Mùa bỏ học sắp đến: "Không có củ sắn, bắp ngô ăn đâu mà"

30/09/2011 14:00
Lý Phì Chờ
(GDVN) - “ Nó nhà tao đi nương rồi, tao không có thóc để phạt đấy, thầy giáo làm gì được tao nào?”.
“Mùa bỏ học” thông thường cùng song hành với mùa đói. Ở vùng cao, mùa đói được tính từ thời điểm thu hoạch lúa nương là cuối tháng 10. Những ngày này, mùa đói len lỏi vào từng nhà, từng bản.Chỉ thích thầy mo thôi, không ưa thầy giáo đâu! “Gió, thừa gió, nắng, thừa cả nắng, thừa cả sự nhiệt tình và tâm huyết! Nơi này chỉ thiếu ăn và con chữ…” thầy giáo Vương Ngọc Biên - Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Ma Li Chải thuộc cao nguyên Dào San (Lai Châu) nói.
Đến cao nguyên Dào San vào ngày Tết lúa mới của người Hà Nhì đen nên khắp bản trên, bản dưới nhộn nhịp những sắc mầu. Nhà Lý Xu Me ở bản Tả Phùng (bản trung tâm xã) có bốn anh em nhưng chỉ mình anh trai là còn đi học. Me học hết lớp 4 cũng bỏ học để đi nương và ở nhà cõng A nhí (em gái). Mẹ của Me giải thích cho lí do con mình bỏ học rất đơn giản: “Đi học không có củ sắn, bắp ngô ăn đâu mà, đi nương mới có cái ăn”. Thầy Biên cười chua chát trước sự ngây ngô của bà mẹ khắc khổ người Hà Nhì đã gần 60 tuổi, cả đời chưa đi xa hơn những vạt nương trên núi dốc.
Thầy Biên lên Ma Li Chải dựng trường mở lớp từ năm 1996. Khi ấy, nhìn từ Dào San sang chỉ thấy bản mấp mô, ẩn hiện dưới tán rừng trên triền núi. Đi bộ, vượt thung sâu lại leo dốc dựng đứng từ 5h sáng thì tối mịt mới tới xã. Cả xã nhìn thầy giáo như người ngoài hành tinh bởi với họ chỉ quen một một khái niệm “thầy” duy nhất là... thầy mo cúng cho bản. Cái chữ còn xa vời hơn, cái chữ chẳng làm ra hạt ngô, củ sắn nên ngay cả chính quyền xã, trưởng bản cũng lẩn trốn sau những lần nghe thầy thuyết trình về vấn đề mở trường học tại xã.

Cuối cùng, cái lớp tạm bằng tre nứa, do thầy lên rừng tìm về dựng tạm cũng hiển hiện nơi gò đất cao nhất của bản, nơi gió suốt ngày rít gào tròn vo trên đầu. Thầy Biên cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã phải dựng cái lớp tạm ấy bao nhiêu lần nữa, bởi chỉ một trận gió to là cả cái lớp chon von của thầy nằm gọn dưới khe suối. 

Việc đi nương quan trọng hơn đến lớp vì đo nương còn tìm ra cáI ăn
Việc đi nương quan trọng hơn đến lớp vì đo nương còn tìm ra cáI ăn
Tất cả các kỳ họp Hội đồng nhân dân xã được đưa ra nghị quyết về vấn đề đưa trẻ em đến trường, rồi ra hương ước của bản nếu không cho con em đến lớp thì phạt 5 kg thóc. Khi đến nhà thì bố mẹ nói chỏng chơ với thầy: “ Nó nhà tao đi nương rồi, tao không có thóc để phạt đấy, thầy giáo làm gì được tao nào?”. Thầy lại thay đổi cách vận động, tự coi mình là một thành viên trong các gia đình có con em độ tuổi đến lớp. Có nghĩa là thầy cùng đi nương, cùng ăn ở, cùng học để nói tiếng Hà Nhì. Thấy lớp 1 của mình đã đông học sinh hơn, thầy cứ tưởng các gia đình đã hiểu lợi ích của sự học. Nhưng khi đi tìm hiểu lại thì mới biết, các gia đình cho con em mình đi học bởi “Thương cái thầy giáo này quá, thôi cho A Nhí nhà mình đi học để thầy giáo nó lấy lương”.Chiếc tù và mất thiêng Chu Xeo Xử - Trưởng bản Hà Nhì, xã Dào San từ lâu đã cất chiếc tù và của mình lên gác bếp. Ngày xưa, trong bản có việc trưởng bản thổi tù và để họp dân. Từ khi trưởng bản Xeo Xử mấy lần thổi tù và họp bản vận động các gia đình cho con em đi học thì chẳng ai đến nữa.  Theo quy ước của bản, nếu gia đình nào không cho con em đi học thì bị phạt 100 nghìn sung vào quỹ khuyến học của bản. Tôi đến, trưởng bản Xeo Xử lấy chiếc tù và phủ đầy bồ hóng ra thổi ba hồi như để chứng minh cho hiện thực trên. 5 phút sau chỉ có vợ của Lý Xa Phà vác cuốc đến, nói chống không: "Mai tao bán con gà con gà nộp 100 nghìn nhé". Lý Xa Phà đang ở nhà uống rượu. Thấy phóng viên, trưởng bản Xeo Xử và cô giáo Vân Anh đến, Xa Phà phàn nàn liền: "Tức quá trưởng bản à! Vợ tôi nó nhất quyết không cho cái Lý Chu Gơ đi học. Nó bảo: Chu Gơ đi học không có ai bế A nhí (em bé), không có người lên nương. Cãi nhau với nó, nó giận bỏ lên nương rồi, chắc vài ngày mới về". Lý Chu Gơ mới 10 tuổi, sau Gơ còn có 3 em lít nhít bằng vai và một A nhí đang địu trên lưng. Chu Gơ đang bỏ vài bắp ngô vào lu cở để lên nương theo mẹ. Khi tôi hỏi: "Em có muốn đi học không?" Gơ trả lời rụt rè "có".
Đứa bé học hết lớp 1 nghỉ, đứa lớn đi học thay lớp 2 Theo câu chuyện dạy học ở Dào San thì còn có trường hợp dở khóc dở cười như trường hợp em học sinh Sần Dê The. The là học sinh học khá trong lớp, mẹ mất sớm, cha thì nghiện ngập, The về ở với dì. Học hết lớp một, dì The không cho đi học nữa, anh trai con của dì là Sần Ca Dìa đã 14 tuổi đi học thay. Ca Dìa không học lớp 1, tự nhiên vào học lớp 2 nên cô giảng không hiểu gì. Cô giáo hỏi thì Ca Dìa trả lời: "Cô giáo à! Tao đi học thay em tao mà!". Khi những hồi tù và đã mất thiêng đối với hơn 100 hộ trong bản Hà Nhì thì các thầy cô ở đây lại cùng trưởng bản Xeo Xử đến từng nhà vận động các gia đình cho con em đi học. Nói, van xin đến trớt cả miệng thì nghe được câu trả lời: " ừ! Mai tao sẽ bảo nó đi học" hay "Tao sẽ bán cái này, cái nọ nộp 100 nghìn cho trưởng bản mà".
Cõng em đến lớp
Cõng em đến lớp
Ở bản Hà Nhì này có hơn 50 % số hộ gia đình có người nghiện hút thì việc lên nương, bế A nhí (em bé) quan trọng hơn việc đi học. Có hôm thầy cô đến lớp, chờ mãi mới thấy một học sinh cõng A nhí đến, đi quanh bản thấy vắng hoe, cả bản đã lên nương từ lờ mờ sáng. Hỏi em học sinh duy nhất thì em đó trả lời: " Ngủ dậy muộn, cả bản đã lên nương, không có ai chơi, buồn quá đến lớp vậy". A nhí trên lưng em học sinh mới hơn 5 tháng tuổi khóc thét vì đói sữa. Ngày xưa, mùa no, mùa đói phân định rõ ràng. Nhưng bây giờ, mùa no càng ngày càng ngắn lại và mùa đói ngày càng dài ra. Khi tôi chào trưởng bản Xeo Xử ra về ông vẫn buồn, buồn vì chiếc tù và quyền lực cao nhất ở bản bao giờ linh thiêng trở lại.
Lý Phì Chờ