Khi "khuôn vàng thước ngọc" bị vỡ, nền giáo dục sẽ trôi về đâu?

26/06/2012 06:02
Bích Thảo (Thực hiện)
(GDVN) - "Thầy cô là những 'khuôn vàng, thước ngọc' của học sinh. Nếu như những người nắm giữ vai trò phổ phát, lưu truyền những giá trị văn hóa, mà còn chủ trương 'của giả' thì học trò sẽ thấy không có gì đáng tin, không còn gì thiêng liêng cả. Học trò sẽ bị ngấm tính chất gian dối ấy vào người trong chính những cách hành xử của giáo viên", PGS.TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình chia sẻ về thói dối trá trong giáo dục.
Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình về vấn nạn tiêu cực và thói dối trá trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Học trò ngấm thói dối trá từ mẫu giáo

- Thưa ông, qua vụ clip tiêu cực thi cử ở Đồi Ngô - Bắc Giang, ông nghĩ sao về vấn nạn tiêu cực trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Hiện tượng ở một hội đồng thi thì không thể kết luận cả nền giáo dục Việt Nam. Nhưng tôi cũng như nhiều nhà xã hội học khác có tiến hành quan sát bổ trợ thì thấy được rằng tiêu cực trong thi cử là một vấn đề hiện tồn và gây ra nhiều băn khoăn, bức xúc, đáng lo ngại thực sự cho những người có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà.

PGS.TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình
PGS.TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình

Câu chuyện học giả - thi thật hay thi giả đã tồn tại trong hệ thống giáo dục của chúng ta từ lâu nay, nó chưa dễ gì bị chặn lại. Thủa chúng tôi học phổ thông cách đây ba bốn chục năm cũng có việc thi cử gian lận như thế này. Ví dụ như giám thị dạy học sinh làm phao thi như thế nào? Rồi cách nhận biết bài của học sinh trường mình như thế nào. Nhưng hiện nay thì không còn những trò như thế xảy ra nữa rồi, vì bây giờ tiêu cực dường như có hệ thống hơn, tinh vi hơn rất nhiều.

- Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các em học sinh từ mẫu giáo đã phải đối diện với tiêu cực của người lớn. Vậy theo ông, các em có bị ngấm vào người và nó có ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành nhân cách của học sinh? 

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tiêu cực trong giáo dục đặc biệt ảnh hưởng xấu đến trẻ em. Thầy cô là những “khuôn vàng, thước ngọc” của học sinh. Nếu như những người nắm giữ vai trò phổ phát, lưu truyền những giá trị văn hóa, mà còn chủ trương "của giả" thì học trò sẽ thấy không có gì đáng tin, không còn gì thiêng liêng cả. Học trò sẽ bị ngấm tính chất gian dối ấy vào người trong chính những cách hành xử của giáo viên.

Hành vi gian dối trong giáo dục tác động rất lớn đến niềm kiêu hãnh, danh dự, việc hình thành nhân cách, ứng xử văn hóa của con người. Sâu xa hơn là nó sẽ dẫn đến xã hội tôn thờ cái giả, cái giả sẽ lên ngôi dẫn đến việc chấp hành mọi điều luật, đạo đức ngoài xã hội sẽ ngày càng giảm xuống. Vì đây là ngành hạt giống đào tạo nguồn nhân lực cho toàn xã hội nên nó có sức lan tỏa rất nhanh, mang cấp số nhân.

- Là một người cha, có con đi học thì ông có sợ con mình sẽ nhiễm phải những thói hư, tật xấu từ chính các thầy giáo cô giáo hay không?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tôi nghĩ rằng chúng ta phải tính toán từ trước, phải nói thẳng, nói thật cho các cháu rằng không có cái gì là màu hồng cả, không có gì là hoàn hảo, tốt đẹp, chân thật hoàn toàn. Đâu đó sẽ vẫn còn có những gian dối mà chúng ta cần phải đủ nghị lực để vượt qua.

- Không ít nhà trường đang dạy các em cách quay cóp, dối trá theo ông nó có đang đi ngược lại với mục đích sư phạm cũng như truyền thống của nhân dân ta?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tôi chỉ nghĩ rằng mục đích của giáo dục là nơi rèn luyện nhân cách, đạo đức, cung cấp kiến thức đạo lí văn hóa, giá trị của con người cho cho học sinh. Còn tất nhiên là hiện tượng giảng dạy gian dối là đã đi ngược lại với truyền thống, tôn chỉ mục đích. 

Nhưng cũng phải nói rằng không ít học sinh dù trong nhà trường là học trò tệ hại nhưng hoàn toàn vẫn có thể nhờ quá trình đào tạo nơi trường đời để hoàn thiện và phát triển hơn. Cái chân, thiện, thật - giả, tốt – xấu, anh hùng hay lố bịch còn thay đổi trong những năm ra đường đời. Nhưng dẫu thế nào cũng cần nhấn mạnh là cách giáo dục trong cấp học càng thấp càng phải có ý nghĩa quan trọng vì có thể tạo ra những phong cách, khí chất mà trẻ lớn lên rất khó thay đổi.

Nền giáo dục đang bị chao đảo dữ dội

- Ở góc độ một nhà xã hội học, theo ông việc dạy học có nhiều tiêu cực, nhiều hạt sạn như hiện nay thì hậu quả để lại có nhiều không và ai sẽ phải gánh chịu những hậu quả đó?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Cách đào tạo giả dối sẽ có hại cho nhiều phía. Bản thân những người gia nhập vào hành vi tiêu cực vì nó sẽ tác động đến cách hành xử, đạo đức, quan niệm về giá trị của họ. Gian dối đưa lại những giá trị ảo, kết quả giả mà những người đó không biết cải chính thì họ sẽ lại sản xuất ra những giá trị ảo khác. Một xã hội đầy rẫy giả dối là một xã hội kém phát triển và sẽ khó bền vững được.
Những tiêu cực trong giáo dục phản ánh một phần của xã hội
Những tiêu cực trong giáo dục phản ánh một phần của xã hội

- Nhiều chuyên gia nhận định chất lượng giáo dục đang có chiều đi xuống, còn tiêu cực ngày càng có chiều hướng đi lên. Thưa ông, trách nhiệm của những người đứng đầu ngành giáo dục đến đâu, như thế nào?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tôi nghĩ rằng không hay gì khi những người đứng ngoài ngành chỉ biết phán xét, chửi rủa những người đang hoạt động trong lĩnh vực sư phạm. Vì giáo dục là tấm gương phản ánh những vấn đề của xã hội chúng ta. Xã hội đang đầy rẫy những tiêu cực, thách thức, vật lộn, lại cộng thêm những áp lực của thời kì chuyển đổi thành ra ngành giáo dục cũng bị thử thách, chao đảo dữ dội. Nếu cứ mong muốn bất cứ thứ gì cũng phải hoàn hảo thì chúng ta sẽ càng thấy dối trá hơn.

Trách nhiệm của người quản lí là phải đưa giáo dục quay về với mục đích đào tạo đạt được giá trị thực chất, trang bị kiến thức, rèn luyện nhân cách, không đưa ra xã hội những sản phẩm giả dối. Muốn làm được điều này ngành giáo dục rất cần cái tâm, cái tầm của người quản lí.

- Cụ thể hơn, để chấm dứt được hiện tượng tiêu cực, giả dối trong thi cử, học tập theo ông cần làm những gì? Cần thay đổi từ đâu, thay đổi từ ai? Và chúng ta có thể hi vọng trong thời gian gần sẽ thấy được sự thay đổi thực sự hay không?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tôi cho rằng chính là người đứng đầu ngành phải chịu trách nhiệm cao nhất. Những người đang làm công việc phải biết nhìn thẳng vào công việc, đánh giá đúng hiệu quả mà mình đang làm.

Tôi nghĩ rằng việc xã hội thường xuyên đặt áp lực, đòi hỏi phải đổi mới cho ngành giáo dục đồng thời xây dựng một lộ trình cho toàn ngành thì tôi tin có thể sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực cho nền giáo dục Việt Nam.Trân trọng cảm ơn ông!

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Người chống gian lận thi cử ở Bắc Giang bị xỉ vả: "Mày ác quá"!

TS.Tâm lý Kim Quý:HS quay clip gian lận thi có thể bị sốc, trầm cảm...

"Trường THPT DL Đồi Ngô đang tiếp tay đầu độc thế hệ tương lai"

Bộ Giáo dục có dám thử cho trường Đồi Ngô thi lại không?

Những sai phạm nghiêm trọng của Hội đồng thi trường THPT DL Đồi Ngô

6 giáo viên trường Đồi Ngô bị sa thải, có đáng không?


ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng



Bích Thảo (Thực hiện)