Kiến nghị hai điểm "cốt tử" trong tuyển sinh với Bộ trưởng Giáo dục

08/01/2013 14:56
Bảo Nam
(GDVN) - Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức “ba chung” đã tiến hành được hơn 10 năm, tuy có những mặt tích cực trong mấy năm đầu triển khai, nhưng đến nay đã bộc lộ những hạn chế, gây nhiều khó khăn cho các trường, đặc biệt từ các năm 2010, 2011 và 2012 nhiều ngành khoa học xã hội và sư phạm ở các trường công lập khó tuyển đủ chi tiêu. Nhiều trường công lập ở địa phương và các trường ngoài công lập tuyển được rất ít sinh viên vào học, năm sau nguồn tuyển sinh lại ít hơn năm trước.

Trước tình hình trên, vừa qua ngày 19 và 20/12/2012 tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng NCL Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với đại diện các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập để nắm tình hình về tuyển sinh mấy năm gần đây, đặc biệt là năm 2012, đồng thời thống nhất nhận định về nguyên nhân, hệ lụy của tình hình này. Trên cơ sở đó, GS Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD & ĐT, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH CĐ NCL Việt nam đã ký văn bản kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT hai nội dung sau:

Một là: Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 01/01/2013, trong đó Điều 34 về chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh nêu rõ: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”. “Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển” (mục 2. Điều 34 Luật GD ĐH). Đây là điều khoản tiến bộ trong Luật Giáo dục đại học, đề nghị Bộ GD&ĐT cho thực hiện từ năm 2013 các trường đại học, cao đẳng được tự chủ về tuyển sinh.

Làm như vậy vừa nghiêm chỉnh thực hiện luật vừa phù hợp với thực tiễn là hơn mười năm nay Bộ vẫn chấp nhận cho trường đại học RMIT được tự chủ tuyển sinh không qua kỳ thi quốc gia. Trường này đã chọn cách xét tuyển. Chưa có ai chê chất lượng ra trường ở đây. Trên thực tế Bộ cũng đã chấp nhận cho tất cả các trường liên kết với nước ngoài, do trường đại học nước ngoài cấp bằng thì đều không cần phải qua thi tuyển sinh quốc gia . Điều này cũng chứng tỏ điểm thi tuyển đầu vào không quyết định gì nhiều đối với chất lượng đầu ra, mà chính nội dung và cách dạy, cách học mới là quan trọng. Xin đừng làm quá căng thẳng việc tuyển sinh ĐH và CĐ.

Hai là: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xây dựng phương án đổi mới căn bản việc thi tốt nghiệp THPT để có kết quả chính xác, đáng tin cậy. Các trường Đại học và Cao đẳng có thể dựa vào đó mà xét tuyển hoặc vừa xét tuyển vừa thi bổ sung theo yêu cầu của từng ngành học.

Một số chính sách tuyển sinh thời gian qua gây bất lợi cho các trường ngoài công lập (Ảnh minh họa, nguồn internet).
Một số chính sách tuyển sinh thời gian qua gây bất lợi cho các trường ngoài công lập (Ảnh minh họa, nguồn internet).
Trước đó, tại cuộc họp của Hiệp hội ĐH CĐ NCL Việt Nam, GS Đặng Hữu - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương đã nói: "Tôi kiên quyết đề nghị là phải chấm dứt ngay việc thi “ba chung”, nó không cần thiết, chỉ gây khổ sở cho các trường, trước đây là các trường dân lập, đặc biệt là các trường mới mở và bây giờ là cả đến các trường công. Học sinh vào đại học, các em học không được thì phải chịu, các trường cỏ thể loại các em đó ra, còn nếu các em học được thì để cho các em học. Qua đó mới đánh giá được trường nào dạy thực, dạy được, trường nào không".
Theo GS Đặng Hữu, vấn đề tuyển sinh của các trường NCL còn rất nhiều bất cập, vấn đề này từ hơn 2 năm trước đã bắt đầu nói rồi, năm ngoái lại kêu rất dữ, muốn năm nay thay đổi nhưng Bộ GD&ĐT vẫn không thay đổi, khiến cho tình trạng năm nay không những trường tư mà trường công cũng đều kêu với cách tuyển sinh không hợp lí. Hình thức thi “ba chung” trong hoàn cảnh trước đây mình dùng có thể hợp lí nhưng không thể tồn tại đến ngày hôm nay được, nó vô lí hết sức bởi vì đã là người tốt nghiệp phổ thông thì người ta có quyền học đại học. Thể lệ chung của các nước là sau khi học sinh phổ thông tốt nghiệp sẽ được cấp 1 cái bằng, với bằng đó người ta có quyền đi thi vào đại học.
Ông Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng ĐH FPT nêu vấn đề, hàng năm nguồn tuyển dường như không thay đổi về số lượng, chất lượng so với những năm trước. Tuy nhiên, năm 2012 là năm tuyển sinh vô cùng khó khăn đối với các trường NCL, vậy thí sinh đi đâu?
Ông Tùng giải thích, có 3 lí do khiến các trường NCL không tuyển được thí sinh. Thứ nhất, hiện nay ngân sách cấp cho các trường công không căn cứ vào số lượng tuyển sinh. Thứ hai, chính sách các trường ĐH tự xác định chỉ tiêu, với điều kiện của mình các trường ĐH công lập thường là tăng chỉ tiêu. Nếu chỉ tiêu tăng 10% ở trường công sẽ dẫn đến ảnh hưởng tới 50% chỉ tiêu của các trường NCL. Thứ ba, hiện trường công đang nắm giữ nhiều ưu thế: được cấp ngân sách bù giá nên học phí thấp, tiếng tăm tốt hơn, được tạo điều kiện tốt về cơ sở vật chất. Trong khi đó, với cùng điều kiện, các trường NCL muốn hoạt động được trong tình hình không được hỗ trợ sẽ phải tăng học phí, đó là lí do khiến sinh viên không mặn mà.
Từ lí do trên ông Tùng đề xuất, giảm số lượng tuyển sinh ở các trường công để hướng đến đào tạo tinh hoa, Bộ GD&ĐT sẽ quản lí chặt chẽ loại hình đào tạo này, tăng đầu tư cho sinh viên, giảm 7% chỉ tiêu đối với trường công, chỉ tiêu còn lại dồn cho các trường NCL để thực hiện tốt mục tiêu xã hội hóa. Điều nữa,  theo ông Tùng có thể áp dụng lộ trình như các nước, tỉ lệ sinh viên của trường công và trường tư là 50%-50%, từ đó giảm số sinh viên công lập, tăng suất đầu tư trên sinh viên thay vì tăng học phí.
Còn PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây Dựng Hà Nội, hiện là Hiệu
“Với cách làm hiện nay là đào tạo theo hình ống đẩy sinh viên vào học thì sản phẩm ra lò cũng vẫn là hình ống, không có hình chóp dẫn đến không có được người tài”, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng.
trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) đặt câu hỏi: Trong bối cảnh hiện nay tại sao vấn đề tuyển sinh lại khó khăn và phức tạp tới vậy? Thực sự có sự công bằng giữa các trường công lập và NCL chưa? PGS Hùng khẳng định – chưa công bằng.
Theo PGS Hùng, không công bằng ở chỗ hai em chênh nhau 0,5 điểm nhưng một em vào học trường công lập được nhà nước hỗ trợ, học phí thấp, trong khi đó những em khác cũng là con em công dân, cũng phải đóng thuế, cũng là công dân tương lai lại không được hỗ trợ gì, vì vào học trường ngoài công lập. Điều đó tạo nên sự bất cập, những bất bình đẳng ban đầu sẽ dẫn đến nhiều bất cập sau này. Vấn đề nữa, theo PGS Hùng hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh các trường công lập đã vét thí sinh tới tận đáy điểm sàn, việc các trường NCL ở vùng sâu, vùng xa không thu hút được người học là điều đương nhiên.
Bảo Nam