Ngày khai giảng, thầy cô mong ước gì điều gì?

05/09/2019 06:26
Phan Tuyết
(GDVN) -Có phụ huynh nói “Học dốt mới cần thầy cô dạy, giỏi rồi đi học làm chi? Có hư mới nhờ thầy cô dạy, ngoan rồi thì cần gì? Lần sau cô đừng gọi điện mắng vốn nữa”.

Nói về mong ước trước thềm năm học mới trong vai trò của một nhà giáo thì có vô vàn điều chúng tôi muốn nói.

Việc dạy và giáo dục học sinh nếu có sự hợp tác của giáo viên sẽ vô cùng hiệu quả (Ảnh minh họa: Báo giaoducthoidai.vn)
Việc dạy và giáo dục học sinh nếu có sự hợp tác của giáo viên sẽ vô cùng hiệu quả (Ảnh minh họa: Báo giaoducthoidai.vn) 

Ví như chuyện không muốn làm “chủ nợ”, càng không muốn làm người “đòi nợ” mà “con nợ” lại chính là các em học sinh của mình.

Không muốn bị các cuộc thi chuyên môn cũng như những cuộc thi phong trào đè nặng.

Không muốn bị gánh nặng hồ sơ sổ sách bao vây chiếm hết thời gian dành cho nhiều việc khác.

Không muốn bị các chỉ tiêu thi đua chi phối…để rồi phải “nhắm mắt” lùa học sinh lên lớp nhưng trong lòng lại day dứt không yên.

Không muốn nạn bạo hành học đường xảy ra để trả lại môi trường giáo dục an toàn, bình yên vốn có.

Thế nhưng những mong ước ấy vẫn chưa thể bằng niềm khao khát, mong chờ chính là sự hợp tác, sự đồng hành của phụ huynh học sinh với giáo viên, với nhà trường.

Đây chính là chìa khóa để giáo viên chúng tôi cùng học sinh đi đến những thành công trong học tập và rèn luyện.

Và nhờ đó, mà những mong ước kể trên cũng sẽ được khắc phục rất nhiều.

Ngày khai giảng, thầy cô mong ước gì điều gì? ảnh 2
Chín điều ước trước thềm năm học mới

Ngỡ ước muốn chỉ vậy thôi thì có gì không đạt được?

Thế nhưng, có được điều này lại chẳng hề đơn giản tí nào ít nhất là ở vùng quê của chúng tôi hiện nay.

Nhiều phụ huynh phó mặc con em cho nhà trường

Nếu bạn là giáo viên, bạn mới hiểu được cảm giác vào tiết dạy nhưng không ít học sinh của bạn em thì quên bút, em không mang bảng, em để quên vở, em không mang sách…

Trong khi học bây giờ không phải giáo viên giảng bài trên bảng rồi học sinh mới làm bài.

Trước hết, các em phải có sự tìm hiểu, trao đổi với bạn, với nhóm…nếu không có sách giáo khoa sẽ học thế nào?

Nếu không mang vở, sẽ làm bài vào đâu? Nếu không có bút sao có thể viết bài?...thường thì những học sinh hay quên thế này, sẽ liên tục lặp lại ở những buổi học khác.

Giáo viên gọi điện, phụ huynh bắt máy và cho biết sẽ chú ý hơn, sẽ nhắc nhở con mỗi ngày. Nhưng đôi khi những lỗi ấy cũng chẳng được khắc phục.

Không ít phụ huynh lại chẳng bao giờ bắt máy khi thầy cô gọi. Vì vậy, để liên lạc với những phụ huynh như thế thật vô cùng khó khăn.

Hay như việc, các em phải hoàn thành Hoạt động ứng dụng sau một (hoặc vài) bài học, phải học thuộc bảng cửu chương, phải chuẩn bị bài cũ ở nhà…thế nhưng chẳng bao giờ hoặc rất ít khi những em này hoàn thành.

Hỏi ra được biết, ba mẹ không nhắc nhở, không chăm lo cho việc học của các em ở nhà.

Có phụ huynh nói rằng: “Học dốt mới cần thầy cô dạy, nếu giỏi rồi thì đi học làm chi?”

Có những em thường xuyên nói tục, chửi thề khi thầy cô cần sự hợp tác giáo dục từ gia đình nhưng có phụ huynh trả lời theo kiểu giáo viên nghe xong chỉ biết nói botay.com

“Có hư mới nhờ thầy cô dạy, ngoan rồi thì cần gì? Lần sau cô đừng gọi điện mắng vốn nữa”.

Mong ước được phụ huynh chung tay hợp tác

Ngày khai giảng, thầy cô mong ước gì điều gì? ảnh 3
Phân luồng 30% Trung học cơ sở đi học nghề, trở ngại lớn nhất là ...phụ huynh

Dù cố gắng, nỗ lực đến đâu thì giáo viên cũng không thể dạy những học sinh ấy tốt lên được.

Dù luôn dặn lòng phải yêu thương, phải nhỏ nhẹ, phải dịu dàng với các em nhưng tình trạng quên sách vở, không có bút viết, không chuẩn bị bài cũ cứ thường xuyên lặp lại bảo sao giáo viên không thể nổi nóng cho được?

Phần vì lo học sinh sẽ không thể tiếp thu bài, sẽ không thể học tốt, phần lại bị áp lực về chất lượng, về thành tích nên nhiều thầy cô giáo luôn bực tức, khó chịu và cảm giác mỗi buổi lên lớp như là cực hình sẽ không thể tránh khỏi.

Vì thế, mong ước được phụ huynh thấu hiểu, cảm thông để cùng chung tay giảng dạy và giáo dục học sinh luôn là điều mà nhiều thầy cô giáo ước ao nhất.

Nếu có được sự hợp tác chặt chẽ từ gia đình các em thì việc giúp học sinh học tốt hơn, ngoan và lễ phép hơn sẽ chẳng khó khăn gì.

Khi các em đã học tốt, đã chăm ngoan thì mọi áp lực đối với nhà giáo chúng tôi cũng sẽ được giải tỏa.

Phan Tuyết