Học trò không muốn học, thày từ chối dạy được không?

06/05/2019 06:37
THANH AN
(GDVN) - Học sinh có thể được lựa chọn thầy cô giáo để học và ngược lại thầy cô giáo cũng được quyền từ chối dạy học trò nào đó quá cá biệt, không muốn học.

Xét về lý thì giáo viên không được quyền từ chối dạy học trò bởi hiện nay chưa có văn bản nào quy định điều này. Học sinh là những mầm non của đất nước luôn cần được mọi người chăm sóc, bảo vệ và giáo dục để trưởng thành.

Nhưng, thực tế trong nhà trường có nhiều học trò không muốn học, vào trường phá phách thầy cô, bạn bè, gây nên những khó khăn cho cả việc dạy và học ở trong lớp.

Vẫn biết, đã là thầy, là cô thì phải có biện pháp giáo dục, uốn nắn các em, vẫn biết học trò thì phải có em này, em khác bởi mỗi lớp có mấy chục học trò xuất thân khác nhau, tính cách khác nhau.

Nhưng, liệu để những học trò không có động lực học tập, thường xuyên vi phạm nội quy của nhà trường, có thái độ không phù hợp với thầy cô và bạn bè thì có ảnh hưởng đến việc học tập của các học sinh khác trong lớp hay không?

Nhiều em học sinh bị ảnh hưởng, bị lôi kéo từ bạn bè của mình (Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết)
Nhiều em học sinh bị ảnh hưởng, bị lôi kéo từ bạn bè của mình (Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết)

Mỗi khi có một sự cố nào trong xã hội xảy ra thì dư luận lại thường nghĩ đến trách nhiệm giáo dục ở nhà trường. Trách nhiệm của nhà trường có một phần, đó là điều mà nhà trường và thầy cô giáo không bao giờ phủ nhận.

Nhưng, nhà trường có giáo dục không, thầy cô có dạy dỗ học trò không? Chắc chắn là có và thường xuyên liên tục.

Khi chào cờ hàng tuần thì thầy cô trong Ban Giám hiệu nói, sinh hoạt lớp thầy cô chủ nhiệm nhắc nhở, tuyên truyền, trong giờ học thì giáo viên bộ môn lồng ghép vào các hoạt động để giáo dục.

Song, học trò vẫn có nhiều em hư, nhiều em có tính cách hung dữ, thậm chí thách thức thầy cô và bạn bè mình.

Cứ nhìn bức tranh giáo dục trong thời gian qua, chúng ta cũng thấy nổi lên một số trường hợp đáng phải lưu tâm. Học trò đánh thầy, học trò đâm thầy, học trò đánh hội đồng bạn bè cùng lớp, cùng trường một cách dã man.

Những điều đó nhà trường không dạy, phụ huynh có lẽ cũng không dạy nhưng tính cách, sự tiêm nhiễm từ những thói hư, tật xấu từ xã hội, sự ảnh hưởng từ những phim ảnh, những game bạo lực, sự kích động, lôi kéo của bạn bè...

Trong lớp, học sinh không học, quậy phá nhưng giáo viên “không dám mời” những em này ra ngoài.

Bởi làm như thế thì bị cho là đẩy học sinh ra ngoài, lỡ các em bỏ về, đi ra ngoài đường mà có chuyện gì không may xảy ra sẽ ảnh hưởng đến nhà trường và trách nhiệm của giáo viên bộ môn càng nặng hơn.

Đưa các em lên phòng Ban Giám hiệu thì nhiều khi bị lãnh đạo trên đó nói thầy cô dạy dỗ làm sao mà không có phương pháp giáo dục để học sinh quậy phá, phải đưa lên trên này.

Tất nhiên, một vài trường hợp bị lưu ý như vậy nên giáo viên bộ môn thường tìm giải pháp “sống chung với lũ”, nhắc nhở một vài lần không được…thì đành phải lờ đi.

Học trò không muốn học, thày từ chối dạy được không? ảnh 2Bây giờ, tôi đã thấm thía khi làm chủ nhiệm của lớp toàn học sinh yếu, cá biệt

Đơn vị nơi chúng tôi công tác có một trường hợp một học sinh “tâm tính không ổn định” nên thường xuyên đánh, chửi bạn, thậm chí là chửi cả thầy cô giáo đang dạy mình.

Em này là con một cán bộ ở địa phương nên nhà trường rất khó xử. Trước khi xin chuyển về trường chúng tôi thì em học sinh này đã từng học ở nhiều trường và cũng có những hành động tương tự.

Các thầy cô trong Ban Giám hiệu các trường khác cũng đều ngán ngẩm muốn khuyên phụ huynh gửi vào trường chuyên biệt.

Nhưng, phụ huynh đường đường là một lãnh đạo địa phương mà cho con vào trường chuyên biệt thì có lẽ không đành nên cứ lần lữa chuyển từ trường này sang trường khác trong địa bàn.

Sau này, Ban Giám hiệu nhà trường phải “lưu ý” với giáo viên là thôi kệ…cứ để cho học, giáo viên đừng gây khó dễ gì với em này rồi một thời gian sẽ lên hết lớp trong trường thì gia đình họ cho học ở đâu thì tùy họ.

Giá như, giáo viên được quyền từ chối dạy thì trường hợp này cũng hoàn toàn phù hợp bởi chỉ vì một học sinh mà ảnh hưởng đến bao nhiêu em khác.

Mỗi tiết học có 45 phút mà chỉ cần vài lần học sinh này nói ổng lên trong lớp hay quậy phá bạn bè bên cạnh thì đương nhiên việc học tập trên lớp phải bị gián đoạn lại. Nhưng, giáo viên không được phép chối từ…

Giải pháp nào cho học sinh hư?

Khi đã lựa chọn ngành sư phạm cũng đồng nghĩa giáo viên chấp nhận những khó khăn nhất có thể xảy ra, có những điều không nằm trong giáo trình học tập và giáo án dạy học.

Vì thế, sự linh hoạt, sự điều chỉnh để làm sao đảm bảo được quyền lợi tối đa cho toàn thể học trò trong lớp là điều giáo viên luôn hướng tới. Chuyện học trò nói chuyện, nghịch ngợm thì thời nào cũng có nhưng phải nằm trong giới hạn nhất định.

Nếu học trò vượt qua giới hạn đó cũng cần phải có những biện pháp phối hợp để giáo dục.

Thứ nhất: Nhà trường và phụ huynh cần ngồi lại với nhau để trình bày những thực trạng và đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm giáo dục những học trò cá biệt.

Học trò không muốn học, thày từ chối dạy được không? ảnh 3Tương lai nào cho em?

Cả nhà trường và gia đình cùng gần gũi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học trò. Cùng nêu cao trách nhiệm giáo dục có cả nghiêm khắc, bao dung nhằm giáo dục học trò tiến bộ.

Thứ hai: Trong quá trình học tập trên lớp nếu học sinh không chấp hành nội quy của lớp, của nhà trường, không chịu nghe thầy cô giảng bài, làm bài, học bài mà thích quậy phá thầy cô, bạn bè thì giáo viên được phép mời học sinh đó lên văn phòng và báo cho phụ huynh vào trường phối hợp xử lý.

Thậm chí, nếu học sinh có những hành vi quá đáng có thể mời công an địa phương đến can thiệp.

Thứ ba: Khi nhà trường thấy học trò đó không có thể giáo dục bằng các biện pháp giáo dục và nằm ngoài khả năng của giáo viên thì nhà trường có quyền đuổi học học trò.

Cho dù đuổi học trò là một giải pháp bất lực nhưng thà như vậy để cứu hàng trăm học trò khác cũng là điều nên làm. Bởi, một học trò hư có thể kéo theo hàng chục học trò từ lớp này đến lớp khác hư theo.

Thứ tư: Phụ huynh phải đánh giá đúng bản chất, thái độ của con mình để có những định hướng phù hợp.

Có thể phụ huynh đau đớn, không mong muốn như vậy nhưng nên chấp nhận sự thật để gửi con vào trường giáo dưỡng, hoặc vào học ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên- Dạy nghề, Trung tâm Giáo dục cộng đồng…

Khi viết bài viết này, thực tâm chúng tôi cũng đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Nếu giáo viên được quyền từ chối dạy học trò cũng giống như học sinh, phụ huynh bỏ phiếu tín nhiệm, lựa chọn giáo viên...

Học sinh có thể được lựa chọn thầy cô giáo để học và ngược lại thầy cô giáo cũng được quyền từ chối dạy học trò nào đó quá cá biệt, không muốn học.

Có lẽ, chúng ta cũng không thể cứ nói mãi việc: "bảo vệ trẻ em" mà phê phán người thầy, bênh vực những trẻ có hành vi, thái độ không đúng, không phù hợp trong nhà trường, quên đi quyền lợi và bảo vệ các em học sinh khác!

Những cái xấu xí cứ dần dần được chấp nhận rồi dẫn đến nhiều hệ lụy về sau. Cứ nhìn một số tiêu cực hiện nay trong giới trẻ để suy ra các em đã đang được nuông chiều và giáo dục như thế nào...

Vì thế, bản thân người viết cho rằng một khi học trò đã “không muốn học” thì giáo viên cũng được phép “từ chối” dạy dỗ những em này. Đây cũng là điều cần thiết, vì đó là quyền lợi của đa số học trò trong lớp, trong trường.

THANH AN