Hơn 12% nguồn nhân lực du lịch có trình độ cao đẳng, đại học trở lên

03/08/2019 06:42
Việt Dũng
(GDVN) - Mỗi năm, ngành du lịch cần thêm gần 40.000 lao động, mà sinh viên ra trường chỉ đạt khoảng 15.000 người, hơn 12% số này có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Ngày 2/8/2019, Vụ Đào tạo – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường Đại học Văn Hiến tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế” ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Tổng Cục Du lịch, giai đoạn từ năm 2011 – 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khoảng 2,1 lần, từ 6 triệu khách lên 12,9 triệu khách.

Khách du lịch nội địa cũng tăng 2,4 lần, từ 30 triệu khách mỗi năm lên đến 73,2 triệu lượt khách. Năm 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,5 triệu, tăng khoảng 20% so với năm trước.

Ngành du lịch ngày càng tăng trưởng, nên nhu cầu về nguồn nhân lực luôn cần rất lớn, cả về số lượng và chất lượng.

Mỗi năm, ngành cần thêm khoảng 40.000 người lao động, nhưng lượng sinh viên ra trường hàng năm chỉ đạt khoảng 15.000 em, hơn 12% trong số này có trình độ đại học, cao đẳng trở lên.

Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu (ảnh: P.L)
Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu (ảnh: P.L)

Dù các em sinh viên khi tốt nghiệp đều có trình độ đại học, cao đẳng chính quy, nhưng phần lớn, các doanh nghiệp du lịch đều phải đào tạo lại, mới đáp ứng được yêu cầu.

Dự báo, đến năm 2020, cả nước cần 2,5 triệu lao động trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch, chưa kể đến số lượng lớn lao động cung cấp cho loại hình du lịch tàu biển.

Chính vì vậy, điều này đặt ra nhiều thách thức cho cả doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

Phát biểu tại hội thảo khoa học quốc tế này, ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Cả nước có khoảng 190 cơ sở đào tạo về du lịch, với 36 ngành, quy mô đào tạo tăng mạnh.

Thế nhưng, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói rằng, còn có nhiều vấn đề cần tháo gỡ để phát triển nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.

Ông Tạ Quang Đông đề nghị cần tập trung phân tích, nêu lên những thực trạng, thuận lợi và khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, để thích ứng và phát triển du lịch nước nhà, phù hợp với xu thế của khu vực và thế giới.

Đồng thời, cần đề xuất các cơ chế, chính sách đáp ứng được yêu cầu này, nhằm phát triển nguồn nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch và hình ảnh điểm đến của du lịch Việt Nam.

Phó Giáo sư Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến phát biểu (ảnh: P.L)
Phó Giáo sư Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến phát biểu (ảnh: P.L)

Theo Phó Giáo sư Trần Văn Thiện – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, muốn phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng một vai trò rất quan trọng.

Phó Giáo sư Trần Văn Thiện nhìn nhận, chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch cung ứng cho thị trường vừa thieu, vừa yếu, chưa đạt yêu cầu để doanh nghiệp tiếp nhận.

Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến đề xuất, cần có sự đột phá trong chính sách, giải pháp trong đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu phát triển của du lịch nước nhà.

Còn Phó Giáo sư Phạm Xuân Hậu – Trường Đại học Văn Hiến nói rằng, nhiều cơ sở đào tạo về du lịch còn coi trọng về lợi ích kinh tế.

Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế” (ảnh: P.L)
Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế” (ảnh: P.L)

Điển hình là nhiều Trường Đại học ngoài công lập hàng năm tuyển rất nhiều sinh viên, nhưng chuẩn đầu vào lại thấp, quá trình đào tạo lại ít chú trọng vào đầu tư cải tiến chương trình, đánh giá chất lượng, cơ sở đào tạo chưa gắn kết với doanh nghiệp.

Mặt khác, đội ngũ giảng viên ở các cơ sở đào tạo phần lớn là không đúng với chuyên ngành, trình độ tay nghề còn hạn chế, thiếu hụt đội ngũ giảng viên có trình độ cao, ngành nghề đúng chuẩn.

Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học quốc tế này đều đồng ý rằng, để có những đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, bênh cạnh việc thắt chặt tính liên kết giữa cơ sở đào tạo, người học, và doanh nghiệp…còn cần thiết kế chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, năng lực ngoại ngữ, các kỹ năng liên quan cho người học.

Cần có một quy định chất lượng giảng viên trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với khu vực, thế giới, đẩy mạnh liên kết đào tạo trong và ngoài nước có uy tín, đổi mới phương pháp kiểm tra và đánh giá, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy học.

Việt Dũng