Lạ đời ở trường Xiếc VN: Công nhận tốt nghiệp nhưng không cấp bằng

14/02/2012 11:16
Theo Infonet
Trực tiếp giảng dạy, ký quyết định công nhận tốt nghiệp cho 25 học sinh ruột nhưng chính ông Hiệu trưởng lại không chịu tổ chức cấp bằng cho những học sinh này.

Trực tiếp giảng dạy, ký quyết định công nhận tốt nghiệp cho 25 học sinh ruột, đồng thời, ông Hiệu trưởng gửi văn bản đến các các đoàn xiếc yêu cầu không tiếp nhận các học sinh này vào làm việc.

Vụ việc khó tin tại trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam.

Bức xúc trước những việc làm của hiệu trưởng Hoàng Minh Khánh, tập thể giáo viên, cán bộ làm việc tại trường Xiếc và Tạp kỹ VN, và các học sinh khóa 26 đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, và các phương tiện truyền thông.

Theo đơn tố cáo, vào tháng 7/2009, 25 học sinh khóa 26 tốt nghiệp khóa đào tạo chính quy 5 năm (2004 - 2009). Từ đó đến nay, đã nhiều lần các em đến đề nghị cấp bằng tốt nghiệp nhưng không hề được giải quyết.

“Việc theo học 5 năm tại trường là một quá trình rất dài và gian khổ. Đến khi ra trường, không có bằng tốt nghiệp, chúng em không được vào biên chế, không được xếp lương theo bằng cấp” – anh Đỗ Minh Đức, học sinh khóa 26 cho biết.

Hiệu trưởng Hoàng Minh Khánh (phải). Ảnh LD
Hiệu trưởng Hoàng Minh Khánh (phải). Ảnh LD

Ông Khánh cho biết, trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam là một trường “3 trong 1”. Căn cứ vào luật giáo dục, muốn được cấp bằng, các em phải đảm bảo các yêu cầu như: điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp đạt từ 5,0 trở lên; Ngoài ra các em phải có bằng tốt nghiệp PTTH; khi đã đủ điều kiện rồi thì bản thân các em phải đến trường yêu cầu được cấp bằng.(!)Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV đã có buổi làm việc với Hiệu trưởng Hoàng Minh Khánh.

Điều 19, Quy chế đào tạo trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy (Bộ GD&ĐT) quy định cấp bằng tốt nghiệp, quản lý và lưu trữ hồ sơ tốt nghiệp, nêu rõ:

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho học sinh được công nhận tốt nghiệp. Lễ trao bằng tốt nghiệp được tổ chức chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày Hiệu trưởng ký quyết định công nhận tốt nghiệp.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm quản lý, lưu trữ hồ sơ tốt nghiệp, gửi quyết định kèm theo danh sách công nhận tốt nghiệp về cơ quan quản lý trường và Bộ GD&ĐT. Thời gian gửi chậm nhất là sau 15 ngày kể từ ngày ký quyết định công nhận tốt nghiệp.

Ông Khánh khẳng định: “Nếu đã đủ điều kiện mà không cấp bằng cho các em, nghĩa là trường làm sai luật. Nhưng trong trường hợp khóa 26, chúng tôi đã làm đúng luật khi không cấp bằng cho các em”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, tại sao hàng chục học sinh khóa 26 đã có đủ điều kiện theo quy chế đào tạo trung cấp chuyên nghiệp do Bộ GD&ĐT ban hành và đã nhiều lần yêu cầu nhà trường cấp bằng nhưng nhà trường không cấp? Nếu không đủ điều kiện thì đó là điều kiện gì? Ông Khánh không có câu trả lời cụ thể và đổ trách nhiệm cho phòng đào đạo.

Ông Khánh khẳng định "Tôi đã làm việc với Thanh tra Bộ, có gì cứ chờ kết quả thanh tra rồi đăng báo".

Tuy nhiên, trao đổi với PVbà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Đào tạo và Quản lý học sinh, Trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam lại khẳng định: vào thời điểm tháng 7/2009, tất cả học sinh khóa 26 đã đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp theo Quy chế đào tạo trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy (Bộ GD&ĐT).

Ngày 5/10/2009, chính ông Hiệu trưởng Hoàng Minh Khánh đã ra Quyết định số 139/QĐ-TX về việc công nhận tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành Xiếc cho 25 học sinh khóa 26.

Thậm chí, ông Khánh tự ban hành quy định nằm ngoài quy chế của Bộ GD&ĐT: muốn được cấp bằng tốt nghiệp chuyên ngành Xiếc, học sinh buộc phải có bằng tốt nghiệp THPT.

“Nếu chiểu theo quy định riêng của ông Khánh, đến cuối năm 2010, đã có ít nhất 8 em học sinh có bằng tốt nghiệp THPT, nhưng ông Khánh vẫn không đồng ý cấp bằng. Thậm chí ông Khánh còn ra văn bản, gửi đến tất các liên đoàn xiếc – nơi các em học sinh khóa 26 đang làm việc, thông báo các học sinh khóa này chưa đủ điều kiện cấp bằng và chưa được cấp bằng, yêu cầu các đơn vị này không tiếp nhận các em vào làm việc” – bà Hằng cho biết.

Theo ý kiến học sinh khóa 26, cùng cán bộ và giáo viên trong trường cho biết: Khi ra trường, ông Khánh đề nghị các em học sinh khóa 26 ở lại và làm việc tại nhà hát thể nghiệm của trường. Nhưng các em không đồng ý ở lại, mà ra ngoài nhận công tác tại Đoàn Xiếc thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Liên Đoàn Xiếc Hà Nội… Đó là lý do khiến ông Khánh đã tìm mọi cách găm giữ, không cấp bằng cho các em và gây khó dễ bằng văn bản yêu cầu không tiếp nhận vào làm việc.

Chuyện lạ đời khó tin tại trường Xiếc Việt Nam

Quyết định công nhận tốt nghiệp cho 25 học sinh khóa 26 do ông Khánh ký từ thời điểm tháng 10/2009. Ảnh LD

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên còn phản ánh, từ khi lên làm hiệu trưởng, ông Khánh không quan tâm đến chuyên môn, chưa năm nào tuyển đủ chỉ tiêu đã đăng ký với hai Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và đào tạo. Hiện cả trường chỉ có khoảng 100 học sinh, cá biệt toàn khóa 27 chỉ có 7 học sinh, còn khóa gần đây nhất cũng chỉ có 11 học sinh đang theo học.

Đáng nói hơn khi nhiều giáo viên rất có kinh nghiệm như thầy Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Minh Thông, Phạm Đức Hội…đã từng giành được huy chương Vàng Liên hoan xiếc quốc gia, nhưng ông Khánh không cho giảng dạy, chỉ cho làm trợ giảng, nhiệm vụ là "đứng cầm dây đu và không được nói bất cứ câu gì" trong giờ học.

Trong khi đó, cùng một lúc ông Khánh “ôm” dạy 8 tiết mục các khóa 27, 28, 30... Cũng chỉ vì “ôm” quá nhiều tiết mục, cùng vô vàn những công việc bận rộn khác của cương vị hiệu trưởng, nên lẽ ra các em học sinh khóa 27 đã phải tốt nghiệp từ tháng 7/2011, nhưng đến thời điểm này các em vẫn chưa thể ra trường vì còn vướng nợ môn học của ông Khánh.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Theo Infonet