Hướng dẫn thực hiện việc tăng giờ năm học 2019-2020

09/05/2020 07:11
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Hiện nay có rất nhiều ý kiến cho rằng việc giáo viên dạy từ 20 tiết lên 40 tiết/ tuần có được hưởng tăng giờ hay không?

Hiện nay, các trường đã hoàn tất khâu chuẩn bị và chính thức bước vào thực hiện giảng dạy theo quy định về giảm tải chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại các địa phương đã ban hành khung thời gian học kỳ II năm học 2019 – 2020 do đã nghỉ một thời gian dài phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong tuần lễ từ 4/5 đến 9/5, do yêu cầu thực hiện giãn cách giữa các học sinh cách nhau 1m, nên nhiều nơi đã chia 1 lớp học sinh hiện tại thành 2 lớp, cùng với đó giáo viên phải dạy tăng gấp đôi số tiết thực tế.

Có rất nhiều ý kiến cho rằng việc giáo viên dạy từ 20 tiết lên 40 tiết/ tuần có được hưởng tăng giờ hay không?

Trong phạm vi bài viết, tác giả đưa ra phân tích và nêu các căn cứ về việc thực hiện tăng giờ của giáo viên tại trường phổ thông.

Học sinh trở lại trường học sau thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Học sinh trở lại trường học sau thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Nguyên tắc tính tăng giờ, tăng buổi

Tại Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông (Ban hành văn bản số 23/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 28/2009/BGDĐT và Thông tư 15/2017/BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chế độ làm việc của giáo viên phổ thông), có nêu: Định mức tiết dạy trong một tuần của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết;

Còn tại Khoản 6,7,8 Điều 3 Thông tư liên tịch số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, hướng dẫn:

Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.

Thời gian không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ giảng dạy và được tính vào giờ dạy quy đổi, bao gồm: thời gian nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian đi làm nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động.

Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch này không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.

Dạy bao nhiêu tiết một năm thì được trả tăng giờ

Việc thực hiện chi trả chế độ tăng giờ hiện nay (trong điều kiện làm việc bình thường) thì việc tính tiền tăng giờ được tính theo định mức tiết giảng dạy cả năm học cụ thể định mức tiết dạy của giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần x 37 tuần/năm = 629 tiết/năm;

Giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/tuần x 37 tuần = 703 tiết/năm;

Giáo viên tiểu học 23 tiết/tuần x 35 tuần = 805 tiết.

Giáo viên dạy tăng tiết khi giãn cách học sinh, có được tính tăng giờ?
Giáo viên dạy tăng tiết khi giãn cách học sinh, có được tính tăng giờ?

Như vậy, để được hưởng tăng giờ thêm buổi hiện nay thì giáo viên phải dạy hoặc tham gia các công việc khác được quy đổi ra số tiết vượt định mức số tiết trên thì mới được tính tăng giờ.

Học kỳ II, do dịch bệnh các trường phổ thông tinh giản thực hiện chỉ còn khoảng 11-12 tuần (giảm 6-7 tuần) nên thời gian nghỉ khá dài rất khó để giáo viên có tăng giờ.

Do đó, do tình hình dịch bệnh đã nghỉ kéo dài và thực hiện tinh giản chương trình nên rất khó để được tính dư giờ trong giai đoạn hiện nay nếu không có văn bản hướng dẫn mới.

Ví dụ thứ nhất: Giáo viên A dạy bậc trung học phổ thông giảng dạy học kỳ I là 20 tiết/tuần, học kỳ II cũng được phân công 20 tiết/tuần (dư 3 tiết do với định mức giảng dạy) thì số tiết thực dạy cả năm như sau:

Học kỳ I: 20 tiết x 19 tuần là 380 tiết; học kỳ II: 20 tiết x 12 tuần là 240 tiết như vậy tổng số tiết thực hiện là 620 tiết/năm (số tiết định mức làm việc một năm của giáo viên trung học phổ thông là 629 tiết/năm).

Nên giáo viên A trên không được tính tăng giờ

Ví dụ thứ hai: Cũng giáo viên A trên, nhưng được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, trong thời gian 3 tháng, dạy 6 tiết/tuần, mỗi tháng 24 tiết nên tổng số tiết bồi dưỡng được tính là 72 tiết.

Cộng với số tiết thực dạy là 620 tiết nên tổng số tiết được tính là 692 tiết/năm trừ đi số tiết định mức là 629 tiết, số tiết được tính dư giờ là 63 tiết.

Tuy nhiên, việc tính tính tăng giờ chỉ thanh toán ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nên nếu có thực hiện dư tiết nhưng do giáo viên trong tổ thiếu tiết thì vẫn không được hưởng tăng giờ.

Do đó ta thấy giáo viên A cũng như nhiều giáo viên khác khi được phân công dư giờ hay phân công bồi dưỡng học sinh giỏi thực hiện công việc rất cực khổ, tuy nhiên với cách tính trên sẽ rất khó có giáo viên nào được tính dư giờ của năm học này.

Dịch bệnh không ai mong muốn, tuy nhiên giáo viên đã được phân công dạy dư giờ hay bồi dưỡng học sinh giỏi từ đầu năm học dạy rất cực khổ, trong thời gian dịch bệnh cũng thực hiện công tác phòng dịch, cũng trực trường, dạy trực tuyến,… nhưng không được tính dư giờ hay hỗ trợ có vẻ rất thiệt thòi.

Kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn việc thực hiện tăng giờ trong năm học này để giáo viên không bị thiệt thòi quyền lợi.

BÙI NAM