Việc phạt học sinh đi muộn đứng ngoài cổng trường:

Liệu có quá nghiêm khắc và không công bằng?

03/12/2011 06:00
Tường Vi
(GDVN) - Theo chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn: "Nếu nhà trường đẩy học sinh hư ra khỏi trường thì càng tạo điều kiện cho các em hư càng hư hỏng thêm."

LTS: Sau bài đầu tiên phán ánh về việc trường THPT Trần Đăng Ninh (Ứng Hòa – Hà Nội) phạt các học sinh đi muộn bằng cách đợi ngoài cổng trường, PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có phỏng vấn trực tiếp ông Vũ Trí Thức - Hiệu trưởng trường THPT Trần Đăng Ninh về vấn đề này.

Liệu có quá nghiêm khắc và không công bằng? ảnh 1
Ai chịu trách nhiệm nếu xảy ra việc gì đó với các em ngoài cổng trường?

“Tôi tin rằng trường nào cũng sẽ có vài ba em đi học muộn quá mà không được vào lớp. Chúng tôi cũng chỉ muốn dùng quy định nghiêm để ý thức chấp hành kỉ luật của các em học sinh tốt hơn.” Ông Vũ Trí Thức, Hiệu trưởng trường Trần Đăng Ninh cho biết.

Ông Vũ Trí Thức thừa nhận: “Quả thực là cũng có 3,4 học sinh la cà ngoài cổng trường khi đã vào giờ học. Có khi không phải là vì trường đóng cửa do đến giờ vào học chính mà các em không thích học, tự trốn học đi chơi bời lêu lổng. Một vài trường hợp như thế đều là học sinh hư hỏng, chơi bời, nghịch ngợm nhất trường.”

Theo tìm hiểu của báo Giáo dục Việt Nam, tại các trường học không hiếm gì cảnh học sinh lang thang các quán xá ven đường. Tại trường THCS Khương Đình (Thanh Xuân), Trường THPT Lê Quý Đôn, THPT Kim Liên (Đống Đa)…

Khi học sinh không vào trong phạm vi của nhà trường thì trường không thể quản lý được. Vì vậy mà không thể tránh khỏi có các em học sinh là cà tại hàng quán ven đường, hay chơi điện tử, bi – a.

Như lời Hiệu trưởng Vũ Trí Thức những học sinh đứng ngoài cổng trường trong giờ học chủ yếu là những em yếu kém về cả kiến thức lẫn đạo đức, ý thức: “Sau khi báo cho đăng những hình ảnh các em học sinh lang thang ngoài cổng trường khi vào giờ học chính thức, chúng tôi đã cho điều tra. Trong đó có em Linh, em Thanh đã mắc khuyết điểm rất nhiều lần. Chúng tôi cũng đã phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương để giáo dục các em.”

Ông Thức cho biết thêm: “Các trường đều áp dụng thực hiện đóng cổng trường khi giờ học bắt đầu. Nếu học sinh đi học muộn quá sẽ không được vào trường đó là điều đương nhiên cho ý thức học tập không nghiêm túc của các em học sinh.”

Trao đổi với phóng viên Báo giáo dục Việt Nam, hiệu trưởng Vũ Trí Thức cho biết: “Nhà trường không áp dụng hình thức kỉ luật vô lý với các em học sinh. Không có chuyện chúng tôi muốn đẩy các em ra ngoài đường. Mà các em không vào trường lí do là từ phía các em. Các thầy đâu thể dắt tay từng học sinh vào lớp được.”

Trường đã có quy định đóng cửa trường khi vào giờ học chính từ lâu. Với các em học sinh đi muộn, dù lý do gì các em cũng phải trình bày với bảo vệ, sau đó được đưa vào văn phòng đoàn, viết bản tường trình và cam kết không đi học muộn.

Sau đó nếu chưa hết giờ truy bài có thể được vào lớp. Một khi đã vào giờ học chính, học sinh đó không được lên lớp mà phải ngồi chờ đến tiết học sau để không làm ảnh hưởng đến các bạn học sinh khác trong lớp.

Tuy nhiên trong năm học này, trường Trần Đăng Ninh càng thắt chặt quy định trên để mong hạn chế tình trạng học sinh đi học muộn. Những em học sinh đến muộn khi lớp học đã bắt đầu sẽ phải đứng ngoài đợi đến hết ca một (14 giờ 45 phút) mới được vào trường.

Hiện nay, nhà trường đã bắt đầu áp dụng thêm những hình thức kỉ luật nặng hơn. Nếu học sinh đến lớp muộn sẽ đồng thời phải viết bản kiểm điểm, vừa phải thực hiện lao động công ích như: tưới cây, quét dọn sân trường...

Ông Thức cho biết: “Toàn bộ thông tin về lần vi phạm sẽ được nhà trường cung cấp, thông báo lên trang điện tử của trường, cũng như gửi thẳng về nhà học sinh đó, để phối hợp với gia đình giáo dục các em. Chúng tôi chỉ muốn làm những việc tốt cho các em.”

Trường có áp dụng quy định cứng nhắc?

Xung quanh vấn đề này, PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có trao đổi thêm với chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn - Hiệu trưởng trường THCS Xã Đàn.

Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn nhận định: “Nếu nhà trường đẩy học sinh hư ra khỏi trường thì càng tạo điều kiện cho các em hư càng hư hỏng thêm. Đôi khi những em chưa hư nhưng chẳng may đi muộn có thể bị lôi kéo dẫn đến dễ hư hỏng theo. Do đó hãy để học sinh trong trường và uốn nắm ý thức, bồi dưỡng kiến thức cho các em trở thành một người tài đức sẽ hiệu quả hơn nhiều.”

“Những em học sinh giỏi, ngoan ngoãn cũng có thể vì lí do nào đó mà đến trường muộn. Lẽ nào khi ấy trường cũng cho rằng các em là những học sinh hư và không cho các em vào trường? Nếu vậy sẽ quá nghiêm khắc và không công bằng.”

Tường Vi