Có một số giáo viên trẻ mới ra trường và một số giáo viên thâm niên lâu năm trong nghề vẫn còn lúng túng, nôn nóng muốn học sinh tiến bộ ngay nhưng lại sử dụng cách giáo dục truyền thống
Và chính sự hấp tấp, vội vã trong nhiều trường hợp đã khiến cả thầy và trò thất bại, chán nản do không đạt được kết quả như mong muốn.
Vậy nên việc thực hành của giáo viên sau khi ra trường rất quan trọng, kỹ năng này cần trau dồi liên tục trong suốt những năm tháng làm nghề.
Bời vì xã hội luôn vận động, thay đổi, học sinh đa dạng nên những gì được đào tạo có khi cũng rơi rớt, mai một”, cô Thu nhận định.
Các thầy cô tham dự khóa học "Thầy cô chúng ta đã thay đổi". Ảnh: Cô Thu cung cấp. |
Hiệu trưởng nên chủ động thay đổi
Tư tưởng của người hiệu trưởng rất quan trọng, giáo viên trong những trường có hiệu trưởng thấu hiểu, ủng hộ, sâu sát và động viên kịp thời sẽ nhanh chuyển biến.
“Nếu hiệu trưởng quan tâm đổi mới và có định hướng tốt, dẫn dắt giáo viên cùng tham gia để trở thành xu hướng, phong trào thì chắc chắn những ngôi trường đó sẽ bật lên được.
Tôi đã gặp những hiệu trưởng và những nhà quản lí giáo dục, sau khi được tư vấn và trải qua những khóa tập huấn của chúng tôi.
Họ đã chủ động chia sẻ trước hội đồng giáo viên trong trường rằng: Chính tôi đang thay đổi, tôi đang kiểm soát và chuyển hóa cảm xúc tốt hơn.
Và rồi đến nay, cả hội đồng giáo viên ghi nhận sự chuyển biến này như một tấm gương.
Nhiều thành viên ban giám hiệu, giáo viên đã chia sẻ những tồn tại mà họ đang mắc phải, cùng với những hướng giải quyết tích cực để giảm dần những tồn tại đó.
Nổi bật và nhiều nhất là những phản hồi về kiểm soát và chuyển hoá cảm xúc tức giận.
Họ tâm sự rằng: Tôi là hiệu trưởng, hiệu phó mà cũng nhận thấy mình chưa hoàn thiện, còn đang thay đổi để tốt hơn mỗi ngày.
Vì vậy các giáo viên hãy dũng cảm nhận ra những điều chưa ổn để thay đổi cùng với chúng tôi.
Chúng ta dù giáo viên hay nhà quản lý giáo dục đều không nên xây dựng mình thành một hình tượng chỉnh chu, hoàn hảo vì nhân vô thập toàn.
Nếu có lỗi cũng không nên lấn lướt, cho qua trong khi mình lại đi bắt lỗi học sinh, cấp dưới và đồng nghiệp. Có lỗi thì mình xin lỗi và chủ động thay đổi” cô Thu chia sẻ.
Kiểm soát và chuyển hóa cảm xúc
Giáo viên nên tự rèn luyện thành thói quen để trong lúc đang cáu giận, chuẩn bị cáu giận hoặc sau khi cáu giận thì nhận diện ra cảm xúc, gọi tên cảm xúc đó ra.
“Giáo viên có thể nói với học sinh rằng: Cô đang rất giận con, cô nghĩ con chưa tôn trọng cô… nên cô phải đi ra ngoài không thì cô sẽ bắt đầu quát các con.
Hoặc: Cô đang thực sự rất buồn. Đó gọi là nhận ra, nói ra suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Có một số kĩ thuật giải quyết ngay trước mắt khi cơn cáu giận bùng lên như: Giáo viên đang bực tức thì nên đi ra khỏi vùng có nhân tố tác động gây nên bực tức.
Nắm chặt hai bàn tay lại và buông ra từ từ thư dãn, hít thở thật sâu 3 - 4 giây, đếm ngược từ 10 đến 0…
Những kĩ thuật đó giúp cho giáo viên chuyển sự tập chung của mình sang một việc khác mà tạm xao lãng việc mình đang cáu giận.
Một vài cô giáo chia sẻ: Trong lúc đang cáu giận, em tập trung nhìn vào chỗ khác và cố hình dung khuôn mặt em trông đáng sợ như thế nào, và thế là em không tức nữa.
Có giáo viên luôn tự nhủ nếu cáu giận liên tục sẽ giảm tuổi thọ, gia tăng ung thư, suy giảm khả năng miễn dịch, ảnh hưởng huyết áp… nên nhờ đó họ kiểm soát được cơn giận.
Có giáo viên thì đi sang phòng khác nhìn mình trong gương và thế là hạ hỏa.
Có rất nhiều cách mà các giáo viên nên tự áp dụng cho mình để kiểm soát cơn nóng giận.
Đó chính là nhận diện cảm xúc và dùng ngay một số kĩ thuật để kiểm soát cảm xúc nóng giận tức thì”, cô thu cho biết.
Các thầy cô giáo tham dự khóa học về tâm lý giáo dục - Tâm lý học ứng dụng. Ảnh: Cô Thu cung cấp. |
Cách chuyển hóa cảm xúc
Có thể ví cơn tức giận như núi lửa - phần trên đang bốc ngùn ngụt chính là cơn tức giận - là cảm xúc thứ phát. Giáo viên đang rất cáu giận vì học sinh không nghe lời, không làm bài tập, vi phạm nội quy.
Nhưng bên dưới là cảm xúc và mong muốn gốc, rất thật là giáo viên đang lo lắng về kết quả học của học sinh, mong muốn các em chăm ngoan… nhưng cơn giận đã cuốn họ đi, khiến họ không nhận ra điều này.
“Vậy nên chúng tôi giúp các thầy cô nhận diện ra cơn tức giận và đọc ra những cảm xúc, suy nghĩ gốc ở phía bên dưới, lắng nghe chính mình, gọi ra cảm xúc và mong muốn thật của mình.
Khi đã gọi ra được cảm xúc thật thì giáo viên cần có cách phù hợp, bình tĩnh hơn để giáo dục học sinh.
Có thể giảng giải, gợi ý động viên thay vì tức giận quát mắng, chê bai, kết tội, tỏ thái độ thất vọng, làm học sinh sợ, lo lắng hoặc bức xúc…
Không nên vì áp lực mà mắng học sinh, càng mắng học sinh càng sợ, ức chế và không tiếp thu được.
Giáo viên có thể đọc ra cảm xúc của học sinh: Em đang rất sợ phải không? Đang không hiểu bài phải không? Cô có thể giúp gì em không?
Giáo viên không nên hỏi vì sao em lại thế? Nếu trả lời được thì các em đã không vi phạm.
Nhiệm vụ của giáo viên là chủ động dẫn dắt để học sinh chia sẻ, bộc lộ. Phải chủ động tìm hiểu và nhận ra được rằng học sinh khó ở điểm này, chưa hiểu chỗ kia...
Nếu giáo viên cởi mở như vậy thì học sinh sẽ cảm thấy an toàn và tự tin, thổ lộ mình đang vướng mắc không hiểu ở chỗ nào.
Có như vậy học sinh sẽ không ngại, không sợ bị mắng và bớt tự ti với các bạn trong lớp”, cô Thu nêu quan điểm.
Thông điệp của chuyên gia
Theo Phó giáo sư Trần Lệ Thu: “Để có những giờ lên lớp hiệu quả tốt thì bản thân giáo viên phải khỏe cả về thể chất và tâm lý, vậy nên các giáo viên hãy quan tâm và chăm bản thân.
Khỏe về tâm lý: Các giáo viên hãy cởi mở, nếu tự thấy có điều gì băn khoăn về nghề nghiệp, về tâm lý của chính mình, của học sinh thì nên chia sẻ với đồng nghiệp, và tìm những nguồn hỗ trợ phù hợp.
Không nên nghĩ mình đã có kiến thức, kĩ năng sau 4 năm được đào tạo, thậm chí có người đã là Thạc sĩ - Tiến sĩ rồi thì cứ yên tâm mang cái mỏ kiến thức đó ra dùng từ năm này qua năm khác, rồi nó cũng mòn đi thôi.
Trong khi xã hội ngày càng phát triển, thông tin cập nhật từng ngày, học sinh cũng thay đổi, các phương pháp dạy và học được cập nhật liên tục bởi những nghiên cứu mới…thì tại sao chúng ta không cởi mở và chịu khó học hỏi.
Người giáo viên cần nhất phải thấu hiểu học sinh, không chỉ hiểu về năng lực học tập, mà giáo viên phải hiểu cả đặc điểm nhân cách, tâm lý, hoàn cảnh của các em.
Nếu làm tốt những việc đó thì giáo viên sẽ kết nối được với học sinh, sẽ biết cách tương tác và lựa chọn những phương pháp giáo dục phù hợp trong cả “dạy chữ và dạy làm người”, cô Thu chia sẻ.