Môn Sử "tụt" dốc: Do nhận thức về vị thế môn học!

23/10/2011 09:00
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - “Nhiều cuộc điều tra xã hội học cho thấy, kiến thức về lịch sử của lớp trẻ rất hạn chế, nhiều lỗ hổng, nhiều sai sót”.
GS. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội đồng Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, lớp trẻ không thích học sử không phải vì nội dung lịch sử không có sức hấp dẫn và càng không phải lỗi ở lớp trẻ.

GS. Phan Huy Lê đã chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam về thực trạng báo động kiến thức lịch sử yếu kém của giới trẻ đúng vào ngày Hội Khoa học Lịch sử VN (KHLSVN) được Chủ tịch nước Trương Tấn sang trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất, đồng thời ra mắt Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam vào tối 22/10.

Thưa Giáo sư, xuất phát từ ý tưởng nào mà Hội KHLSVN nỗ lực thành lập Quỹ Phát triển sử học Việt Nam?

GS.Phan Huy Lê: Ý tưởng thành lập Quỹ phát triển sử học đã hình thành cách đây khoảng 10 năm, xuất phát từ ý tưởng là góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền sử học và đào tạo thế hệ sử gia trẻ. Tuy nhiên, quy chế lập quỹ đòi hỏi phải có vốn pháp định ít nhất là 2 tỷ đồng, mà điều đó quá khó khăn đối với Hội KHLSVN, vì hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp của giới sử học hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải mọi chi phí, thuộc loại hội mà chúng tôi quen gọi là "ba không": không trụ sở, không kinh phí, không biên chế.

Nhưng rất may là sự kiên nhẫn vận động đã đưa đến kết quả, ý tưởng đã thành hiện thực và Quỹ đã chính thức được thành lập.

Gần đây có nhiều thông tin cho thấy kiến thức lịch sử của học sinh Việt Nam kém, điểm thi lịch sử các kỳ thi Đại học, Cao đẳng không cao. Điều đó là do giới trẻ không thích học sử hay vì lý do nào khác, thưa Giáo sư?

GS.Phan Huy Lê: Sự giảm sút của chất lượng giáo dục môn sử trong các trường phổ thông đã được cảnh báo từ lâu. Riêng Hội KHLSVN đã tổ chức hai Diễn đàn sử học vào năm 2003 và 2008 giành cho chủ đề thực trạng dạy và học môn sử, nguyên nhân và giải pháp.

Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh, lớp trẻ không thích học sử không phải vì nội dung lịch sử không có sức hấp dẫn và càng không phải lỗi ở lớp trẻ. Học sinh không thích học sử vì cảm thấy học sử nặng nề, đầy các sự kiện, con số khô khan, phân tích lý luận chung chung, nặng về trí nhớ, không tạo nên sự ham mê, lôi cuốn tuổi trẻ.

Nếu xem xét nguyên nhân trực tiếp là vì sách giáo khoa nặng nề, khô khan, là vì cách dạy sử mang nặng tính truyền đạt, nhồi nhét..., tức là nội dung và phương pháp dạy sử.

Đi xa hơn tí nữa là do chương trình đặt ra các yêu cầu chưa phát huy được sức hấp dẫn của nội dung lịch sử, chưa phù hợp với tâm lý và khả năng tiếp thụ của tuổi trẻ. Nhưng theo tôi, nguyên do sâu xa nhất là nhận thức về vị thế của môn sử và yêu cầu học sử cấp phổ thông.

Cho đến nay, môn sử bị coi thường ngay trong các cấp quản lý giáo dục, các trường học. Trong thi tốt nghiệp phổ thông, môn sử có năm thi năm không và năm nào không thi sử là nhiều trường cho dạy nhanh rồi giành thời gian cho các môn khác.

Trong khi đó, hầu hết các nước văn minh trên thế giới đều coi môn sử là một trong những môn học cơ bản nhất của cấp phổ thông cùng với môn văn, môn toán và môn ngoại ngữ.

Môn sử, nhất là quốc sử giữ vai trò rất quan trọng trong đào tạo thế hệ trẻ, cần được xác định vị thế của nó trong nền giáo dục phổ thông.

Nhận thức về yêu cầu dạy sử thể hiện qua chương trình và sách giáo khoa cũng có nhiều điều cần thảo luận.

Vấn đề quan trọng bậc nhất ở đây, nói một cách đơn giản là học sử để làm gì và cần học những gì. Vì vậy, môn sử không thể tách khỏi toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông và chất lượng môn sử chỉ có thể được nâng cao xứng với vị thế, chức năng của nó, khi thực hiện cuộc "đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục", thực chất là tiến hành một cuộc cải cách giáo dục.

Chúng ta thử hình dung lớp trẻ lớn lên mà "mù sử" hay chỉ hiểu biết lơ mơ về lịch sử và văn hóa dân tộc, không biết đến các giá trị văn minh nhân loại, không thấm nhuần các giá trị truyền thống, trong đó có chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, thì làm sao có đủ nhân cách và bản lĩnh để kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh lịch sử đầy biến động và thách thức hiện nay.

Giáo sư có kỳ vọng Quỹ sẽ có những tác động tích cực tới giới trẻ và làm thay đổi hiện trạng “kém kiến thức lịch sử nước nhà” với giới trẻ?


GS.Phan Huy Lê: Quỹ sẽ đóng góp vào cải thiện môn sử trên hai phương diện. Trước mắt là bằng các giải thưởng, học bổng... khuyến khích lớp trẻ học sử, nghiên cúu sử, khơi dậy lòng yêu sử, ham mê sử của học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và khích lệ sự quan tâm của dư luận xã hội.

Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng của Quỹ là góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam như hỗ trợ kinh phí cho một số công trình sử học có giá trị về khoa học và thực tiễn đang gặp khó khăn trong công bố, đặt giải thưởng cho những công trình nghiên cứu lịch sử xuất sắc, có thể hai, ba năm xét chọn một lần.. Hầu hết các ngành đều có giải thưởng toàn quốc, riêng ngành sử chưa có, đó là điều cần sớm khắc phục…

Quan trọng và lâu dài hơn là sẽ tài trợ cho Hội KHLSVN tổ chức một số hội thảo/diễn đàn sử học, tọa đàm chuyên gia để tiếp tục đóng góp ý kiến cho ngành giáo dục trong nâng cao chất lượng môn sử cấp phổ thông. Quỹ cố gắng hướng một số hoạt động vào mục tiêu tác động tích cực vào nâng cao vị thế và chất lượng môn sử, nhưng tự thân Quỹ hoàn toàn không có khả năng làm thay đổi toàn bộ thực trạng môn sử hiện nay.
Giáo sư, Viên sĩ, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê
Giáo sư, Viên sĩ, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê
Được biết, nguồn vốn hiện tại của Quỹ là hơn 4 tỷ đồng. Vậy nguồn vốn đó được huy động từ nguồn nào, thưa Giáo sư?
GS.Phan Huy Lê:
Vốn của Quỹ được vận động từ các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm quan tâm đến lịch sử. Nhân sự ra đời của Quỹ, tôi muốn bày tỏ lới cảm ơn sâu sắc đến Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã rất quan tâm, trực tiếp vận động hỗ trợ cho Quỹ, cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã rất ủng hộ, khuyến khích thành lập Quỹ, cảm ơn Tập đoàn dầu khí Việt Nam là đồng sáng lập viên của Quỹ, cảm ơn các nhà tài trợ bao gồm các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước. Tôi hy vọng trên cơ sở hoạt động minh bạch, có hiệu quả,  Quỹ sẽ nhận được sự đóng góp ngày càng nhiều của các nhà tài trợ trong nước và cả nước ngoài. Hướng phát triển của Quỹ là xã hội hóa và phi lợi nhuận.

Giáo sư có nghĩ rằng sau 45 năm thành lập Hội KHLSVN, bây giờ mới có một quỹ mang tầm quốc gia để phát triển sử học nước nhà là hơi muộn?
GS.Phan Huy Lê: Như đã nói ở trên, ý tưởng đã hình thành khá sớm nhưng phải khoảng 10 năm mới thành hiện thực. Điều kiện lập Quỹ không đơn giản nên cũng khó nói sớm, muộn, tôi chỉ nhấn mạnh Quỹ ra đời là một thành công và phải cố gắng để không ngừng phát triển, phát huy ý nghĩa tốt đẹp của nó, đáp ứng niềm hy vọng của xã hội.
Giáo sư giải thích thế nào khi có ý kiến nói rằng không cần phải thành lập Quỹ mới như vậy mà có thể phát triển tiếp Quỹ Phạm Thận Duật?
GS.Phan Huy Lê: Quỹ Phạm Thận Duật do hậu duệ của nhà chí sĩ họ Phạm lập, trong đó giành một phần để phối hợp với Hội KHLSVN trao giải thưởng hàng năm cho những luận án Tiến sĩ xuất sắc nhất. Trên cơ sở tập hợp những luận án Tiến sĩ đã được Hội đồng chấm luận án nhà nước xếp loại xuất sắc, Hội KHLSVN cùng đại diện Quỹ Phạm Thận Duật thành lập Hội đồng chuyên gia để tuyển chọn trong số những luận án xuất sắc đó, những luận án có giá trị nhất để trao giải thưởng gồm loại nhất, nhì, ba và khuyến khích. Như vậy, Quỹ Phạm Thân Duật và Quỹ Phát triển sử học “không dẫm chân lên nhau”.Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
 PGS.TS Phạm Mai Hùng - Giám đốc Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam:

Mức hỗ trợ vào khoảng 4-5 triệu với sinh viên thủ khoa, sinh viên nghèo vượt khó để học chuyên ngành lịch sử tại các trường đại học, cao đẳng; 5 năm tổ chức một lần việc đánh giá công trình của các nhà nghiên cứu sử học lâu năm, vì tìm được các công trình có ý nghĩa thực tiễn cũng không dễ gì, nhưng từ nay đến năm 2015 sẽ triển khai chương trình đầu tiên.

Quỹ sẽ triển khai chương trình rộng khắp cả nước và lãi suất của số tiền gốc hiện có không nhiều, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ được nhiều tổ chức và cá nhân khác tiếp tục tài trợ. Hàng năm chúng tôi sẽ có báo cáo công khai gửi các nhà tài trợ, vì đây là hoạt động phi lợi nhuận, để thấy rằng đồng tiền của họ được sử dụng đúng mục đích.

Hiện tại, chúng tôi chưa tính đến việc xin phép các cơ quan chức năng cho phép sử dụng số tiền Quỹ đang có để kinh doanh, nhằm mục đích có thêm kinh phí cho hoạt động của Quỹ, về lâu dài nếu thiếu quá nhiều kinh phí thì sẽ tính toán sau.
Ngọc Quang (Thực hiện)