Khi nào còn thi cử, khi đó còn quay cóp

10/06/2012 06:11
Độc giả Bùi Quý
(GDVN) - "Đến hẹn lại lên, cứ đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, người người, nhà nhà chuẩn bị tài liệu quay cop. Chả thế mà khi kết thúc mỗi cuộc thi, tôi thấy trên các trang báo điện tử lại thấy hình ảnh phao thi bay trắng sân trường".
Người đương thời Đỗ Việt Khoa đã cung cấp đến Báo Giáo dục Việt nam clip sai phạm, gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tại Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang. Ngay sau đó, Báo đã nhận được nhiều phản hồi từ phía độc giả, sau đây là ý kiến của độc giả Bùi Quý gửi về tòa soạn.

Đến hẹn lại lên, cứ đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, người người, nhà nhà chuẩn bị tài liệu quay cop. Chả thế mà khi kết thúc mỗi cuộc thi, tôi thấy trên các trang báo điện tử lại thấy hình ảnh phao thi bay trắng sân trường.

Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục đăng tải những hình ảnh gian lận thi cử tại Đồi Ngô, Bắc Giang với những tít theo kiểu: Sốc, chấn động. Nhiều độc giả bày tỏ sự bất ngờ, thất vọng về nền giáo dục nước nhà, còn tôi thấy rằng hiện tượng này hết sức... bình thường. Bởi theo tôi, những người thấy sốc và bất ngờ là những người không nhìn giáo dục nước Việt Nam bằng con mắt thực tế, mà chỉ biết nói lý thuyết suông, nhìn cuộc sống toàn màu hồng. Đây có phải là lần đầu tiên, quay cóp trở thành chủ đề được quan tâm đâu. Tôi cho rằng, khi nào còn thi cử, khi đó còn quay cóp. Hơn 10 năm trước, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tôi cũng đã quay cóp "chót lọt", chỉ còn biết hy vọng đời con tôi sẽ khác. Nhưng có lẽ rất khó khăn, bởi căn bệnh quay cóp đã trở thành “nan y” mất rồi.

CLIP GIAN LẬN MÔN TOÁN TẠI HỘI ĐỒNG THI ĐỒI NGÔ, BẮC GIANG


Giáo viên bắc chân chữ ngũ, để học sinh thoải mái quay cop
Giáo viên bắc chân chữ ngũ, để học sinh thoải mái quay cop


Thời của tôi thường dùng “ruột mèo” để quay cóp. Đây là loại phao có chiều ngang khoảng 4cm, gấp nhỏ, kẹp trong tay. Thế nhưng, đến thời con trai tôi, năm cháu học lớp 6, tôi đã phát hiện ra con dùng chiêu buộc tài liệu vào dây chun ở cổ tay, khi thấy giám thị tới gần là thả tay ra, tự khắc “phao” sẽ trôi tuột vào trong ống tay áo. Cách quay cóp của con tinh vi hơn thời của tôi rất nhiều, các giáo viên đi tuần cũng khó có thể phát hiện ra. Tôi cho rằng, hiện tượng quay cóp không phải ít đi mà diễn biến ngày càng tinh vi hơn. Khi được tôi hỏi, vì sao con lại chuẩn bị tài liệu? Con tôi nói, đã rất nhiều lần cháu ức khi bỏ công học thuộc những môn phụ chăm chỉ mà số điểm lại thua những bạn vẫn thường quay cóp. Vì vậy, con tôi quyết định chuẩn bị “đồ nghề” nếu có cơ hội thì quay cóp, giành thời gian chỉ học môn chính.
Tôi được biết tới một cuộc khảo sát của Thanh tra Bộ GD&ĐT tại 12 trường ĐH, CĐ với 1.827 SV thì có đến 1.635 khẳng định sử dụng tài liệu trong thi cử là hiện tượng phổ biến. Tôi nghĩ con số này thậm chí có thể nhiều hơn nữa, bởi vẫn còn những sinh viên chưa "tự thú" cũng như chưa được hỏi tới. Tôi đã từng nghe những câu chuyện "dở khóc dở cười" xung quanh chuyện quay cóp. Tại kỳ thi Sau Đại học của một trường Đại học, khi bị thanh tra phát hiện đang sử dụng tài liệu, một thí sinh đã phi tang bằng cách cho vào miệng nuốt nhưng vẫn... không thoát.SỐC VỚI HÌNH ẢNH GIAN LẬN MÔN THI ĐỊA Ở BẮC GIANG
Từ xưa đến nay, trong các kỳ thi tại đại hoc, thi thạc sỹ, thi công chức đều có quay cóp, thế nên thi tốt nghiệp THPT quay cóp là hiện tượng bình thường. Có điều này bởi tâm lý lười học, ỷ lại của học sinh. Bên cạnh đó cũng do quá trình học còn nhiều tiêu cực, đề thi ra theo hướng gắn liền với SGK nên thí sinh... tha hồ chép.  Các hiện tượng chạy điểm, chạy thầy, quay cóp, mua bán sử dụng phao thi... chưa bao giờ lại công khai và rầm rộ như bây giờ. Nếu không tin các bạn chỉ cần đến quanh các trường Đại học. Tại các quán photo coppy đều treo biển bán luận văn, bán tài liệu, bán phao, phục vụ cho đủ mọi đối tượng. Trong clip, các thí sinh được tự do quay ngang quay ngửa, hỏi bài, ném bài cho nhau ngay trong phòng thi, trước mắt giám thị. Khi đó, giám thị vắt chân chữ ngũ, ngồi rung đùi, tay chống cằm làm ngơ cho thí sinh quay bài, thậm chí có giám thị còn đưa lời giải cho thí sinh chuyền tay nhau chép. Cảnh trong clip nhốn nháo không khác gì... cái chợ. Điều đó chứng tỏ đây là một hiện tượng rất quen thuộc, quá đỗi bình thường tại Hội đồng thi tại THPT DL Đồi Ngô - Bắc Giang những năm trước. Nhờ có sự "đầu xuôi đuôi lọt" của nhiều năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn dứng cao, nên năm nay thí sinh lại tiếp tục "trổ tài" quay cóp như công việc... thường niên.
Tôi thiết nghĩ, quay cóp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không thể tránh khỏi. Bởi tâm lý của số đông là nên để cho các em lấy tấm bằng cấp III, sau này không đi học tiếp thì cũng để làm nghề. Từ làm công nhân, làm thuê cho đến học nghề rất nhiều nơi đòi hỏi bằng cấp tối thiểu là tốt nghiệp THPT. Nếu không để cho các em qua trong kỳ thi này thì sẽ rất tội nghiệp. Làm sao có thể bắt các em vốn lười học, học kém học đều tất cả các môn chính và môn phụ. Ngay cả những bạn học khá giỏi cũng có xu hướng học lệch, nên tìm cách “quay cóp” các môn học phụ để có thời gian đầu tư hơn vào việc ôn thi Đại học. Nếu như không đỗ tốt nghiệp THPT, các em không chỉ là nỗi lo của gia đình mà còn trở thành một gánh nặng cho xã hội. Vì vậy, số đông đều có tâm lý thi tốt nghiệp THPT chỉ là lấy lệ, việc quay cop là điều hết sức bình thường.

Bên cạnh đó, không phải chỉ học sinh thấy rằng, quay cóp là chuyện bình thường. Trong nhiều kỳ thi, giáo viên còn cố tình nới lỏng cho học sinh... chép bài. Nhiều phụ huynh cũng muốn con có một bảng điểm cao, để có dịp “nở mày nở mặt”, không cần biết con có quay cóp hay không. Nhiều người còn ủng hộ, hướng dẫn con quay cóp sao cho qua mắt được giám thị.

Quay cóp đã trở thành căn bệnh mãn tính, khó lòng có thể tiêu diệt được khi tiêu chí “học vì bằng cấp” vẫn tồn tại trong suy nghĩ mọi người và suy nghĩ quay cóp là điều bình thường luôn hiển hiện trong suy nghĩ của số đông.

ĐÁP ÁN 6 MÔN THI TỐT NGHIỆP THPT 2012
Khi nào còn thi cử, khi đó còn quay cóp ảnh 4
Độc giả Bùi Quý