Lớp học tình thương giữa xóm lao động nghèo

06/08/2016 07:46
Phan Tuyết
(GDVN) - Những đoàn viên thanh niên hàng ngày vẫn ăn cơm nhà “vác tù và hàng tổng” nhưng họ luôn vui vẻ vì mình đã làm được nhiều việc có ích, giúp đỡ các trẻ em nghèo.

LTS: Hè đến, nhiều em có điều kiện được bố mẹ cho đi du lịch, học thêm các lớp bồi dưỡng nhưng đối với các trẻ em nghèo ở xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, Bình Thuận; 5 năm nay các em được đón nhận niềm vui tình nguyện bồi dưỡng văn hóa từ các anh chị đoàn viên trẻ.

Cô giáo Phan Tuyết đã có những chia sẻ chân thực về những hoạt động ý nghĩa này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Nghỉ hè, những đứa trẻ xóm nghèo quê tôi chỉ biết tụm năm, tụm bảy đầu làng cuối xóm, chúng hết chơi trốn tìm, rượt đuổi rồi lại cà khịa đánh nhau.

Những đứa trẻ khác lại miệt mài trong tiệm nét cày game mà quên cả giờ giấc.

Cha mẹ chúng suốt ngày lên rẫy trồng cây, tỉa bắp làm quần quật từ sáng đến tối mịt mới về.

Chẳng có thời gian coi ngó con, nói gì đến cùng trẻ vui chơi, giáo dục cho con một số kĩ năng sống cần thiết và càng không có đủ tiền để gửi con đi học thêm cho chúng đỡ quên kiến thức.

Đoàn thanh niên xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, Bình Thuận đã mở lớp bồi dưỡng văn hóa hè cho những trẻ em nghèo trong toàn xã.

Những ngày đầu, các đoàn viên, thanh niên vừa đi vận động từng nhà dân có con em trong độ tuổi đang đi học ra lớp học bồi dưỡng đồng thời đi vận động, quyên góp sách vở, bút viết để phát miễn phí cho các em.

Hàng trăm bộ sách giáo khoa, hàng trăm cuốn vở, bút viết được phát đến tay những học sinh tham gia lớp học.

Nụ cười của những sinh viên trong mùa tình nguyện (Ảnh nguồn: vtc.vn).
Nụ cười của những sinh viên trong mùa tình nguyện (Ảnh nguồn: vtc.vn).

Thời gian đầu, lớp học chỉ có mươi lăm em bởi nhiều người nói:

Không biết họ dạy dỗ thế nào? Nói là dạy từ thiện đến lúc họ thu tiền thì lấy gì mà trả?”.

Dù số lượng học sinh theo học quá ít, các đoàn viên cũng phân lớp theo từng trình độ để dễ kèm cặp.

Mỗi khối lớp dù chỉ có một em, những thầy cô giáo “bất đắc dĩ” vẫn nhiệt tình chỉ dẫn, nhóm ít, cử một đoàn viên phụ trách, nhóm nhiều học sinh cử vài ba đoàn viên cùng nhau hỗ trợ.

Do nhiệt tình hướng dẫn nên nhiều em tiến bộ rất nhanh. Ngoài việc phụ đạo cho các em về kiến thức, hàng tuần, học sinh còn được tham gia sinh hoạt tập thể với một số nội dung vô cùng phong phú.

Anh Trường người trực tiếp phụ trách lớp học tình thương nói:

Các em được dạy về kĩ năng sống như kĩ năng tự bảo vệ mình khi có người lạ rủ rê, đi đường an toàn để phòng tránh tai nạn giao thông, biết nói không với một số tệ nạn xấu...”.

Thế là hàng tuần, học sinh được các anh chị đoàn viên tổ chức cho các em sinh hoạt tập thể với nhiều trò chơi phong phú, hấp dẫn.

Có lẽ “tiếng lành đồn xa” nên học sinh tham dự lớp học ngày một đông.

Hiện nay học sinh theo học đã hơn một trăm em được chia thành hai địa điểm học tập.

Thôn Láng Gòn có 85 em học vào thứ 2,4, 6.

Thôn Đá Mài có 35 học sinh học vào thứ 3,5,7.

Hội trường khu phố đã trở thành lớp học tập trung, nơi đây được kê thành 8 nhóm học trình độ từ lớp 1 đến lớp 8.

Các em được ngồi thành từng nhóm theo đúng lớp mình đang theo học. Học sinh chủ yếu được ôn lại kiến thức cơ bản của môn Toán, Tiếng Việt và Anh Văn.

Những học sinh có lực học yếu, tiếp thu chậm được các anh chị đoàn viên hướng dẫn tỉ mỉ, chu đáo những kiến thức các em chưa nắm chắc.

Em Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: “Con rất thích đi học ở đây vì vừa hiểu bài và còn được vui chơi”.

Lớp học tình thương giữa xóm lao động nghèo ảnh 2

Xua tan giá rét, mang tết yêu thương tới học sinh vùng cao Hòa Bình

Em Tiến Dũng lại thổ lộ: “Năm trước không theo học con chỉ ở nhà xem phim và chơi game thôi”.

Có không ít phụ huynh nhà ở cách địa điểm lớp học tới 7 cây số cũng lặn lội chở con tới lớp và ngồi chờ đến khi con học xong.

Chị Mai chia sẻ: “Xa một chút nhưng con mình biết thêm cái chữ cũng mừng. Không đi học nó đi chơi dữ quá”.

Anh Trịnh Minh Thanh, Phó Bí thư xã đoàn Tân Xuân nói:

Lớp học tình thương này đã duy trì được 5 năm. Mỗi năm số lượng học sinh đều tăng. Nhờ những đoàn viên ưu tú của các trường trung học phổ thông đảm trách nên các em được hướng dẫn rất tận tình.

Đoàn cũng có một tổ tư vấn là các thầy cô giáo đang giảng dạy tại các trường trong xã, khi có thắc mắc hoặc cần hỗ trợ về kiến thức, về phương pháp các thầy cô sẽ sẵn sàng tư vấn một cách nhiệt tình”.

Lớp học tình thương giữa xóm lao động nghèo ảnh 3

Chàng sinh viên mắc bệnh hiểm nghèo vẫn say sưa làm từ thiện

Đã mấy năm nay, bất kể ngày mưa hay nắng, lớp học tình thương nơi xóm nghèo này đều được duy trì một cách ổn định. Những đoàn viên thanh niên hàng ngày vẫn ăn cơm nhà “vác tù và hàng tổng” nhưng họ luôn vui vẻ vì mình đã làm được nhiều việc có ích.

Em Trần Thị Anh Thi, học sinh lớp 11B2 tâm sự:

Hè con cũng rảnh nên xung phong đi dạy để giúp các em học cho tốt, cũng là hạn chế nhiều em dính vào các tệ nạn xấu”.

Nhờ sự tâm huyết của nhiều đoàn viên trẻ mà chất lượng học tập của các em học sinh xóm nghèo nơi đây đã và đang được cải thiện đáng kể.

Phan Tuyết