Một đề tài khoa học vượt khả năng tuổi học trò!

20/01/2020 06:40
Bài, ảnh: Sơn Quang Huyến - Nguyễn Thị Thúy
(GDVN) - Đề tài “Lan tỏa và thay đổi nhận thức việc hiến tặng mô, tạng ở học sinh trung học phổ thông” đã đạt giải Nhất cuộc thi về khoa học tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hiến tạng sau khi qua đời với nhiều người Việt Nam đang là “việc không chấp nhận được”, quan niệm “chết toàn thây” vẫn “ngự trị” trong suy nghĩ, hành động của không ít người. 

Vượt lên trên quan niệm “cổ hủ” đó, vẫn có những hành động đẹp của những người mẹ, người vợ vì cuộc sống người không quen biết, chịu biết bao dị nghị, đàm tiếu đau thương. 

Lấp lánh hơn những vì sao, việc làm tử tế, nhân văn của người thân bé Hải An, Phạm Công Tuấn Anh, Trịnh Đình Vàng… những người đã dâng hiến một phần của cơ thể để cứu sống nhiều bệnh nhân khác; đem lại cuộc sống, hạnh phúc cho gia đình người bệnh, hơn hết là gửi thông điệp mình vì mọi người đến toàn xã hội.

Câu chuyện xúc động của mẹ và bé Hải An là động lực để hai học sinh Đinh Hữu Thiên Phúc (học sinh lớp 11A5) và em Phạm Hùng (học sinh lớp 12A7) Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học kĩ thuật “Lan tỏa và thay đổi nhận thức việc hiến tặng mô, tạng ở học sinh trung học phổ thông”.

Đăng ký hiến tạng đúng ngày sinh nhật, với cô Thùy Linh cho đi là còn mãi
Đăng ký hiến tạng đúng ngày sinh nhật, với cô Thùy Linh cho đi là còn mãi

Các em chia sẻ lý do chọn đề tài “hóc búa” này:

“Hiện nay, mặc dù phong trào hiến mô tạng trong xã hội đang lan tỏa nhưng số người tự nguyện hiến mô, tạng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế, danh sách người bệnh nằm chờ được ghép tạng ở Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép các bộ phận cơ thể người mỗi ngày một thêm dài.

Nhiều người bệnh đang chờ được ghép tạng khẩn cấp, đang phải đấu tranh để duy trì sự sống từng ngày bởi do định kiến và quan niệm cũ, những rào cản, áp lực từ phía gia đình; họ hàng; người xung quanh về sự bảo toàn của cơ thể khi không may qua đời và sự đau xót của người thân trong gia đình. 

Việc tuyên truyền đã được thực hiện qua các phương tiện truyền thông như báo điện tử, truyền hình, …. nhưng hình thức ít hấp dẫn và ít tác động tới nhận thức của học sinh Trung học phổ thông – chủ nhân tương lai của đất nước.

Dự án “Lan tỏa và thay đổi nhận thức việc hiến tặng mô, tạng ở học sinh trung học phổ thông” nhằm góp phần làm thay đổi nhận thức, có trách nhiệm tự nguyện và sẵn sàng hiến tạng khi không may qua đời, để những bộ phận cơ thể được hồi sinh và mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh khác; qua đó cũng góp phần giáo dục và hình thành đạo đức tốt cho học sinh; ươm mầm thiện, gieo nhân ái, lan tỏa yêu thương và có ý thức cộng đồng ngay từ khi còn là học sinh”.

Lan tỏa và thay đổi nhận thức việc hiến tặng mô, tạng – một đề tài khoa học vượt tuổi học trò; chỉ có yêu thương, sẻ chia thật nhiều trong trái tim nhân ái là con đường trái tim đến trái tim ngắn nhất.

Để nghiên cứu, lan tỏa đề tài vào cuộc sống, các em đã kịch hóa nhân vật điển hình trong sinh hoạt hội trại Đoàn thanh niên; các bạn đoàn viên thanh niên trong trường biểu diễn. 

Hình ảnh vở kịch "Bé Hải An và Mẹ".
Hình ảnh vở kịch "Bé Hải An và Mẹ".
Hình ảnh vở kịch "Nghĩa cử cao đẹp của thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình"
Hình ảnh vở kịch "Nghĩa cử cao đẹp của thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình"

Ngoài ra, còn tổ chức tọa đàm về hiến mô, tạng tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du; khách mời tọa đàm gồm lãnh đạo nhà trường, chức sắc tôn giáo, Đơn vị điều phối ghép tạng tại bệnh viện Chợ Rẫy, cựu học sinh của trường; toàn thể học sinh trong trường cùng tham gia. 

Tọa đàm “Nhận thức về việc hiến, tặng mô tạng – Thách thức và niềm tin với học sinh trung học phổ thông” tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Tọa đàm “Nhận thức về việc hiến, tặng mô tạng – Thách thức và niềm tin với học sinh trung học phổ thông” tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Những câu chuyện về nghĩa cử cao đẹp đã lan tỏa từ học sinh đến bạn bè, các anh chị, thầy cô, cha mẹ, người thân và cả những người quen biết cũng như không quen khác. 

Thành công bước đầu của đề tài đã mang lại kết quả tốt đẹp; đã có 18 thầy cô trong Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du cùng hai phụ huynh tự nguyện viết đơn và nhận thẻ để trở thành những người hiến tặng mô, tạng tiềm năng nếu không may qua đời.

Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy - Tiến sĩ, Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu (bìa trái) - trao thẻ hiến tạng cho giáo viên tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du
Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy - Tiến sĩ, Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu (bìa trái) - trao thẻ hiến tạng cho giáo viên tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du

Đề tài “Lan tỏa và thay đổi nhận thức việc hiến tặng mô, tạng ở học sinh trung học phổ thông” của hai em Đinh Hữu Thiên Phúc và em Phạm Hùng đã đạt giải Nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm học 2019-2020. 

Em Đinh Hữu Thiên Phúc (bên trái) và em Phạm Hùng tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm học 2019 - 2020
Em Đinh Hữu Thiên Phúc (bên trái) và em Phạm Hùng tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm học 2019 - 2020

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, giáo viên hướng dẫn chia sẻ “Đề tài nghiên cứu làm thay đổi nhận thức, tạo sự lan tỏa đến tất mọi người về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tạng, lan tỏa sẻ chia, yêu thương, nhân ái đến mọi người. 

Hai em Đinh Hữu Thiên Phúc và em Phạm Hùng là những học sinh tuyệt vời; các em làm việc rất nghiêm túc, sáng tạo; chính đam mê nghiên cứu của các em đã lan tỏa lòng nhân ái, yêu thương đến cộng đồng, thầy cô giáo".

Cho đi là còn mãi, tác giả của đề tài đã suy nghĩ “Đến khi đủ 18 tuổi, các em sẽ đăng ký hiến tạng”; mùa xuân đến từ suy nghĩ sống là sẻ chia, yêu thương mọi người, mùa xuân đẹp nhất trên đời.

Bài, ảnh: Sơn Quang Huyến - Nguyễn Thị Thúy