“Không biết thầy có biết tiếng dân tộc mình không nhỉ?”

16/12/2017 07:57
Thùy Linh
(GDVN) - Lớp học hiện tại có 21 học viên, có người đã làm cha, làm mẹ của mấy đứa con vẫn đến lớp mỗi tối với ước mơ được biết chữ.

Trung úy Lò Văn Thoại vốn là người dân tộc Lào nhưng đã học và nói thành thạo tiếng Mông từ khi trở thành cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lạn, Sơn La. 

Sau nhiều lần trở lại Nặm Lạn nắm tình hình, thấy tỷ lệ mù chữ và tái mù cao, Trung úy Thoại đã đề xuất, tham mưu với Ban lãnh đạo đơn vị mở lớp xóa mù chữ cho dân bản. 

Đến ngày 18/1/2017, Đồn Biên phòng Mường Lạn đã phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Sốp Cộp khai giảng, đồng thời mở hai lớp xóa mù chữ cho người dân tại bản Nặm Lạn và Co Muông do hai cán bộ của đơn vị đứng lớp.

Trung úy Lò Văn Thoại hiện đang là cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lạn, Sơn La. (Ảnh: Thùy Linh)
Trung úy Lò Văn Thoại hiện đang là cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lạn, Sơn La. (Ảnh: Thùy Linh)

Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Lò Văn Thoại cho biết, lớp học vốn là nhà văn hóa của bản. Lớp học hiện tại có 21 học viên, thuộc nhiều độ tuổi khác nhau từ 16-38 tuổi, có người đã làm cha, làm mẹ của mấy đứa con vẫn đến lớp mỗi tối với ước mơ được biết chữ.

“Bản rộng, địa hình cheo leo, dân cư phân tán lại không có điện nên nhiều học viên phải đi khá xa, vất vả mới đến được lớp học.

Lớp học sử dụng ánh sáng từ nguồn điện nước, vì vậy, khi gặp mưa lũ sạt lở là bị mất điện. Do đó, chương trình học hay bị gián đoạn”. Trung úy Thoại cho biết. 

“Không biết thầy có biết tiếng dân tộc mình không nhỉ?” ảnh 2Chắc tay súng giữ gìn biên giới, mềm tay bút dạy trẻ hàng ngày

Còn con đường 19km từ đơn vị đến lớp học mà hàng ngày thầy Lò Văn Thoại vẫn đi điện chưa có, đường chưa mở nên việc đi lại vô cùng khó khăn đặc biệt mỗi khi trời mưa, thầy Thoại mất 4-5 tiếng đồng hồ để vượt đoạn đường đó để tới lớp dạy cái chữ cho bà con. 

Nhưng không vì thế mà người thầy này nản lòng, “chỉ cần bà con đến lớp đông đủ, chú ý nghe giảng thì đó là niềm vui, niềm vinh dự đối với tôi”, thầy Thoại tâm sự. 

Theo thầy Thoại, để có được những học viên đến lớp, anh đã phải mất thời gian đến từng nhà vận động bà con. Ban đầu, do nhận thức còn hạn chế, các bậc phụ huynh không cho con đi học mà chỉ muốn con đi làm nương rẫy. Khi thấy anh đến, nhiều người còn lẩn trốn. 

“Bà con nói rằng, cái tay đã quen cầm cuốc, cầm xẻng rồi, không hợp cầm bút đâu. Ngại đi học lắm. Do đó, lớp học được chọn mở vào buổi tối (từ 19h30 – 21h30) để bà con có điều kiện đi học”- Trung úy Thoại chia sẻ.

Kỉ niệm khi nhận nhiệm vụ dạy chữ cho bà con mà thầy Thoại nhớ nhất là trong buổi dạy đầu tiên nhiều học viên xì xào rằng:

“Không biết thầy có biết tiếng mình không nhỉ”. Lúc đó, lớp trưởng – là chi hội trưởng chi hội phụ nữ của bản nói rằng: “Đừng có nói xấu thầy, thầy biết đó nhé”. 

Những ngày sau đó, thầy và các học viên ngày càng hiểu và quý nhau hơn, giờ đây mỗi khi có rau gì học viên cũng mang qua cho thầy. 

Chia sẻ về những khó khăn từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, thầy Thoại cho hay:

“Do chưa được đào tạo sư phạm ngày nào nên khi đi dạy gặp nhiều khó khăn, học viên lần đầu tiếp xúc với đọc, viết nên vô cùng khó khăn, thậm chí tôi phải nắn tay từng người nhưng do bà con lớn tuổi rồi nên việc này không hề dễ dàng”

“Ấy thế mà, qua thời gian, giờ đây tôi rất yêu nghề này và đặc biệt, khi cán bộ phòng giáo dục và đào tạo xuống lớp kiểm tra thì 100% học viên biết đọc, biết viết”, thầy Thoại vui vẻ nói về thành quả của mình. 

Trung úy Lò Văn Thoại là một trong 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017.
Thùy Linh