Ngày 20-11 không quà, không hoa của những giáo viên dạy trẻ khuyết tật

16/11/2019 07:33
Vũ Ninh
(GDVN) - Món quà lớn nhất đối với chúng tôi không phải là vật chất mà chính là tình cảm, sự biết ơn của phụ huynh và của các em. Người làm giáo dục cần nhất là cái Tâm.

Tri ân thầy cô bằng cả tấm lòng

Em Đỗ Văn Phúc (23 tuổi), khó nhọc nói từng câu: “Em ra tập văn nghệ để hát cho các cô nghe”.

Giai điệu bài hát “Bụi phấn” được bật lên, Phúc nhanh chóng xếp hàng, ổn định đội ngũ với các bạn.

Trước ngày 20 tháng 11, bà giáo già khóc vì giáo dục thời nay
Trước ngày 20 tháng 11, bà giáo già khóc vì giáo dục thời nay

Dàn đồng ca của trung tâm Phúc Tuệ được thành lập với thành phần 100% là những em bị tự kỷ, trẻ khuyết tật, thiểu năng…

Tiêu chí để lựa chọn dàn đồng ca này các cô chỉ cần: Hát tròn vành rõ chữ.

Tuy nhiên để hát xong một bài hát là tất cả sự cố gắng và nỗ lực của các em.

Ánh mắt của Phúc đầy tự hào mặc dù bản thân em cũng khi nhớ, khi quên lời.

Chứng kiến cảnh học sinh tập hát, cô giáo Hà không khỏi xúc động. Gắn bó với trẻ tự kỷ suốt 15 năm, cô Hà vẫn nói: Chăm con người còn hơn chăm con mình.

Mỗi dịp đến ngày 20-11 những tình cảm trong cô lại đong đầy. Cô Hà xúc động: “Các bé ở đây rất tình cảm, có thể vẽ tranh, làm hoa tặng các mẹ nhân ngày 20-11. 

Các cô đều rất vui khi nhận được những món quà do chính tay các em tô vẽ. Đối với các cô, các em ở đây ngoan ngoãn và nghe lời là các cô thấy vui rồi”.

Các em tập hát cho ngày kỷ niệm 20 tháng 11 (Ảnh:V.N)
Các em tập hát cho ngày kỷ niệm 20 tháng 11 (Ảnh:V.N)

Lớp học của cô Hà không chỉ có trẻ tự kỷ mà còn có các em bị hội chứng down (bệnh đao), chậm phát triển.

Việc dạy dỗ lớp này luôn khó khăn gấp mấy lần so với những lớp tiểu học bình thường.

Cô Hà kể: “Nhiều cháu khi mới vào không làm chủ được bản thân đánh các cô là chuyện bình thường.

Nếu mình không có phương pháp và sự nhẫn nại thì sẽ không thể gắn bó được với nghề.

Có lần một cháu đến buổi chiều gia đình chưa đón cháu bị đói, khi các cô đi lấy áo cho cháu, cháu đập vào đầu cô rất đau.

Thấy con như vậy mình không giận, không trách mà chỉ thấy thương nhiều hơn”.

Món quà do tay các em làm để tặng các cô giáo (Ảnh:V.N)
Món quà do tay các em làm để tặng các cô giáo (Ảnh:V.N)

Đôi bàn tay chỉ dạy, bón từng thìa cơm cho các cháu khuyết tật, cô Hà vui sướng khoe: 

“Đây là những món quà các con làm tặng các cô giáo ở đây. Nhìn thì bình thường như vậy thôi nhưng đối với trẻ khuyết tật các con có thể làm được những sản phẩm này là cả một sự cố gắng.

Do đó chúng tôi hiểu mỗi món quà của các con đều đong đầy tình cảm và sự biết ơn dành cho các cô.

Chỉ có điều các con không thể bày tỏ, bộc lộ bằng lời lưu loát như những đứa trẻ bình thường.

Có những con gắn bó với tôi từ hồi còn nhỏ đến nay đã 19-20 tuổi. Trong lớp cũng có bạn 30 tuổi nhưng trình độ nhận thức chỉ bằng các cháu lên 5, lên 6 thôi”.

Tại trung tâm Phúc Tuệ, các cô thường xưng mẹ - con với trẻ: “Con ngoan, cuối buổi mẹ thưởng cho bánh kẹo”.

Quả thật nếu chỉ đơn thuần vì kinh tế, vì công việc thì có rất ít những người chấp nhận công việc này.

Trong suy nghĩ của cô Hà, khi xác định gắn bó với nghề giáo dạy trẻ khuyết tật chuyện kinh tế đã gạt sang một bên.

Lớp học dành cho trẻ khuyết tật tại trung tâm Phúc Tuệ (Ảnh:V.N)
Lớp học dành cho trẻ khuyết tật tại trung tâm Phúc Tuệ (Ảnh:V.N)

Cô Hà tâm sự: “Các cô vẫn nói chuyện với nhau, nếu mình nghĩ về kinh tế sẽ không bao giờ đi dạy trẻ khuyết tật. Chồng tôi là thương binh, cô đi dạy cũng là đi làm từ thiện.

Mình làm việc trước hết vì cái tâm sau đó là vì tình yêu nghề. Hai cái đó mới quan trọng nhất.

Tôi nghĩ mỗi người một công, một việc. Làm nghề nào cũng là san sẻ, gánh vác cho nhiều người khổ. 

Hồi tôi mới vào đây nếu không có sự động viên của chồng, tôi cũng nghỉ lâu rồi.

Chồng tôi là thương binh, cũng bị chấn thương sọ não, chú rất hiểu hoàn cảnh của các em và động viên các em rất nhiều.

Kinh tế nhà tôi thì lương thương binh của chú được 1 triệu/ tháng. Tôi đi dạy lương cũng 3-4 triệu/ tháng. 

Nhà tôi có một em, mới đi làm kinh doanh, làm quản lý bên cà phê cộng. người kiếm tiền chính lại là con năm nay 22 tuổi, sinh năm 1998”.

Câu chuyện với cô Hà bị ngắt quãng bởi những câu hát của dàn đồng ca trung tâm Phúc Tuệ. Cô Hà mỉm cười nhìn các em hiền hậu.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Chúng tôi luôn gọi những giáo viên như cô Hà là những chiếc cọc để cho các gia đình có con khuyết tật bám víu vào.

Tâm sự với một phụ huynh – anh Sơn, có con đang theo học tại trung tâm Phúc Tuệ. 

Hoàn cảnh gia đình của anh Sơn rất khó khăn, kinh tế eo hẹp. Sau khi đã đi nhiều trung tâm anh quyết định gửi con vào trung tâm Phúc Tuệ.

Ngày 20/11 trong mơ - suy ngẫm từ ký ức thời học sinh
Ngày 20/11 trong mơ - suy ngẫm từ ký ức thời học sinh

Anh Sơn tâm sự: “Từ khi gửi con vào trung tâm Phúc Tuệ gia đình cảm thấy rất yên tâm.

Chúng tôi thấy các giáo viên ở đây đều rất có Tâm, có Đức hết lòng vì học sinh.

Trong thời điểm khó khăn có trung tâm dang rộng vòng tay đón các con chúng tôi rất biết ơn.

Nhân ngày 20-11 gia đình cũng xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các giáo viên tại trung tâm Phúc Tuệ”.

Tâm và Đức cũng là tôn chỉ hoạt động của trung tâm suốt hơn chục năm qua.

So với mặt bằng chung tại thành phố Hà Nội, mức học phí: 1.5 triệu đồng/ tháng của trung tâm đúng là chỉ đủ tiền để trả lương cho giáo viên.

Bà Vũ Thị Minh Hương năm nay đã 80 tuổi vẫn ngày ngày gắn bó với trung tâm, với những đứa trẻ khuyết tật.

Ngày 20-11 năm nay, trung tâm Phúc Tuệ sẽ tổ chức những tiết dạy gương mẫu của các giáo viên sau đó chiếu cho phụ huynh và học sinh xem.

Trẻ tập sinh hoạt, học tập tại trung tâm Phúc Tuệ (Ảnh:V.N)
Trẻ tập sinh hoạt, học tập tại trung tâm Phúc Tuệ (Ảnh:V.N)

Bà Hương tâm sự: “Khi giáo viên đến đây xin việc tôi bảo đừng đặt vấn đề về tiền và thu hoạch, có tâm thôi và tôi cũng bảo là lương của bác chỉ 2 triệu.

Ngày 20/11 ở trung tâm các trẻ háo hức tập văn nghệ, hát chào mừng các cô. Những đứa biết viết làm những cái này tặng bà. 

Còn các cô thì nó làm những cái khung nhỏ tặng… nó chỉ có những cái này tặng bà. 

Đây là những bông hoa của chúng nó, làm mãi mới được thế này. Trong khi làm gửi gắm vào đây rất nhiều tình cảm”.

Kể về quá trình thành lập trung tâm Phúc Tuệ, bà Hương bồi hồi nhớ lại: “Với tôi năm nay là năm thứ 19, chuẩn bị sang năm thứ 20. Chúng tôi vẫn âm thầm làm, từ khi tôi thành lập bên nhà bên kia là nhà riêng của chúng tôi từ năm 2001, cho đến năm 2019 vẫn có những học sinh theo tôi.

Trong hoạt động này không phải ai cũng như ai cũng như ai, có anh hết lòng vì tâm, ở đây chúng tôi hết lòng không thu một đồng lãi. 

Như lương của tôi không bằng người cấp dưỡng ở đây. Tôi cũng chỉ lấy 1 chút ít vì tôi có bảo hiểm, lương hưu.

Từ trước tới nay chúng tôi không kinh doanh, làm sao để lấy thu đủ chi để hoàn toàn tự nguyện. hay như tháng 9 học sinh nghỉ không đóng tiền chúng tôi vẫn phải đóng cho học sinh…”.

Đối với giáo viên khuyết tật điều quan trọng nhất là cái Tâm của người làm nghề (Ảnh:V.N)
Đối với giáo viên khuyết tật điều quan trọng nhất là cái Tâm của người làm nghề (Ảnh:V.N)

Tổng kết lại cả cuộc đời gắn bó với nghề giáo, bà Hương gửi gắm: “Bất kỳ giai đoạn nào giáo dục cũng có vai trò rất quan trọng. Sự hưng thịnh của Quốc gia phụ thuộc vào giáo dục.

Người làm giáo dục phải là những người có tâm, hết lòng vì học sinh, đừng đặt lợi ích cá nhân, vật chất lên hàng đầu sẽ làm méo mó đi hai chữ giáo dục”.

Lời bà giáo Hương nhắc nhở bên tai, đan xen với những câu hát từ xa vọng lại. Một ngày 20-11 nữa lại sắp đến. 

Trong trái tim của những người làm giáo dục (trong đó có chúng tôi) lại rưng rưng khi nghĩ về 2 từ: Giáo dục đầy thiêng liêng, trách nhiệm.

Vũ Ninh