Mong sao cha mẹ học sinh hãy tin tưởng thầy cô giáo

05/08/2020 06:55
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi mong muốn các bậc phụ huynh hãy tin tưởng vào các thầy cô giáo, khi đã có sự tin tưởng thì sẽ tạo điều kiện cho giáo viên làm tốt nhất công việc chuyên môn.

“Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, 15 năm giảng dạy thì đã có hơn 10 năm làm công tác chủ nhiệm, một ấn tượng khiến tôi nhớ mãi là buổi họp phụ huynh đầu tiên trên cương vị giáo viên chủ nhiệm, năm đó là lớp 6.

Thông thường các con tập trung trước có 2 tháng tại lớp để làm quen nề nếp rồi mới đến kì họp phụ huynh đầu năm. Ngay từ đầu tôi đã đặt ra tiêu chí mình phải làm việc với các con thế nào và sẽ làm những gì?

Đọc lại tất cả học bạ của các con trong những năm trước, tìm hiểu những ghi chú nhận xét của giáo viên, nắm bắt thông tin phụ huynh…chuẩn bị tất cả những việc cần thiết.

Lập một group (nhóm) trên mạng với tất cả phụ huynh của lớp, trên đó tôi có giới thiệu tên và số điện thoại của mình để tiện cho việc trao đổi mọi thông tin.

Là lớp 6 đầu cấp nên không tránh khỏi có nhiều phụ huynh lo lắng về việc học tập của con em mình, vậy nên trong 2 tháng đầu năm học tôi cho là 2 tháng quyết định để thu hút học sinh.

Là giáo viên chủ nhiệm dạy môn Giáo dục công dân mà các con quan niệm đây là môn phụ, chắc chắn sẽ có suy nghĩ nên mình phải làm sao để các con thấy tin tưởng”.

Cô Lưu Thị Biên - Giáo viên chủ nhiệm lớp 6P Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam.

Cô Lưu Thị Biên - Giáo viên chủ nhiệm lớp 6P Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: Tùng Dương.

Cô Lưu Thị Biên - Giáo viên chủ nhiệm lớp 6P Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: Tùng Dương.

Cô Biên cho biết: “Chỉ dạy 1 tiết với lớp trong 1 tuần, trong khi các con có sự thay đổi về tâm lý, bỡ ngỡ những ngày đầu nên trong 2 tháng đó ngày nào tôi cũng đến trường với các con.

Dành 3 tiết học đầu tiên để nói chuyện, dùng powerpoint trình chiếu kết hợp video tôi giới thiệu mọi ngóc ngách của ngôi trường mới nơi các con theo học.

Qua đó các con biết được đường đi lối lại, sân chơi ở chỗ nào, khu vệ sinh ở đâu, lớp mình học ở vị trí nào trong trường và muốn xuống phòng ăn thì đi lối nào…khi gặp khó khăn con phải nhờ hoặc thông báo với ai?

Tôi luôn đưa cho các con một tư tưởng cô chính là người đồng hành, là người hỗ trợ giúp đỡ, khi gặp bất cứ vấn đề gì thì việc đầu tiên con nghĩ đến là tìm cô để giúp con giải quyết.

Tuần đầu tiên thực sự rất khó khăn, từ giờ học, giờ ăn ngủ tôi cũng đến tận nơi hướng dẫn các con vào nề nếp mặc dù đã có giáo viên chăm nuôi. Chiều nào tôi cũng ở lại cho đến khi các con lên xe tuyến về hết.

Xác định mình như người mẹ thứ 2 của các con tại trường, dành tất cả tâm huyết và những gì mình có, coi học sinh là những đứa con đầu đời của mình.

Ngay từ những ngày đầu tiên tôi chăm từng chút một, phân tích cho các con hiểu ở lớp 6 sẽ khác bậc tiểu học thế nào.

Các con đang quen với bậc tiểu học 1 giáo viên dạy gần hết các môn, nhưng ở lớp 6 điều khiến các con choáng ngợp là có tới gần 20 giáo viên kể cả chuyên gia.

Một ngày 8 tiết học với 8 thầy cô khác nhau, mỗi thầy cô có một phương pháp giảng dạy nên các con phải làm quen lại từ đầu.

Các con rất hồn nhiên vui vẻ, sẵn sàng chia sẻ và mọi thứ đều tìm đến tôi nhờ giúp đỡ, từ việc cô ơi hôm nay môn Toán thế này, môn Văn thế kia…

Thậm chí là cả những chuyện rất riêng tư các con cũng chia sẻ, điều đó khiến tôi rất mừng vì đã có được sự tin tưởng từ phía các con.

Sau này nhiều phụ huynh nói rằng: Cô ơi cô, nhiều thứ cháu nó chỉ chia sẻ với cô thôi còn với bố mẹ thì không, vậy có gì cần thiết cô cho tôi biết nhé”.

Cô Biên cho biết: "Ngay từ những ngày đầu tiên tôi chăm từng chút một, phân tích cho các con hiểu ở lớp 6 sẽ khác bậc tiểu học thế nào". Ảnh cô Biên cung cấp.

Cô Biên cho biết: "Ngay từ những ngày đầu tiên tôi chăm từng chút một, phân tích cho các con hiểu ở lớp 6 sẽ khác bậc tiểu học thế nào". Ảnh cô Biên cung cấp.

Buổi họp phụ huynh đầu tiên

Cô Biên tâm sự: “Buổi họp phụ huynh đầu tiên thực sự khó khăn, tôi rất tâm huyết và làm tất cả cho các con. Tuy nhiên với phụ huynh lại khác, có thể vì thời gian quá ngắn nên chưa thể đánh giá hết mọi việc.

Chuẩn bị rất kỹ, đến nhà từng giáo viên chủ nhiệm lâu năm hỏi kinh nghiệm, xem từng quyển sổ tay các đồng nghiệp đã viết gì, nói gì trong buổi họp phụ huynh.

Về nhà viết ra gần 20 trang A4, hết đánh máy rồi lại viết tay, rồi video, powerpoint…tôi nghĩ mình đã chuẩn bị chu đáo tất cả từ trang phục đến lời ăn tiếng nói. Bây giờ nghĩ lại thấy mình đã chuẩn bị quá công phu.

Tôi đến trước buổi họp 30 phút đồng hồ để chuẩn bị từng cốc nước, bàn ghế, bảng trang trí, hướng dẫn bảng tên học sinh…

Nhưng ấn tượng đầu tiên trong buổi họp đã làm tôi hơi choáng và buồn khi một phụ huynh đầu tiên bước vào lớp, chắc nhìn thấy tôi quá trẻ hoặc chưa đủ tin tưởng nên bác đã có động thái coi thường.

Nghĩ mình chuẩn bị công phu như vậy, còn chưa kịp giới thiệu mà đã bị phụ huynh phán xét thì thật buồn và thất vọng. Lúc đó tôi 30 tuổi và đã giảng dạy được 5 năm.

Một vài phụ huynh khác bước vào với vẻ mặt thờ ơ, có người gật đầu, có người không chào và lặng lẽ ngồi. Tôi cảm thấy không khí buổi họp cực kỳ căng thẳng, nặng nề.

Nhưng cũng có một số phụ huynh rất thiện cảm, niềm nở tiến lại hỏi thăm, trao đổi với tôi về con của họ và cho biết về nhà con vào nếp rất nhanh, rất vui vẻ và kể về cô rất nhiều.

Buổi họp diễn ra trong khi các bác phụ huynh vẫn nói chuyện riêng, một số người vẫn miệt mài với điện thoại trên tay, tôi cứ nói và dường như họ không quan tâm.

Nhưng chỉ sau khoảng 20 phút thì tất cả đều im lặng, lúc này mọi người đã chịu lắng nghe tôi chia sẻ, phân tích từng học sinh.

Những hình ảnh, video các con hoạt động trên lớp mà tôi cung cấp đã khiến phụ huynh quan tâm. Chỉ cần họ chịu nghe tôi nói thì tạm coi bước đầu đã thành công, đã có cơ hội.

Có phụ huynh phát biểu rằng lúc đầu không yên tâm khi nhận được thông tin cô làm chủ nhiệm, thứ nhất là cô dạy rất ít tiết ở lớp, lý do thứ hai là cô mới làm công tác chủ nhiệm lần đầu.

Hơn nữa các con đang khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì, thay đổi rất nhiều về tâm sinh lý, vậy cô có thể giúp chúng và chúng tôi định hướng cho các con được hay không?

Có bác lại nói mới 2 tháng mà cô đã rất hiểu, nắm rất chắc và quan tâm đến các con như vậy khiến cho tôi cảm thấy yên tâm.

Sau cuộc họp phụ huynh đó tôi thấy tất cả đã thay đổi, bản thân bác phụ huynh có thái độ với tôi lúc đầu thì lại là người gọi cho tôi đầu tiên để động viên”.

Theo cô Biên: "Phải tạo được niềm tin với học sinh, với đồng nghiệp, với phụ huynh, với ban giám hiệu nhà trường và đây là điều rất quan trọng". Ảnh: Cô Biên cung cấp.

Theo cô Biên: "Phải tạo được niềm tin với học sinh, với đồng nghiệp, với phụ huynh, với ban giám hiệu nhà trường và đây là điều rất quan trọng". Ảnh: Cô Biên cung cấp.

Luôn hết lòng với học sinh

Cô Biên cho biết: “Tôi và các bậc phụ huynh luôn luôn trao đổi để nắm bắt tâm tư, tình cảm hay những khúc mắc của các con một chính xác để kịp thời có hướng giải quyết tốt nhất.

Thường xuyên trao đổi với giáo viên bộ môn để nắm bắt tình hình học tập của từng con, nhờ đó tôi nắm chắc lực học của 1 học sinh không khác gì giáo viên dạy chính môn đó.

Bất kể giáo viên nào có ít tiết dạy thì phải huy động được sự đồng thuận của các giáo viên khác, đặc biệt là những giáo viên có nhiều tiết dạy ở lớp mình chủ nhiệm”.

Cô Biên chia sẻ: “Hiện tôi đang chủ nhiệm lớp 6P chuyên Pháp, nhưng khó khăn nhiều nhất không phải là học sinh, mà lại đến từ những yêu cầu của phụ huynh các em.

Các bậc phụ huynh ở lớp này sát sao với con hơn hẳn những lớp khác, họ rất kỹ tính, cẩn thận chu đáo và đào tạo các con rất tốt.

Họ là những Giáo sư, Tiến sĩ… sống làm việc ở Pháp và Việt Nam, với môi trường công việc liên quan đến giáo dục, nhiều em học sinh ở lớp này cũng sinh ra trên đất Pháp.

Họ luôn luôn đòi hỏi ở bản thân tôi và nhà trường trên tất cả các phương diện, yêu cầu được có tiếng nói cũng như chia sẻ tất cả những gì họ mong muốn và suy nghĩ của họ. Đôi khi là những yêu cầu đó hơi vượt quá so với thực tế.

Qua trao đổi tôi được biết họ kì vọng cô chủ nhiệm là dạy Toán, dạy Văn hoặc cô dạy tiếng Pháp, chứ không phải là cô dạy môn Giáo dục công dân.

Họ nói đã tìm hiểu trước và biết rất rõ về tôi, nhưng họ tôn trọng quyết định của nhà trường vì chắc chắn đã có sự cân nhắc.

Nhưng hết học kỳ 1 có bác lại nói: Cô ạ, kể ra thì cũng may bởi nếu cô dạy Toán hoặc dạy Văn mà vào chủ nhiệm lớp này thì có lẽ các con suốt ngày bị các cô nhắc nhở…nhưng thôi vì cô tâm lý nên các con cũng được nhẹ nhàng hơn, cô ạ.

Có thể hiểu đây là một lời khen nhưng cũng có thể là một lời chê, và tôi cũng hiểu phụ huynh lớp Pháp luôn luôn kì vọng một cái gì đó vượt hơn rất nhiều.

Cho đến cuộc họp phụ huynh cuối cùng có một bác nói rằng: Tôi chúc mừng cô bởi những gì cô làm cho các con đã quá hoàn hảo, nhưng tôi không thích sự hoàn hảo đó!

Nhận thấy khi mình hết lòng vì các con và công việc thì họ cũng lại không thích sự hoàn hảo, họ muốn phải có một vài điểm không nên kỹ quá.

Nhưng trên tất cả tôi thấy mình thực sự rất may mắn khi có được một tập thể phụ huynh như vậy, các bác đã giúp đỡ chỉ bảo cho tôi rất nhiều trong công việc, giúp tôi xử lý những tình huống phát sinh trong lớp”.

Cô Biên chia sẻ: "Môn học nào cũng đều có giá trị của nó, bởi giáo dục để dạy làm người chứ đâu phải chỉ dạy mỗi kiến thức". Ảnh: Cô Biên cung cấp.

Cô Biên chia sẻ: "Môn học nào cũng đều có giá trị của nó, bởi giáo dục để dạy làm người chứ đâu phải chỉ dạy mỗi kiến thức". Ảnh: Cô Biên cung cấp.

Thầy cô nào cũng thương yêu các con

Cô Biên nêu quan điểm: “Cho dù là giáo viên chủ nhiệm hoặc dạy bất kỳ bộ môn nào thì việc đầu tiên mình phải thực sự tâm huyết, luôn luôn muốn làm những gì tốt nhất cho các con và tìm được mọi cách để làm điều đó.

Để có được sự tận tâm như vậy thì người giáo viên phải hy sinh rất nhiều thứ, nhưng cũng cần có sự cân đối giữa công việc và gia đình.

Phải tạo được niềm tin với học sinh, với đồng nghiệp, với phụ huynh, với ban giám hiệu nhà trường và đây là điều rất quan trọng.

Tạo được sự đồng thuận và chính họ sẽ ủng hộ mình, có như vậy thì những ý tưởng, kế hoạch và tất cả những tâm huyết của mình muốn thực hiện mới thành sự thật.

Môn học nào cũng đều có giá trị của nó, bởi giáo dục để dạy làm người chứ đâu phải chỉ dạy mỗi kiến thức.

Tôi mong muốn các bậc phụ huynh hãy tin tưởng vào thầy cô, khi đã có sự tin tưởng sẽ tạo điều kiện cho giáo viên làm tốt nhất công việc chuyên môn.

Nếu các bậc phụ huynh thiếu lòng tin thì vô tình tạo cho các con một sự nghi hoặc, bấp bênh, lo lắng…

Các con đều có cảm nhận riêng trên lớp, biết đánh giá những việc mà thầy cô làm, thầy cô giáo dục cho trẻ nhưng bố mẹ lại không hiểu thì sự giáo dục đó sẽ không còn giá trị. Người chịu thiệt thòi và tổn thương cuối cùng lại chính là các con và gia đình.

Thầy cô luôn muốn dành những điều tốt nhất cho các con nhưng đôi khi cần phải có những bài học, những cú hích để các con nhận ra trách nhiệm của mình mà hàng ngày bố mẹ đã vô tình bỏ quên điều đó”.

Tùng Dương