Một đề thi học sinh giỏi Ngữ văn quá nhiều...sạn!

09/12/2019 06:17
Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài
(GDVN) - Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 cấp huyện ra chưa chuẩn khiến học sinh không phát huy hết khả năng làm bài.

Vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo của một huyện (xin không nêu tên) tổ chức kì thi khảo sát học sinh giỏi lớp 9 năm học 2019-2020.

Theo đó, đề thi có 2 phần, phần Đọc hiểu (6 điểm) và Tạo lập văn bản (4 điểm) cho 5 câu hỏi, với thời gian làm bài 150 phút.

Phần Đọc hiểu, đề yêu cầu học sinh quan sát bức tranh biếm họa (ảnh đính kèm) và trả lời các câu hỏi liên quan.

Câu 1 (1 điểm). Em hiểu thế nào là tranh biếm họa?

Câu 2 (3 điểm). Em thấy ấn tượng nhất với chi tiết hình ảnh nào trong bức tranh biếm họa trên? Vì sao?

Câu 3 (2 điểm). Viết câu thuyết minh ngắn gọn cho bức hình trên?

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 còn nhiều sạn. (Ảnh: Kim Hà)
Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 còn nhiều sạn. (Ảnh: Kim Hà)

Phần Tạo lập văn bản, Câu 1 (6 điểm): “Giả sử em là cậu bé trong bức tranh, hãy viết một điều em muốn nói (trong khoảng 600 từ) với thầy cô/nhà trường?

Câu 2 (8 điểm). Em hãy chỉ ra điểm khác biệt khi viết về chiến tranh qua hai tác phẩm: chuyện người con gái Nam xương – Nguyễn Dữ và Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật?

Sau kì thi, nhiều giáo viên bình luận (trên mạng xã hội) đề ra chưa hay, thậm chí còn nhiều sai sót, khiến học sinh không phát huy hết khả năng làm bài.

Đọc kĩ đề thi, chúng tôi nhận thấy ý kiến của giáo viên nêu ra là hoàn toàn chính xác. Chúng tôi xin có đôi lời phân tích, bình luận về đề thi này nhằm giúp giáo viên ra đề được chuẩn xác – nhất là đề thi học sinh giỏi.

Thứ nhất, về hình thức, tranh biếm họa ở phần Đọc hiểu được đề chú thích “Theo https://www.google.com” là sai.

Bởi, đây là tranh biếm họa của họa sĩ có bút danh LAP, chứ không phải “google”. Hơn nữa, nguồn “google” thì khó kiểm chứng về mặt khoa học nên tính học thuật thiếu minh xác.

Câu 3. “Viết câu thuyết minh ngắn gọn cho bức hình trên?”, sao lại sử dụng dấu “chấm hỏi” (?) trong khi không phải là câu hỏi?

Câu 2, phần Tạo lập văn bản“Em hãy chỉ ra điểm khác biệt khi viết về chiến tranh qua hai tác phẩm: chuyện người con gái Nam xương – Nguyễn Dữ và Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật?”, không viết hoa tên truyện “chuyện người con gái Nam Xương” (viết đúng phải là “Chuyện người con gái Nam Xương”), đây là lỗi cẩu thả của người ra đề.

Thầy cô ra đề Văn thế này, học sinh sẽ viết thế nào?
Thầy cô ra đề Văn thế này, học sinh sẽ viết thế nào?

Thứ hai, về nội dung, đề thi còn nhiều sai sót, chưa phù hợp với đối tượng là học sinh giỏi.

Phần Đọc hiểu, Câu 1 yêu cầu học sinh trả lời “thế nào là tranh biếm họa”, chỉ nên hỏi cho môn Mỹ thuật.

Điều đáng nói là, thời gian gần đây, rất nhiều đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn cho hình ảnh và yêu cầu học sinh bình luận.

Chúng tôi không đánh giá thấp việc đưa hình ảnh vào đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn. Thế nhưng, hình ảnh chỉ nên mang tính minh họa, vì văn chương là nghệ thuật ngôn từ (trong khi hình ảnh thuộc về hội họa).

Bàn về vấn đề này, cô Trần Thị T., giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn ở tỉnh Gia Lai nêu quan điểm:

“Từ trước đến nay, tôi không thích những đề Ngữ văn bằng hình ảnh. Bởi hình ảnh có quá nhiều cách để hiểu khiến học sinh hoang mang, khó xác định được trọng tâm để viết, trong khi thời gian làm bài có hạn.

Với lại, đề bằng hình không in màu cũng khó hiểu đúng ý tác giả. Khi không biết thì làm sao học sinh dám nêu ý kiến?”.

Đáng chú ý, Câu 2 phần Tạo lập văn bản, yêu cầu học sinh “hãy chỉ ra điểm khác biệt khi viết về chiến tranh qua hai tác phẩm: chuyện người con gái Nam Xương – Nguyễn Dữ và Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật?”, mơ hồ về nội dung.

Điều đáng nói, với câu lệnh này, học sinh chỉ cần chỉ ra điểm khác biệt về chiến tranh qua hai tác phẩm, vì đề thi thiên về môn Lịch sử.

Lạ lùng hơn, tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”, nhà văn Nguyễn Dữ chỉ gián tiếp nói đến chiến tranh phong kiến phi nghĩa, chứ không nói rõ một triều đại nào.

Trong khi, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, nhà thơ Phạm Tiến Duật nói đến chiến tranh thời chống Mĩ.

Sao lại có kiểu so sánh lạ kì, khập khiễng như vậy? Chưa kể, đây là tác phẩm văn chương chứ không phải nói đến đến kiến thức lịch sử xác thực.

Hơn nữa, nội dung chính của hai tác phẩm này cũng hoàn toàn khác nhau thì làm sao có thể so sánh?

“Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, Chuyện người con gái Nam Xương thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ.” (Trích Ghi nhớ trang 51, sách Ngữ văn 9, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

“Qua hình ảnh độc đáo: những chiếc xe không kính, bài thơ khắc họa nổi bật hình ảnh người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kì chống Mỹ, với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam.” (Trích Ghi nhớ trang 133, sách Ngữ văn 9, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Một đề thi học sinh giỏi thông thường phải qua hai vòng phản biện. Thế nhưng, giáo viên ra đề và phản biện đề cũng không phát hiện ra những lỗi sai khó chấp nhận (như đã phân tích).

Vậy, những giáo viên có trách nhiệm liên quan đến đề thi làm việc cẩu thả hay năng lực chuyên môn hạn chế?

Câu hỏi này chúng tôi dành cho bạn đọc quan tâm bình luận…

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài